|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Điều gì chờ đợi ECB khi thời kỳ nới lỏng định lượng kết thúc?

05:00 | 26/07/2022
Chia sẻ
Nhiều nhà kinh tế mà Bloomberg khảo sát trong tháng này cho rằng ECB đã chậm trễ trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde. (Ảnh: Bitcoin News).

Châu Âu đang đứng trước khó khăn khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiến hành nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011 bởi nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng nợ công như năm 2012

Chu kỳ tăng lãi suất bắt đầu

ECB ngày 21/7 đã quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm), bắt đầu một chu kỳ tăng lãi suất mới dự kiến kéo dài trong năm 2023.

ECB là một trong những ngân hàng trung ương lớn cuối cùng tăng lãi suất. Với lạm phát ở mức 8,6% và đang tăng lên, liên tục vượt dự báo của các quan chức, nguy cơ giá cả có thể vượt khỏi tầm kiểm soát khiến họ phải chú ý cao độ. Các dự báo được Ủy ban châu Âu đưa ra vào đầu tháng này cho thấy ngay cả trong năm 2023, giá cả có thể lên mức trung bình 4%, gấp đôi mục tiêu của ECB.

Cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy lạm phát do giá năng lượng, phân bón và thực phẩm cao hơn, các quan chức đang dự tính tác động của việc đồng euro giảm xuống ngang giá với USD có thể làm tăng chi phí nhập khẩu, cũng như khả năng Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.

Nhiều nhà kinh tế mà Bloomberg khảo sát trong tháng này cho rằng ECB đã chậm trễ trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Thêm vào đó, ngân hàng này vẫn chưa xem xét việc tăng mức lãi suất lớn (75 điểm cơ bản) như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện. Fed dự kiến sẽ tăng mức tương tự tại cuộc họp hai ngày kết thúc vào ngày 27/7 tới.

Có một số lý do khiến ECB phản ứng tương đối chậm và thận trọng. Đó là ngày càng nhiều cảnh báo về một cuộc suy thoái sắp diễn ra,  ngay cả khi không có việc Nga ngừng cung cấp khí đốt. Theo các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg, có 45% khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới, tăng so với mức 30% chỉ một tháng trước. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nước phụ thuộc nhiều hơn vào Nga về khí đốt, có khả năng xảy ra suy thoái lớn nhất.

“Bóng ma” nợ công

Tiếp đến là "bóng ma" khủng hoảng nợ công như năm 2012 rình rập, tập trung vào các thành viên đang có nền kinh tế yếu trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Italy (I-ta-li-a). Thủ tướng Italy Mario Draghi, người từng là Chủ tịch ECB giai đoạn khủng hoảng năm 2012, đã thông báo từ chức, chỉ vài giờ trước khi ECB quyết định tăng lãi suất.

Giai đoạn khủng hoảng nợ công năm 2011-2012, Hy Lạp là một quốc gia nhỏ hơn Italy nhiều nên việc nếu nước này rút khỏi Eurozone không đe dọa tính toàn vẹn tổng thể. Tuy nhiên, giải quyết bài toán Italy hiện tại khó hơn, bởi đây là nền kinh tế lớn thứ ba của khối.

Italy còn là thành viên sáng lập của Cộng đồng Than và Thép châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu. Vì vậy, thật khó để tưởng tượng Eurozone sẽ ra sao khi không có nước này. Nói chung, "sức khỏe" của Italy bất ổn có thể gây ra nguy hiểm cho toàn khu vực.

Cách đây gần đúng một năm, Chủ tịch ECB Christine Lagarde, cho rằng ECB đã rút kinh nghiệm từ những sai sót của các cuộc khủng hoảng trong quá khứ và sẽ không làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế bằng cách rút hỗ trợ khẩn cấp quá sớm.

Những sai sót mà bà Lagarde muốn nói đến chủ yếu là giai đoạn năm 2011, khi ECB nâng lãi suất hai lần vào tháng Tư và tháng Bảy.

Với phản ứng được cho là quá sớm để chống lạm phát này, nó đã góp phần làm cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước châu Âu thêm căng thẳng. Điều đó buộc ông Draghi khi lên nắm quyền Chủ tịch ECB đã đảo ngược chính sách, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng đang bước vào giai đoạn nguy hiểm, đe dọa Eurozone.

Tình trạng hỗn loạn bắt đầu ở Hy Lạp và nhanh chóng lan sang các thành viên có nền kinh tế yếu trong khối. Ông Draghi lúc bấy giờ tuyên bố sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để bảo vệ đồng euro

Thời điểm đó, ECB đã bị buộc tội vì đã tăng lãi suất để chống lạm phát quá sớm. Còn trong những tháng gần đây, ECB dưới sự lãnh đạo của bà Lagarde bị chỉ trích vì đã để lạm phát leo lên mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra mắt năm 1999.

ECB ra mắt “công cụ mới”

Vào tháng 6/2022, khi bà Lagarde xác nhận kế hoạch tăng lãi suất, các nhà đầu tư ngay lập tức nghĩ đến viễn cảnh tốn kém hơn và có thể quá sức chịu đựng để giải quyết nợ công cho Italy, với mức đã tương đương khoảng 150% GDP.

Để giải quyết những lo ngại rằng chi phí đi vay cao hơn có thể làm nền tài chính công của một số nước như Italy không bền vững, họ đã cố gắng nghĩ ra một biện pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng mới. Lợi tức trái phiếu 10 năm của Italy đã tăng trên 4%, lần đầu tiên kể từ năm 2014 trong bối cảnh hoạt động bán tháo diễn ra.

Chủ tịch ECB đã buộc phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận ý tưởng tạo ra một công cụ mới nhằm ngăn chặn đầu cơ. Kết quả, ECB đã công bố "Công cụ bảo vệ đường truyền" (TPI) hôm 21/7, được xem là cách để chống lại các động lực thị trường không chính đáng, gây mất trật tự, đe dọa nghiêm trọng đến việc truyền tải chính sách tiền tệ trên toàn Khu vực đồng euro.

Tham vọng của các nhà hoạch định chính sách là TPI sẽ thành công không kém phương pháp mà ông Draghi trình làng cách đây 10 năm. Được gọi là "Giao dịch tiền tệ toàn diện", công cụ của ông Draghi cho phép ECB mua trái phiếu các thành viên Eurozone yếu kém, đổi lại các chính phủ đó phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt về thực hiện chính sách kinh tế. Tuy nhiên, sự kỳ thị chính trị trong khối về công cụ này khiến nó không được ưa chuộng rộng rãi.

Giờ đây, với TPI, Hệ thống châu Âu (Eurosystem), bao gồm ECB và các ngân hàng trung ương thành viên Eurozone, có thể mua trên thị trường thứ cấp chứng khoán được phát hành tại các khu vực pháp lý gặp phải tình trạng xấu đi, cả trong điều kiện tài chính không được đảm bảo bởi các nguyên tắc cơ bản của quốc gia. Quy mô mua TPI sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các rủi ro đối với việc truyền tải chính sách tiền tệ chung của khối.

Theo Bloomberg, việc TPI có thể thành công hay không phải cần một thời gian nữa mới có thể trả lời được.

 

Minh Hằng