Điện máy Việt nỗ lực tìm chỗ đứng
Ông Vương Quang Minh ở quận 3, TP HCM, cho biết đã mua tivi LCD của VTB cả chục năm qua vẫn chưa thấy hư hỏng gì. Còn theo ông Trương Gia Quyền (quận 2, TP HCM), sử dụng máy lạnh loại 1 ngựa của Reetech hơn 12 năm vẫn chạy tốt.
Chất lượng tốt nhưng ít người biết
Theo tìm hiểu của phóng viên, thị trường điện máy hiện nay ngoài các thương hiệu lớn của nước ngoài có rất nhiều sản phẩm Việt có chất lượng tốt nhưng ít được người tiêu dùng biết đến. Ở mảng tivi có các thương hiệu như Asanzo, VTB, UBC, Shark, Darling. Tủ lạnh, máy lạnh, tủ đông, tủ mát, máy điều hòa, máy lọc nước có VTB, Hòa Phát, Reetech, Aqua, Kangaroo, Karofi, Sunhouse, Sanaky, Alaska... cũng được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến và tiết kiệm điện inverter nhưng giá bán thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Tuy nhiên, khảo sát các siêu thị, trung tâm điện máy tại TP HCM cho thấy các mặt hàng điện máy do các công ty thuần Việt sản xuất chỉ chiếm một góc khá khiêm tốn. Đại diện một siêu thị điện máy cho biết các mặt hàng điện máy của các doanh nghiệp trong nước sản xuất như mặt hàng tivi chỉ chiếm từ 5%-7% doanh số, tủ lạnh và máy lạnh chiếm khoảng 2%, bình đun và máy xay sinh tố chiếm 20%. Riêng mặt hàng máy lọc nước chiếm áp đảo lên đến 90%-95%, do các thương hiệu lớn trên thế giới chưa chú ý đến mặt hàng này nên các doanh nghiệp nội mới có cơ hội để chiếm lĩnh thị trường.
Dù lượng tiêu thụ còn thấp nhưng theo các siêu thị, trung tâm điện máy, những mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất có chế độ bảo hành rõ ràng và chu đáo. Thời gian qua chưa thấy phản ánh từ khách hàng về chất lượng sản phẩm cũng như chế độ hậu mãi, chỉ có một số hỏng hóc vặt được nhà sản xuất khắc phục nhanh chóng.
Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Điện tử VTB, cho biết hàng điện tử, điện máy thuần Việt trước đây đã khó cạnh tranh với các thương hiệu ngoại, nay thuế nhập khẩu các mặt hàng điện tử, điện máy khu vực ASEAN đã về 0% càng khiến các doanh nghiệp trong nước khó khăn hơn vì khi nhập linh kiện nước ngoài về để sản xuất phải chịu mức thuế từ 3%-5%, chưa kể thủ tục nhập khẩu nhiêu khê, mất nhiều thời gian.
Theo ông Duy, chất lượng hàng điện tử trong nước không thua kém các thương hiệu lớn vì cùng mua linh kiện của những nhà cung cấp như nhau nhưng giá bán thấp hơn nhiều, chế độ bảo hành vượt trội nhưng không cạnh tranh nổi với các sản phẩm nhập ngoại. VTB còn ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra giá trị gia tăng cho người sử dụng nhưng vẫn không được người tiêu dùng để ý.
Các sản phẩm điện máy, điện lạnh sản xuất trong nước chật vật cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thế giới
Hứa hẹn cạnh tranh sòng phẳng
Bà Nguyễn Ý Nhi, Giám đốc marketing Tập đoàn Điện tử Asanzo, cho biết năm 2018, Asanzo bán trên 4 triệu sản phẩm thuộc tất cả các ngành, trong đó tivi bán được 815.000 sản phẩm, vào top 3 thị trường điện tử Việt Nam và chiếm 18% thị phần trong nước. Asanzo có 15 công ty trực thuộc với 6 nhà máy đang hoạt động, phát triển được hơn 15.000 điểm bán hàng và hơn 1.000 trạm bảo hành trên cả nước. Sản phẩm Asanzo còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Myanmar, Lào, Campuchia.
Ngoài việc chú trọng đến những sản phẩm giá rẻ, Asanzo tập trung chủ yếu ở phân khúc nông thôn với nhu cầu sử dụng tivi ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất cao đã giúp số lượng tivi bán ra của Asanzo tăng lên. Theo bà Nhi, hiện thị trường nông thôn chiếm đến 70% doanh số của Asanzo. Dòng tivi LED của Asanzo được xem là rẻ nhất tại Việt Nam. Chỉ từ 2-5 triệu đồng, người tiêu dùng có thể sắm 1 chiếc tivi màn hình phẳng, đầy đủ tính năng và đẹp. Thời hạn bảo hành của tivi Asanzo cũng dài hơn các thương hiệu khác.
Năm 2019, Asanzo đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỉ đồng (năm 2018 đạt 6.250 tỉ đồng), tập trung phát triển đa dạng hóa ngành hàng điện thoại và điện lạnh, điện gia dụng, hướng đến thiết bị thông minh (smarthome). Đồng thời, đưa vào hoạt động nhà máy thứ 7 của tập đoàn tại Khu Công nghệ cao quận 9, với quy mô đầu tư trên 1.000 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một tập đoàn lớn trong nước cũng đã có kế hoạch tung nhiều mặt hàng điện máy ra thị trường trong quý IV/2019. Tập đoàn này dự kiến sẽ chào sân bằng mặt hàng tivi trước, kế đến sẽ cung cấp ra thị trường nhiều mặt hàng điện máy khác như tủ lạnh, máy giặt. Sự tham gia của tập đoàn này hứa hẹn sẽ có cuộc cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu nước ngoài.
Ông Lê Thanh Nam, kinh doanh điện máy tại TP HCM, cho biết hàng điện máy Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tăng khả năng cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập. Phải tạo ra mẫu mã hấp dẫn hơn, chú trọng truyền thông quảng bá sản phẩm nhiều hơn và phải làm thường xuyên, nhằm tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. "Hàng nội lâu nay chủ yếu chỉ âm thầm đưa ra thị trường nên người tiêu dùng có rất ít thông tin" - ông Nam nêu thực tế.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/