'Điện mặt trời mái nhà tự dùng khó hấp dẫn nếu bán 0 đồng'
Tại dự thảo Nghị định lấy ý kiến tuần qua, Bộ Công Thương giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng. Tức, người dân có thể bán phần dư thừa nhưng Nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền.
Lý do từng được Bộ Công Thương đưa ra là lượng điện dư thừa có thể ảnh hưởng tới an toàn, an ninh hệ thống. Hiện năng lượng này phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết nhưng đây là các yếu tố bất định. Khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện.
Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng muốn kiểm soát tổng quy mô công suất trên cả nước theo Quy hoạch điện VIII.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng việc đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán hoặc bán với giá 0 đồng là "không công bằng và đi ngược nguyên tắc thị trường".
Theo tính toán, một hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà ở nhà dân công suất 5 kW tích hợp thiết bị lưu trữ 5 kWh có chi phí khoảng 80-90 triệu đồng. Nếu đầu tư pin lưu trữ 10 kWh, tổng chi phí khoảng 100-120 triệu đồng. Các thiết bị có thời gian bảo hành từ 5-12 năm, tùy loại.
Hệ thống này có thể giúp một hộ gia đình tiết kiệm được khoảng 450-500 kWh mỗi tháng với bức xạ của miền Bắc. Tương ứng, với số tiền tiết kiệm được 800.000 đồng đến 1 triệu đồng một tháng, thời gian hoàn vốn khoảng 7-10 năm.
"Sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ban đầu", ông Việt nói, thêm rằng không thể bán phần dư thừa hoặc được khấu trừ vào tổng sản lượng sử dụng, sẽ dẫn đến đầu tư không hiệu quả, nhất là khu vực chênh lệch lớn về hiệu suất theo thời điểm như miền Bắc.
Hiện, các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc chỉ khoảng 6%, Hà Nội chưa tới 0,4%. Công suất chủ yếu tập trung ở miền Nam, Trung (chiếm gần 90%). Trong đó, tỷ lệ lắp trên mái nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng chỉ 17%.
Chuyên gia năng lượng Lã Hồng Kỳ đánh giá việc thu hồi vốn đối với khu vực miền Bắc sẽ khó khăn nên chủ đầu tư không mặn mà. Bởi, đặc điểm khí hậu ở đây chia 4 mùa, lượng bức xạ mặt trời các tháng chênh lệch khá lớn nên khó tính toán công suất nối lưới tự dùng.
"Do đó, cần có cơ chế để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua lại một phần điện dư thừa", ông Kỳ đề xuất và cho rằng cơ chế này sẽ khuyến khích đầu tư, giúp phát triển hài hòa nguồn năng lượng này giữa các vùng miền, địa phương.
Trường hợp không bán cho EVN, chuyên gia của VEPR đề xuất người dân được khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong chu kỳ thanh toán như tín dụng, hoặc tính giá bằng một tỷ lệ nhất định so với giá mua lại từ lưới.
Ngoài bán cho EVN, giới chuyên môn đề xuất cho mua bán giữa các tổ chức, cá nhân là "hàng xóm" của nhau.
Góp ý gửi tới Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp (VCCI) cũng từng đề nghị sửa đổi quy định theo hướng cho phép mua bán giữa các khách hàng trong một tòa nhà mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia. "Việc này sẽ giúp cân bằng phụ tải tốt hơn do hạn chế được lượng điện dư", theo VCCI.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho hay, việc bán điện cho "hàng xóm" được các nước triển khai khá đơn giản qua đường dây riêng. Ở Việt Nam, ông đề xuất cho mua bán qua lưới và EVN có thể thu thêm phí quản lý đường dây.
Cơ chế này cũng được các chuyên gia chỉ ra rằng cần thiết với doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhu cầu sử dụng năng lượng sạch với các doanh nghiệp sản xuất dự báo tăng trưởng mạnh trong những năm tới. "Với các doanh nghiệp này, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm chi phí", ông Việt nói.
Chuyên gia này thông tin thêm, khảo sát tại một khu công nghiệp tại Hải Phòng, với 3 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 3MW, tạo ra 5.800 MWh giờ điện trong năm 2023. Sản lượng này giúp doanh nghiệp giảm khoảng 10 tỷ đồng.
"Nếu các khu công nghiệp mua trực tiếp từ các nhà đầu tư hoặc tự đầu tư điện tái tạo sẽ giảm 15-30% chi phí so với mua trực tiếp giá bán lẻ của EVN", ông Việt cho hay.
Cùng quan điểm, theo ông Phan Công Tiến, chuyên gia năng lượng tái tạo, với mức giá thấp dưới 1.000 đồng một kWh (dưới 5 cents), giá điện bán lẻ sẽ giảm xuống. Tính thêm chi phí đầu tư cho việc ổn định và cân bằng hệ thống, đây vẫn là nguồn năng lượng rẻ và thân thiện với môi trường nhất.
Ước tính, chi phí cho 1 MW trung bình khoảng 13 tỷ đồng. Nhưng dù giải quyết được yếu tố tài chính ban đầu, không có cơ chế mua bán điện vẫn là rào cản khiến các doanh nghiệp trong khu công nghiệp lưỡng lự đầu tư loại năng lượng này.
Bởi, doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư lo khả năng thu hồi vốn khi dư thừa không thể bán. Trong khi, nhiều doanh nghiệp sản xuất muốn dùng điện tái tạo vì muốn đạt được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu nhưng không đủ khả năng, năng lực tự đầu tư, vận hành.
"Thực tế đòi hỏi cần có cơ chế thực hiện để đáp ứng nhu cầu này", ông Việt nói, đề xuất Nhà nước cho phép hình thành thị trường mua bán giữa các chủ đầu tư với doanh nghiệp sản xuất.
Điều này, theo chuyên gia, phù hợp với tính cung - cầu thị trường, tạo điều kiện để các chủ đầu tư khu công nghiệp, quỹ trung gian, đơn vị cung cấp giải pháp lắp đặt. Ngược lại, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu có cơ hội tiếp cận nguồn năng lượng sạch với chi phí hợp lý, góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.
Hiện nay, toàn quốc có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà với công suất đạt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô phát triển loại này từ nay đến 2030 được tăng thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Tuy nhiên, theo ông Lã Hồng Kỳ, hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các phần tử cấu thành như tấm pin, thiết bị lưu trữ, ắc quy. Điều này dẫn đến chất lượng các hệ thống chưa được kiểm soát chặt, tiềm ẩn nguy cơ về an toàn, phòng cháy chữa cháy, độ ổn định chất lượng điện năng.
Việc đấu nối lưới để mua bán có thể gây mất an toàn cho lưới, do đó, giới chuyên môn cho rằng cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể về thiết bị, phòng cháy chữa cháy, quy trình nghiệm thu, kiểm tra bảo dưỡng, thử nghiệm định kỳ.
Ngoài ra, để tránh phát triển ồ ạt, ông Phan Công Tiến cho rằng hàng năm, cơ quan quản lý cần có báo cáo đánh giá độc lập khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện và công bố hàng năm. Việc này giúp doanh nghiệp, người dân chủ động khi lắp đặt. Ví dụ, ông Tiến cho biết ở Australia, cơ quan điều hành điện AEMO công bố các dữ liệu này hàng năm trên trang web.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/