|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đề xuất EVN mua bao tiêu 70% sản lượng dự án điện khí LNG

20:20 | 22/04/2024
Chia sẻ
Bộ Công Thương đề xuất tỷ lệ EVN cam kết bao tiêu điện khí LNG tối thiểu 70%, tối đa 7 năm để đảm bảo dự án khả thi, tránh tác động tới giá bán lẻ.

Nội dung trên nêu tại dự thảo Nghị định cơ chế phát triển các dự án điện dùng khí thiên nhiên, khí hóa lỏng (LNG) được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Theo Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí phải đầu tư mới trên 30.420 MW, trong đó 75% là khí LNG (22.824 MW). 13 dự án dùng LNG được phát triển tới 2030, song có thể khó kịp tiến độ nếu không hoàn thành đàm phán hợp đồng mua bán (PPA) và thu xếp vốn vay trước năm 2027.

Số dự án này cũng gặp khó do thiếu cơ sở pháp lý cam kết bao tiêu sản lượng dài hạn, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện. Đây cũng là lý do dự án Nhơn Trạch 3 và 4 đạt 70% tiến độ, nhưng chưa đàm phán xong PPA với EVN.

Tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất từ nay đến năm 2030, Chính phủ quy định bên mua - EVN có thể cam kết mua bao tiêu 70% sản lượng từ các dự án điện khí. Nhưng thời hạn duy trì tỷ lệ này tối đa 7 năm, để đảm bảo khả thi thu hút đầu tư và tránh tác động lên giá bán lẻ.

Mức bao tiêu đề xuất này cao hơn 5% so với tỷ lệ EVN đề nghị (65%), nhưng thấp hơn 2-20% ngưỡng các nhà đầu tư mong muốn trong toàn bộ thời gian hợp đồng.

Tỷ lệ cam kết về bao tiêu sản lượng nhằm đảm bảo dòng tiền ổn định để chủ đầu tư trả nợ vay dự án. Các bên cung ứng và vận chuyển khí cũng thường yêu cầu tỷ lệ này để tính toán ổn định về lượng và giá nhiên liệu trong dài hạn.

Trước đó, EVN lo ngại, cam kết mức mua bao tiêu cao trong dài hạn có thể gây rủi ro, làm tăng giá điện. Cụ thể, LNG có giá thành cao, mức 12-14 USD một triệu BTU nhập về Việt Nam. Giá thành loại nguồn điện này dao động 2.400-2.800 đồng một kWh, cao hơn nhiều so với các nguồn điện khác.

Ngoài ra, tại dự thảo, Bộ Công Thương cũng đề xuất một số nội dung khác trong hợp đồng PPA. Chủ đầu tư dự án khí LNG chủ động đàm phán, ký và chịu trách nhiệm về các hợp đồng theo mẫu Bộ Công Thương đưa ra, để tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh và giao ngay.

Chi phí mua điện của các nhà máy dùng khí tự nhiên khai thác trong nước, LNG nhập khẩu là các chi phí hợp lý, hợp lệ và được tính trong giá bán lẻ điện. Giá điện trong hợp đồng tính bằng USD, việc thanh toán được thực hiện bằng đồng Việt Nam.

Với các dự án dùng khí LNG nhập khẩu, dự thảo nghị định đề xuất có cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện. Cơ chế này cũng có thể được áp dụng với cá dự án trọng điểm dầu khí dùng khí tự nhiên trong nước. Việc này sẽ góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng.

Phương Dung

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.