|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Điện Kremlin: Chính phương Tây gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu

10:13 | 24/05/2022
Chia sẻ
Thư ký báo chí của Tổng thống Putin tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt chống lại Nga là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng lương thực, chứ không phải hành động quân sự của Moscow tại Ukraine.

Lỗi của phương Tây

Hôm 23/5, Điện Kremlin đưa ra tuyên bố mới, khẳng định phương Tây đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt hà khắc nhất trong lịch sử hiện đại đối với Nga.

Thời gian qua, cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã kéo giá ngũ cốc, dầu ăn, phân bón và năng lượng tăng vọt. Lãnh đạo các nước và giới chuyên gia cho rằng Moscow nên chịu trách nhiệm cho cú sốc giá cả này.

Giá lương thực tăng mạnh kể từ sau xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra.

Ngày 18/5, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông đang liên lạc chặt chẽ với Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ  Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm phục hồi xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Tờ RT dẫn lời ông Guterres cho biết, cuộc xung đột tại Ukraine đã làm tăng thêm các vấn đề vốn đã ảnh hưởng tới thị trường thực phẩm như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.

Vị tổng thư ký yêu cầu Moscow ngừng chặn việc xuất khẩu lương thực từ các cảng của Ukraine, đồng thời khẳng định rằng Nga nên tiếp tục cung ứng phân bón và lương thực ra thị trường quốc tế.

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin đồng tình với đánh giá của Liên Hợp Quốc về việc thế giới đang đối mặt với khủng hoảng lương thực và có thể gây ra nạn đói.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khẳng định: “Nga luôn là một nhà xuất khẩu ngũ cốc đáng tin cậy”.

“Chúng tôi không gây ra khủng hoảng lương thực. Nguyên nhân dẫn đến nạn đói toàn cầu là do các lệnh trừng phạt và những kẻ đã áp đặt chúng lên Nga”, ông Peskov nói thêm.

Nga không chặn đường xuất khẩu

Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu. Ukraine cũng là nhà xuất khẩu lớn về ngô, đại mạch, dầu hướng dương, dầu cải. Nga và Belarus chiếm hơn 40% sản lượng phân kali xuất khẩu toàn cầu. Belarus cũng đang chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

 

Liên Hợp Quốc cho biết hiện có 36 quốc gia phụ thuộc vào nguồn lúa mì xuất khẩu từ Nga và Ukraine. Trong số này có cả những nước nghèo nhất thế giới như Lebanon, Syria, Yemen, Somalia và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Về vấn đề giao thông hàng hải, người phát ngôn Điện Kremlin tố cáo lực lượng Ukraine đã đặt thủy lôi tại Biển Đen. Theo ông Peskov, hành động này khiến cho hoạt động buôn bán và vận chuyển trở nên “bất khả thi” và cần có những biện pháp đặc biệt để nối lại giao thông hàng hải.

Ukraine đã để mất một vài cảng biển lớn nhất vào tay Nga, bao gồm Kherson và Mariupol. Chính quyền Kiev cũng đang lo ngại Moscow sẽ cố gắng chiếm thành phố cảng Odessa.

Ông Peskov cho biết Nga không hề ngăn cản Ukraine xuất khẩu ngũ cốc sang Ba Lan bằng đường sắt. Ông nhấn mạnh rằng Ba Lan đang gửi vũ khí tới Ukraine bằng đường sắt và “chẳng ai ngăn phía Kiev xuất khẩu ngũ cốc ngược lại bằng những con tàu này”.

Cũng trong ngày 23/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Andrey Rudenko khẳng định các cáo buộc nói Moscow đang cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ Biển Đen, dẫn đến tình trạng thâm hụt nguồn cung trên thị trường ngũ cốc, “chỉ là suy đoán”. Ông Rudenko kêu gọi: “Tất cả các biện pháp hạn chế đã áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Nga nên bị hủy bỏ".

Hai tuần trước, một quan chức cơ quan lương thực của Liên Hợp Quốc cho biết gần 25 triệu tấn ngũ cốc đã bị mắc kẹt ở Ukraine do những thách thức về cơ sở hạ tầng và các cảng biển bị chặn.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 19/5 cáo buộc Nga đang sử dụng lương thực như một loại vũ khí bằng cách giữ nguồn cung làm "con tin" với không chỉ người Ukraine mà còn hàng triệu người trên khắp thế giới.

Minh Quang