|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điện gió Đắk Nông: Chủ đầu tư 'chạy nước rút' để hưởng ưu đãi, dân yêu cầu công khai, minh bạch

07:08 | 27/04/2021
Chia sẻ
Huyện Đắk Song đang trở thành một trung tâm phát triển điện gió của tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung khi có cùng lúc 6 dự án lớn được phê duyệt và triển khai.

Hạn định để các dự án hoàn thành, đi vào vận hành là ngày 1/11/2021 và chủ đầu tư đang "chạy nước rút" để hoàn thành tiến độ theo kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều vấn đề phức tạp đang phát sinh, đòi hỏi các bên liên quan phải giải quyết sớm.

Dân lập lán trại, ngăn cản thi công

Từ đầu tháng 4 đến nay, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song đang dần trở thành "điểm nóng" về an ninh, trật tự của tỉnh Đắk Nông khi thường xuyên xảy ra tình trạng người dân tập trung để phản đối việc thi công các dự án điện gió. Vào cao điểm, các hộ dân tụ tập từ 60 – 70 người, xây dựng nhà bạt, chặn đường không cho xe vận chuyển thiết bị vào thi công tuabin điện gió.

Theo các hộ dân, họ yêu cầu đơn vị thi công, nhà đầu tư và các bên liên quan phải giải đáp rõ một số vấn đề liên quan tới thi công các tuabin điện gió; trong đó, nổi bật là việc nhà đầu tư tự ý san ủi, mở rộng đường để phục vụ xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển các trang thiết bị phục vụ thi công; việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ đối với nhà cửa, đất đai của người dân trong bán kính 300 m tính từ cột điện gió; việc nhà thầu đóng cọc thi công cột điện gió tạo ra tiếng ồn cường độ lớn và làm nứt nhà 7 hộ dân thuộc thôn 8, xã Thuận Hà…

Bà Đỗ Thị Thắm, một hộ dân tại thôn 8, xã Thuận Hà cho biết, gia đình bà đề nghị các bên liên quan phải làm rõ những nội dung nêu trên, nhất là những ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của bà con trong phạm vi bán kính 300 m tính từ cột điện gió.

Cũng theo bà Thắm, mấy năm trước, gia đình bà và nhiều hộ dân trong thôn hiến đất để cùng với Nhà nước xây dựng đường nông thôn mới, thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Việc nhà đầu tư tự ý san ủi, mở rộng đường để phục vụ vận chuyển cánh quạt, trang thiết bị mà chưa lấy ý kiến người dân là sai và người dân yêu cầu phải giải đáp rõ vấn đề này.

Theo một số hộ dân khác tại xã Thuận Hà, khoảng từ tháng 10/2020, có nhiều người từ địa phương khác đến hỏi mua đất của người dân để trồng dược liệu. Đất mà họ nhắm đến vì những vị trí trên đồi cao, đường sá đi lại thuận lợi. Nhiều hộ dân trong xã và các xã lân cận đã bán đất với tổng diện tích hàng chục hecta. Đến cuối năm thì tại các vị trí nêu trên được triển khai đồng loạt các cột điện gió.

Theo UBND xã Thuận Hà, các hộ dân đã bắt đầu phản ứng từ trước Tết Nguyên đán Âm lịch, tức khoảng tháng 2/2021. Vào thời điểm đó, đại diện chủ đầu tư hứa qua Tết Nguyên đán sẽ tiến hành kiểm tra, thỏa thuận, nhưng tới hạn định họ không tiến hành.

Hiện nay, người dân đang tập trung khiếu nại 2 nội dung chính, đó là việc bồi thường, hỗ trợ đối với nhà cửa, đất đai trong phạm vi bán kính 300 m tính từ cột điện gió; một số nội dung liên quan tới việc san ủi, cải tạo đường phục vụ thi công, vận chuyển trang thiết bị và những ảnh hưởng của quá trình thi công tới nhà cửa, đời sống các hộ dân.

Cũng theo UBND xã Thuận Hà, địa phương rất lúng túng trước các khiếu nại, khiếu kiện của người dân vì các dự án này quá mới, lại được triển khai đồng loạt. Chỉ tính riêng đường giao thông, toàn xã có 27 tuyến đường cần được nâng cấp, mở rộng phục vụ thi công các cột điện gió. 

Hiện nay, còn rất nhiều nội dung khiếu nại của người dân liên quan đến giải phóng mặt bằng; các ảnh hưởng (nếu có) của các công trình tới sinh hoạt, sản xuất của người dân; việc thi công các cột điện gió trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp; các quy định pháp lý liên quan… chưa được giải quyết xong.

Theo UBND huyện Đắk Song, ba dự án điện gió Đắk N'Drung 1, Đắk N'Drung 2 và Đắk N'Drung 3 có tổng công suất 300 MW được triển khai tại 2 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh. Dự kiến, sẽ có 81 vị trí tuabin được triển khai xây dựng, tương đương công suất hơn 3,7 MW/tuabin. 

Tổng diện tích đất sử dụng của 3 dự án gần 200 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10.500 tỷ đồng. Ba dự án còn lại là Đắk Hòa, Nam Bình 1 và Asia Đắk Song 1 có tổng công suất 130 MW chưa được triển khai xây dựng.

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá mua đối với các dự án điện gió trong đất liền, như trường hợp các dự án đang triển khai tại huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Dự kiến, giai đoạn từ sau 1/11/2021, giá mua điện gió sẽ giảm so với mức giá hiện nay.

Cần tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật liên quan

Theo Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện gió (gọi tắt là Thông tư 02 - PV), công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m. 

Bên cạnh đó, thông tư này cũng quy định rõ, ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người sinh sống (Điều 12, 13, Thông tư 02).

Ông Mai Xuân Quang, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Song lý giải rằng, ngoài quy định tại Thông tư 02, hiện chưa có văn bản pháp lý nào quy định việc giải phóng mặt bằng trong phạm vi 300 m tính từ cột điện gió nên huyện rất lúng túng. 

Hiện nay, ngành chức năng của huyện đang phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá cụ thể về dân cư, nhà ở, cây trồng, vật kiến trúc…. trong khu vực bán kính 300 m của 81 vị trí cột điện gió. Sau đó huyện sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan báo cáo, đề xuất cụ thể phương án giải quyết lên UBND tỉnh Đắk Nông.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến đầu tháng 4/2021 vừa qua, đơn vị chủ đầu tư chưa lập các thủ tục thuê đất đối với diện tích đất thực hiện dự án. Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đắk Song cũng chưa ban hành văn bản nào liên quan đến việc thu hồi đất để xây dựng tuabin các dự án điện gió trên địa bàn huyện.

Liên quan tới vấn đề này, ông Đồng Văn Giáp, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đắk Song xác nhận, đến nay, đơn vị chủ đầu tư chưa tiến hành các thủ tục thuê đất và chưa được UBND tỉnh Đắk Nông (cấp có thẩm quyền) ra quyết định cho thuê đất công trình năng lượng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chủ đầu tư, đơn vị thi công tiến hành khởi công, xây dựng nhiều vị trí móng, trụ điện gió tại huyện Đắk Song khi chưa có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Đắk Nông là đúng hay sai theo quy định pháp luật, ông Đồng Văn Giáp né tránh rằng "không trả lời được câu hỏi này" và "theo quy định, các anh tự tìm hiểu".

Còn theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Đắk Nông, theo quy định thì phải chuyển đổi đất sang đất công trình năng lượng, cũng như hoàn thành tất cả các thủ tục về đất đai thì mới được khởi công công trình.

Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Phò, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song để làm rõ nội dung này và một số vấn đề liên quan nhưng ông Nguyễn Văn Phò liên tục báo bận và chỉ giao cho các ngành chức năng của huyện làm việc với phóng viên.

Còn ông Đỗ Văn Trong, đại diện Công ty TNHH một thành viên năng lượng Đắk N'Drung Đắk Nông, đơn vị chủ đầu tư, khẳng định làm đúng các quy định pháp luật và các hồ sơ, pháp lý đều đã đầy đủ. Công ty bị áp lực rất nhiều về thời gian thi công, hoàn thành dự án vì tháng 11/2021 phải phát điện. Thêm nữa mùa mưa sắp tới, việc vận chuyển trang thiết bị, máy móc sẽ rất khó khăn, nhất là các vị trí trên đồi cao.

Liên quan tới các khiếu nại, khiếu kiện của người dân, ông Đỗ Văn Trong khẳng định chủ đầu tư đã tạm ngưng thỏa thuận, đền bù, giải phóng mặt bằng và đang đợi cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Ngày 15/4 vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông đã có thông báo gửi UBND huyện Đắk Song, đơn vị chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan yêu cầu tập trung giải quyết các kiến nghị của người dân, nhất là các kiến nghị, yêu cầu bồi thường liên quan tới phạm vi bán kính 300 m tính từ móng, trụ của các cột điện gió; vấn đề về khoảng cách an toàn, chống lấn quy hoạch…

UBND tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên năng lượng Đắk N'Drung Đắk Nông có giải pháp hạn chế tiếng ồn, rung chấn, khói bụi trong quá trình thi công; sớm khắc phục, sửa chữa các đoạn đường bị hư hỏng do xe thi công dự án đi qua; tăng cường phối hợp với địa phương trong giải phóng mặt bằng và công khai quy hoạch, hồ sơ pháp lý liên quan tới dự án…

Văn bản của UBND tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu các sở ngành liên quan, UBND huyện Đắk Song làm rõ các vấn đề về đất đai, môi trường, xây dựng và các quy định liên quan tới các dự án điện gió Đắk N'Drung 1, Đắk N'Drung 2 và Đắk N'Drung 3, "không né tránh, đùn đẩy công việc, phải giải quyết tới kết quả cuối cùng".

Nhóm phóng viên TTXVN tại Đắk Nông sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Minh Hưng