|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Diễn đàn Davos 2018: Giới chuyên gia kinh tế đánh giá chỉ số GDP lỗi thời

15:16 | 25/01/2018
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia kinh tế thể hiện sự hoài nghi về tính hữu ích của chỉ số thống kê kinh tế cơ bản này và quan ngại nó có gây ra cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường.
dien dan davos 2018 gioi chuyen gia kinh te danh gia chi so gdp loi thoi Diễn đàn kinh tế ở Davos 2018: Những phát biểu đáng chú ý
dien dan davos 2018 gioi chuyen gia kinh te danh gia chi so gdp loi thoi Thủ tướng Ấn Độ cảnh báo 3 hiểm họa toàn cầu lớn nhất hiện nay
dien dan davos 2018 gioi chuyen gia kinh te danh gia chi so gdp loi thoi
Giới chuyên gia kinh tế đánh giá chỉ số GDP lỗi thời. Ảnh minh hoạ: Reuters.

Chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lâu nay vẫn tồn tại hữu ích như một thước đo về quy mô kinh tế, mà căn cứ vào đó, các chuyên gia kinh tế có thể đưa ra đánh giá về sự phát triển kinh tế của một vùng lãnh thổ nào đó, cũng như tính hiệu quả của các chính sách kinh tế nói riêng và chính sách phát triển của chính quyền các địa phương.

Chính vì lí do này, nó có sức mạnh chi phối cả một chính phủ, song cũng có thể giúp chính quyền địa phương nào đó khoe khoang sức mạnh kinh tế và trở thành nỗi ám ảnh buộc các quốc gia phải chinh phục để được thừa nhận là một quốc gia mạnh về kinh tế.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 48 đang diễn ra tại thành phố Davos, Thụy Sĩ, nhiều chuyên gia kinh tế thể hiện sự hoài nghi về tính hữu ích của chỉ số thống kê kinh tế cơ bản này và quan ngại nó có gây ra cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường bằng cách khuyến khích tăng trưởng bằng mọi giá.

Nhà kinh tế học người Anh, Diane Coyle, thuộc Đại học Manchester, cho biết tại các cuộc thảo luận tại WEF năm 2018, có nhiều ý kiến đồng nhất cho rằng các con số thống kê lâu nay phục vụ cho việc tính toán GDP không còn hiệu quả.

Do đó, họ cho rằng cần bổ sung thống kê về "Chỉ số Phát triển con người" cùng với một chỉ số mới được đề cập trong tài liệu tựa đề "Ảo tưởng phát triển" (The Growth Delusion) được nhà báo David Pilling của tờ The Financial Times vừa công bố trong tuần qua.

Trong các cuộc thảo luận tại Davos, nhà kinh tế Diane Coyle đã đưa ra những tư duy mới giúp bổ sung các dữ liệu kinh tế với các phép đo bao trùm yếu tố "vốn con người" (kỹ năng và giáo dục); cơ sở hạ tầng vật chất; "vốn vô hình" như dữ liệu vi tính và bằng sáng chế; chất lượng môi trường và "vốn xã hội" xem xét sự đoàn kết hoặc chia rẽ của một quốc gia.

Theo lý giải của các nhà kinh tế, tính toán GDP của một vùng lãnh thổ không thể cho kết quả chính xác khi không tính đến thị trường "chợ đen", vốn hoạt động rộng lớn và có nguồn thu lớn ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực châu Phi và Mỹ Latinh.

Chỉ số GDP được nhà kinh tế học Simon Kuznets phát triển năm 1934 nhằm đo lường tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia trong 1 năm.

Tuy nhiên, chỉ số này không thể đo được sự phân bổ của cải trong một quốc gia. Vì vậy, trong khi tổng giá trị của nó có thể tăng lên, cán cân lợi ích thường xuyên nghiêng về những người có thu nhập cao.

Do đó, theo ý kiến của bà Inga Beale, Giám đốc điều hành của Lloyd's of London, cần tìm ra một cơ chế tính toán khác và sử dụng nhiều thước đo khác nhau để đánh giá sự thành công của một quốc gia.

Đồng quan điểm chỉ trích GDP là một công cụ cùn gỉ để đo lường tăng trưởng kinh tế còn có các nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz và Amartya Sen, cùng Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde.

Các chuyên gia hàng đầu của thế giới này đang kêu gọi hình thành một cách tiếp cận toàn diện để hiệu chỉnh không chỉ các dữ liệu đầu vào kinh tế mà còn cả vốn con người cùng các vấn đề chất lượng cuộc sống.

Với tình trạng Trái Đất ấm lên và một số tài nguyên đã bị khai thác gần cạn kiệt, bao gồm cả nhiều nghề cá, WEF tuần này đề xuất một biện pháp đo lường tăng trưởng mang tính phổ quát hơn gọi là Chỉ số Phát triển hòa nhập, có các nhân tố như vậy.

Trong một thế giới biến động và chia rẽ hiện, WEF năm nay được kỳ vọng sẽ là diễn đàn để lãnh đạo các nước và các nhà doanh nghiệp hàng đầu nghiêm túc thảo luận, thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương rộng lớn và bao trùm hơn nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Đây cũng là nơi các bên có thể tìm thấy sự đồng thuận về các giải pháp trong nỗ lực hàn gắn một thế giới còn nhiều rạn nứt./.