Diễn đàn kinh tế ở Davos 2018: Những phát biểu đáng chú ý
Thủ tướng Ấn Độ cảnh báo 3 hiểm họa toàn cầu lớn nhất hiện nay | |
Canada đồng ý ký kết CPTPP vào tháng 3 tới | |
Hôm nay, Thủ tướng chia sẻ về cộng đồng ASEAN tại Davos |
Theo Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hướng tới trở thành “người bán hàng tốt nhất” vì các lợi ích kinh tế của Mỹ tại Hội nghị thường niên lần thứ 48 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ).
Tổng thống Trump dự kiến sẽ có bài phát biểu ở Davos vào ngày 26/1. (Nguồn: CNET) |
Nhà cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống Mỹ, ông Gary Cohn cho hay, nước Mỹ mong muốn thế giới đầu tư vào Mỹ và tạo ra việc làm cho những lao động chăm chỉ của nước này. Ông Gary Cohn khẳng định, chương trình nghị sự về kinh tế của Tổng thống Donald Trump, tập trung vào cắt giảm thuế doanh nghiệp và dỡ bỏ các quy định không phù hợp, đã “cởi trói” cho nền kinh tế Mỹ.
Theo kế hoạch, Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ có bài phát biểu tại hội nghị thường niên của WEF ở Davos vào ngày 26/1/2018.
Trước đó, phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 48 WEF, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hoan nghênh việc 11 quốc gia đạt được sự nhất trí về nội dung sửa đổi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẽ sớm ký kết thoả thuận này.
Ông Trudeau nhấn mạnh các nước tham gia TPP "sẽ đẩy lùi xu hướng chống thương mại trong tiến trình toàn cầu hóa," đồng thời khẳng định rằng bảo hộ mậu dịch sẽ chỉ "đẩy thế giới vào tình trạng tồi tệ."
Ông Trudeau cũng kêu gọi các cuộc đàm phán cần quan tâm đến sự thịnh vượng của những người dân bình thường, và khẳng định "đây chính là điều mà 11 quốc gia đã làm được" khi nhất trí về CPTPP. Ngoài ra, ông Trudeau cũng kêu gọi hành động mạnh mẽ nhằm củng cố quyền của phụ nữ.
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thừa nhận rằng toàn cầu hòa đang "mất đi ánh hào quang", song nhấn mạnh việc dựng lên các "rào cản thương mại" mới không phải là giải pháp.
Theo ông Modi, giải pháp cho việc này là hiểu và chấp nhận sự thay đổi, đồng thời đưa ra các chính sách mềm dẻo, thông minh, phù hợp.
Ông khẳng định tác động tiêu cực của những suy nghĩ đi ngược lại với toàn cầu hóa cũng nguy hiểm không kém như vấn đề biến đổi khí hậu hay chủ nghĩa khủng bố. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Ấn Độ xuất hiện tại Diễn đàn Davos kể từ năm 1997.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox cho biết Anh sẽ ủng hộ các lợi ích của tự do thương mại trong việc giảm nghèo đói, trong bối cảnh Vương quốc Anh đang đàm phán về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Dự kiến, bên lề Diễn đàn Davos ngày 25/1, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã công khai phản đối các thỏa thuận thương mại hiện hành và sửa đổi các thỏa thuận thương mại quốc tế để bảo vệ "lợi ích và việc làm" tại Mỹ theo đúng chủ trương "Nước Mỹ trên hết" mà ông đặt ra từ khi tranh cử Tổng thống./.