|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu: Xu hướng rút vốn tại thị trường Việt Nam sẽ được cải thiện trong 2 tháng cuối năm

14:01 | 08/11/2021
Chia sẻ
Theo SSI Research, xu hướng rút vốn của các quỹ ETF có thể sẽ được cải thiện trong 2 tháng cuối năm khi tỷ lệ tiêm chủng tại Việt Nam đã đạt mức tương đối cao (gần 60% dân số đã tiêm mũi 1 và 30% tiêm mũi 2) và sự khôi phục trở lại của hoạt động sản xuất.

Trong báo cáo diễn biến dòng vốn đầu tư trên toàn cầu mới đây, SSI Research nhận định tâm lý thị trường toàn cầu đã quay lại tương đối tích cực trong tháng 10 khi ghi nhận mức mua ròng 75,1 tỷ USD, tăng tới 54,1% so với tháng 9. Một số lượng lớn dòng vốn quay trở lại thị trường phát triển khi mua ròng trong tháng 10 lên tới 69 tỷ USD, tăng 77% so với tháng trước. Ngược lại, dòng vốn tới các thị trường mới nổi chỉ đạt 5,4 tỷ USD, giảm 42,1%.

Dòng tiền thông minh hướng tới các thị trường có kết quả kinh doanh khả quan, thế mạnh nguyên vật liệu, hàng hóa

Diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu: Xu hướng rút vốn tại thị trường Việt Nam sẽ được cải thiện trong 2 tháng cuối năm - Ảnh 1.

Nguồn: SSI Research.

Nhìn chung, tâm lý thị trường tài chính toàn cầu trong tháng 10 đang tương đối tích cực khi dòng vốn vào cổ phiếu vượt trội hơn dòng vốn vào thị trường trái phiếu. Tỷ lệ vốn cổ phiếu/trái phiếu trong tháng 10 là 4,1 lần, trong khi tháng 9 chỉ là 1,1 lần.

Theo SSI Research, câu chuyện thúc đẩy dòng vốn cổ phiếu trong tháng 10 tập trung vào các thị trường có kết quả kinh doanh quý III khả quan, ở các quốc gia có sự hồi phục nhanh chóng sau COVID-19 và chủ yếu đến từ các quỹ ETF.

Thị trường Mỹ vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền với lượng mua ròng từ các quỹ ETF là 51,9 tỷ USD, tăng gấp đôi so với tháng trước nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt hơn kỳ vọng của nhóm ngân hàng, công nghệ và y tế. Bên cạnh đó, các chỉ số vĩ mô được công bố trong tháng 10 như tăng trưởng GDP, CPI, doanh thu bán lẻ,... cũng khẳng định nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn phục hồi.

Các thị trường như Hàn Quốc và Đài Loan cũng ghi nhận mức vào ròng tương đối mạnh (lần lượt là 2,4 tỷ USD và 1,4 tỷ USD) khi nhóm các công ty công nghệ và sản xuất đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý III.

Dòng tiền cổ phiếu tiếp tục mua ròng tại các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu hàng nguyên vật liệu thô. Điển hình như Ấn Độ và Indonesia đều ghi nhận bơm ròng từ các quỹ ETF (lần lượt là 27 và 66,6 triệu USD) trong khi đó các quỹ chủ động tiếp tục bơm ròng tháng thứ 2 liên tiếp vào Indonesia (10,9 triệu USD). Khảo sát tháng 10 của Bank of America Merill Lynch cũng cho thấy phân bổ tỷ trọng vào hàng hóa đã tăng lên 28% - mức cao nhất từ tháng 7.

Thờ ơ với thị trường Trung Quốc

Ở chiều ngược lại, dòng vốn cổ phiếu vào Trung Quốc chậm lại rõ rệt so với tháng trước. Trong tháng 10, tổng dòng vốn ròng vào thị trường cổ phiếu Trung Quốc chỉ đạt gần 1 tỷ USD, thấp hơn 10 lần so với tháng trước khi các số liệu vĩ mô cho thấy đà phục hồi của Trung Quốc đã chậm lại rõ rệt. Bên cạnh đó, các biện pháp cứng rắn của chính quyền Trung Quốc đối với thị trường hàng hóa cũng khiến cho tâm lý của nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn.

Khảo sát của Bank of America Merill Lynch cũng cho thấy các nhà quản lý quỹ đầu tư đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn khi tỷ trọng nắm giữ trái phiếu xuống mức thấp kỷ lục và chuyển hướng sang mua cổ phiếu ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên, mức độ thận trọng vẫn duy trì, trong bối cảnh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đã kém lạc quan hơn so với trước kia và tỷ lệ nắm giữ tiền mặt cũng đang ở mức 27% - cao nhất kể từ tháng 7/2020.

Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục leo thang là rủi ro cao nhất từ phía các nhà quản lý quỹ và Trung Quốc cũng là lo ngại lớn thứ hai.

Diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu: Xu hướng rút vốn tại thị trường Việt Nam sẽ được cải thiện trong 2 tháng cuối năm - Ảnh 2.

Nguồn: SSI Research.

ETF ngoại quay lại mua ròng nhẹ, xu hướng rút vốn có thể được cải thiện trong 2 tháng cuối năm

Tại thị trường Việt Nam, dòng vốn ETF đã cho dấu hiệu tích cực trong tháng 10 sau 2 tháng bị rút ròng mạnh. Nhóm ETF nội đã được tăng vốn trở lại với giá trị khá tốt như quỹ VFM VN30 ETF (tăng 565 tỷ đồng), SSIAM VNFIN Lead (194 tỷ đồng), quỹ VFM VNDiamond tăng nhẹ 20 tỷ đồng nhờ dòng vốn đảo chiều tích cực trong 2 tuần cuối tháng.

Ngược lại, các quỹ ETF ngoại vẫn duy trì trạng thái rút ròng, dẫn đầu là quỹ Fubon ETF với giá trị 626 tỷ đồng, bên cạnh FTSE Vietnam ETF (75 tỷ đồng) và VanEck ETF (45 tỷ đồng).

Nhìn chung tổng dòng vốn ETF đã lấy lại cân bằng trong tháng 10 với giá trị dương nhẹ khoảng 40 tỷ đồng, với giao dịch mua ròng tập trung vào tuần cuối tháng 10, một phần đến từ quỹ đầu tư Thái Lan (B-VIETNAM) với quy mô hơn 1.000 tỷ đồng đang giải ngân vào TTCK.

Các quỹ chủ động tiếp tục rút ròng trong tháng 10 với tổng giá trị là 672 tỷ đồng. Như vậy, trong 10 tháng đầu năm, chỉ duy nhất tháng 5 ghi nhận mức vào ròng, còn các tháng còn lại các quỹ chủ động đều rút vốn với giá trị trung bình là 828 tỷ đồng. Tính chung 10 tháng, các quỹ chủ động đã rút ra khoảng 6,9 nghìn tỷ đồng, lớn thứ 3 trong khu vực chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.

Diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu: Xu hướng rút vốn tại thị trường Việt Nam sẽ được cải thiện trong 2 tháng cuối năm - Ảnh 3.

Nguồn: SSI Research.

Theo SSI Research, xu hướng rút vốn của các quỹ ETF có thể sẽ được cải thiện trong 2 tháng cuối năm khi tỷ lệ tiêm chủng tại Việt Nam đã đạt mức tương đối cao (gần 60% dân số đã tiêm mũi 1 và 30% tiêm mũi 2) và sự khôi phục trở lại của hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, thống kê lịch sử cũng cho thấy dòng vốn đầu tư thường sẽ được giải ngân trở lại trong giai đoạn cuối năm. Cụ thể, trong 4 năm trở lại đây, ngoại trừ năm 2018 (xu hướng rút ròng ở thị trường mới nổi khi FED tăng lãi suất), các quỹ ETF và quỹ chủ động đều mua ròng trong 2 tháng cuối năm.

Trong khi đó, nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì trong dài hạn và kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng trong 2023 – 2025 sẽ là động lực giúp dòng vốn từ các quỹ chủ động quay trở lại trong năm 2022.

Thảo Bùi