|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điểm yếu chí tử của dầu Nga: Bảo hiểm hàng hải

16:11 | 26/05/2022
Chia sẻ
Việc ngành bảo hiểm phương Tây ngừng cung cấp dịch vụ do các lệnh trừng phạt sẽ đe dọa hoạt động vận chuyển dầu của Nga nếu như Moscow và các đồng minh không thể lấp chỗ trống.

Theo Reuters, các nhà bảo hiểm từ châu Âu và Mỹ, vốn thống trị ngành hàng hải thế giới, đang hạn chế phạm vi bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga nhằm tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Ngay cả những tàu không mang cờ Nga cũng có nguy cơ không được chấp nhận bởi các nhà bảo hiểm này nếu chờ dầu thô của Moscow.

Một tàu chở dầu của Nga ngoài khơi Vladivostok. (Ảnh: Reuters).

“Đang có nhiều áp lực ngăn các công ty quốc tế bảo hiểm cho những doanh nghiệp vận tải vận chuyển dầu của Nga”, bà Maria Bertzeletou, một nhà phân tích tại Signal Maritime Services. “Bất ổn hoặc gián đoạn ngắn hạn không thể bị loại trừ”.

Các tàu được yêu cầu về mặt thương mại phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự (P&I). Bảo hiểm P&I bảo vệ cho chủ tàu và bên khai thác tàu trước các trách nhiệm dân sự có thể phát sinh đối với bên thứ ba trong quá trình kinh doanh, khai thác tàu biển.

Những công ty bảo hiểm tại quốc gia mua nhiều dầu của Moscow hoặc chính tại Nga có thể thay thế cho những đối thủ phương Tây. Tuy nhiên khả năng để những doanh nghiệp này có được bảo hiểm rủi ro chính sách từ những đơn vị tái bảo hiểm khác sẽ khó khăn hơn nhiều.

Thị trường tái bảo hiểm cũng được các doanh nghiệp từ Mỹ và châu Âu kiểm soát. Những công ty này giờ đây cần phải quan tâm tới một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm tới các ngân hàng và vận tải biển của Nga.

“Sẽ rất khó có một nhà tái bảo hiểm nào không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt”, theo ông Mike Salthouse, trưởng phòng khiếu nại tại North, một thành viên của International Group, tổ chức cung cấp 90% bảo hiểm P&I cho tàu biển trên thế giới.

Bảo hiểm từ chính phủ

Trong trường hợp không được tái bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cần sự hỗ trợ của chính phủ bảo đảm để bảo đảm rủi ro.

“Nga nhiều khả năng có những nhà bảo hiểm có khả năng chấp nhận tái bảo hiểm và trách nhiệm cho bên thứ ba, được hỗ trợ bởi một quỹ từ Trung Quốc, Nga hoặc cả hai”, ông Salthouse cho biết. “Về lý thuyết thì khả thi nhưng trên thực tế thì còn tùy thuộc vào ý chí chính trị và thị trường mà Nga tập trung xuất khẩu”.

Khách hàng từ Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh thủ mua những lô dầu bị phương Tây xa lánh với giá rẻ. Vào tháng 4, xuất khẩu dầu của Nga đã quay trở lại mức trung bình trước xung đột, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Ấn Độ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống từ châu Âu.

Thiếu vắng các nhà bảo hiểm từ phương Tây, Nga đang tìm đến các doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả công ty lớn thứ 4 trong lĩnh vực này: Ingosstrakh.

Reuters không thể xác nhận việc Nga hay bất cứ quốc gia nào đã hoặc đang lên kế hoạch đảm bảo tài chính cho doanh nghiệp tư nhân như Ingosstrakh. Bộ Kinh tế, Bộ Giao thông và Ingosstrakh đều không trả lời yêu cầu bình luận.

Đồng minh lâu năm của Nga là Ấn Độ đang nắm lấy cơ hội mua dầu thô từ Nga. Theo IEA, tỷ lệ xuất khẩu dầu của Moscow tới Ấn Độ đã tăng từ 0% trong tháng 1 lên 10% trong tháng 4 năm nay.

Theo một quan chức cấp cao, New Delhi không cho rằng bảo hiểm là rào cản đối với hoạt động mua bán trong tương lai bởi Ingosstrakh chịu trách nhiệm cho bất cứ rủi ro nào xảy ra trên biển. “Ấn Độ công nhận các hợp đồng bảo hiểm, bao gồm cả P&I của Ingosstrakh. Vì vậy sẽ không có vấn đề gì miễn là các tàu tuân thủ đúng quy định của cảng đến”.

“Vì New Delhi không công nhận các biện pháp trừng phạt của Mỹ nên chúng tôi sẽ chấp nhận tàu mang cờ Nga. Rủi ro của phía Ấn Độ chỉ bắt đầu sau khi hàng đã được dỡ tại cảng đến”, quan chức Ấn Độ này cho biết.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới cũng tăng cường thu mua dầu của Nga với mức giá hấp dẫn.

Tuy nhiên, những nhà bảo hiểm của Trung Quốc muốn thế chỗ cho các đối thủ từ phương Tây nhiều khả năng sẽ cần sự bảo đảm từ chính phủ. “Việc phát hành bảo hiểm thay cho các công ty châu Âu không phải là một quyết định khả thi về mặt thương mại với phía Trung Quốc”, ông Leonard Li, đối tác của công ty tư vấn Oliver Wyman cho hay.

“Doanh nghiệp Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này”, ông nói thêm. Các quan chức chính phủ Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

Doanh nghiệp lo sợ

Đã từng có tiền lệ về việc chính phủ đảm bảo cho các rủi ro hàng hải khi vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt.

Vào năm 2012, Nhật Bản đã đứng ra đảm bảo cho việc vận chuyển dầu của Iran sau khi các doanh nghiệp phương Tây ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm.

Một quan chức Nhật Bản giấu tên cho biết điều luật được ban hành đặc biệt vào năm 2012 chỉ dành cho sản phẩm của Iran và trong trường hợp của Nga, sẽ cần những quy định mới.

Theo nguồn tin của Reuters, các nhà bảo hiểm Nhật Bản vẫn bảo đảm cho các tàu chở dầu Nga miễn là chúng không nằm trong danh sách trừng phạt. Tuy nhiên nguồn tin này cho biết thêm là nếu doanh nghiệp phương Tây ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho phía Nga, nhiều khả năng Nhật Bản cũng sẽ làm theo.

Một loạt các biện pháp trừng phạt phức tạp của Mỹ, EU và Anh đã cấm các tàu do Nga sở hữu hoặc gắn cờ ghé cảng hoặc tham gia vào các hợp đồng thương mại, huy động vốn hoặc mua bảo hiểm mới từ các công ty hoạt động tại phương Tây.

Không có lệnh cấm bảo hiểm cho các tàu thuộc sở hữu nước ngoài chở dầu của Nga. Nhưng việc này đang được coi là một phần trong gói trừng phạt mới của Liên minh châu Âu, bao gồm lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga.

Trong lúc đó, ngành bảo hiểm đã tự lường trước những nguy cơ vướng phải trừng phạt trong tương lai. Ngành hàng hải của Nga đang dần bị hạn chế nhiều dịch vụ, ví dụ như cung cấp chứng chỉ tàu biển, cần thiết cho việc ra vào cảng và bảo hiểm. Nhiều công ty vận chuyển cũng rời khỏi thị trường Nga, trong khi các doanh nghiệp sản xuất động cơ đã ngừng hoạt động đào tạo.

Ông Ross Denton, người đứng đầu bộ phận thương mại quốc tế tại công ty luật Ashurst cho biết: “Các doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng gây khó khăn hơn so với lệnh trừng phạt của chính phủ bởi vì họ đang sợ hãi các nhà đầu tư và cổ đông chủ động”.

Minh Quang