|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Điểm tên các tổ chức nắm giữ cổ phiếu Vinhomes nhiều nhất

08:31 | 14/08/2024
Chia sẻ
Số lượng cổ đông Vinhomes đã vượt con số 45.000 cá nhân/tổ chức tại cuối năm 2023. Ngoài Vingroup, nhiều quỹ đầu tư lớn đang nắm giữ cổ phiếu bất động sản này trong danh mục.

CTCP Vinhomes (VHM) dự kiến mua lại tối đa 370 triệu cp, ước tính số tiền cần chi khoảng nửa tỷ USD. Khi hoàn tất sẽ làm giảm số lượng lưu hành, đồng thời giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu VHM tăng lên. Trong ngắn hạn, điều này được cho là có lợi cho cổ đông hiện hữu. Vậy đâu là những tổ chức đang nắm giữ cổ phiếu VHM nhiều nhất?

Cách đây khoảng 6 năm, Vinhomes niêm yết gần 2,7 tỷ cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vào 17/5/2018. Theo bản cáo bạch, tại 20/4/2018, công ty có 323 cổ đông (trong nước sở hữu 92,9% vốn, nước ngoài 7,08% vốn, còn lại cán bộ nhân viên chiếm tỷ lệ không đáng kể). Danh sách cổ đông lớn bao gồm Vingroup (VIC) sở hữu 69,66% vốn; Goverment of Singapore nắm 5,74% vốn.

Sau gần 6 năm, đến cuối 2023, số lượng cổ đông đã tăng lên thành 45.197 tại cuối 2023 (gấp 140 lần). Trong đó, cổ đông lớn duy nhất là Vingroup sở hữu hơn 3 tỷ cp, tương ứng với 69,3% vốn. Gần 43.400 cổ đông trong nước sở hữu khoảng 356 triệu cp (8,2% vốn), gần 1.800 cổ đông nước ngoài sở hữu hơn 979 triệu cp (22,5% vốn) (số liệu theo báo cáo thường niên 2023).

Tỷ lệ sở hữu của Vingroup vẫn giữ nguyên đến thời điểm 30/6, căn cứ báo cáo quản trị bán niên 2024. Goverment of Singapore vào tháng 8/2023 đã giảm sở hữu về 217 triệu cp, tương ứng với 4,99% vốn.

Viking Asia Holdings II Pte Ltd đã bán gần 32 triệu cp từ ngày 19/8 đến 14/9/2021. Lượng sở hữu giảm từ gần 186 triệu cp (5,5% vốn) xuống 154 triệu cp (4,6% vốn).

Như vậy theo các thông tin đã công bố, Vingroup, Goverment of SingaporeViking Asia Holdings II là ba tổ chức sở hữu lớn nhất.

Diễn biến VHM từ khi niêm yết đến 13/8. (BIểu đồ: TradingView).

Ngoài ra, nhiều quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam cũng sở hữu bluechip này trong danh mục. Với vốn hóa lớn, vị thế đầu ngành cùng kết quả kinh doanh tăng trưởng, không khó để Vinhomes lọt vào tầm ngắm các "cá mập" như Fubon ETF, iShare FM, FTSE ETF, VNM ETF, Dragon Capital, VinaCapital, Pyn Elite Fund... Các năm qua, mã này thường xuyên thuộc top 10 tỷ trọng giá trị tài sản ròng (NAV).

VHM thuộc rổ chỉ số VN30-Index, FTSE Vietnam Index, FTSE Vietnam 30 Index hay MarketVector Vietnam Local Index, nên các ETF tham chiếu sẽ sở hữu cổ phiếu này trong danh mục.

Một số quỹ quy mô lớn kể đến ETF DCVFMVN30, KIM Growth VN30 (tham chiếu VN30-Index), FTSE Vietnam ETF (tham chiếu FTSE Vietnam Index), Fubon ETF (tham chiếu FTSE Vietnam 30 Index), VNM ETF (tham chiếu MarketVector Vietnam Local Index).

ETF DCVFMVN30 (E1VFVN30) nắm giữ 7 triệu cp, tương ứng với 3,7% NAV, tại cuối tháng 6. Khối lượng này giảm so với 8,4 triệu cp hồi đầu năm. VHM đồng thời không còn nằm trong top 10 khoản đầu tư.

Đối với KIM Growth VN30, ETF này thực hiện mua thêm 780.000 cp VHM từ đầu năm 2024 đến 2/8, đưa số lượng nắm giữ lên 1,4 triệu cp, chiếm tỷ trọng 3,6% NAV.

Fubon là ETF quy mô lớn nhất tại thị trường Việt Nam, với NAV cuối tháng 7 đạt 22,2 tỷ TWD (khoảng 17.200 tỷ đồng). Quỹ Đài Loan (Trung Quốc) đang nắm giữ 38,2 triệu cp VHM, chiếm tỷ trọng 8,2% NAV. Khối lượng bán ròng từ đầu năm hơn 4 triệu cp. VHM từ vị trí thứ hai hồi đầu năm lùi xuống vị thứ 5 danh mục, sau HPG, VIC, VNM, VCB.

Giống Fubon ETF, FTSE Vietnam ETF và VNM ETF cũng đang ghi nhận VHM trong top 5 khoản đầu tư.

Tại cuối tháng 7, FTSE Vietnam ETF có tổng giá trị tài sản trên 280 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ đồng), trong đó VHM chiếm 8,16% (cao thứ ba sau HPG và VIC). Ước tính khối lượng VHM nắm giữ đạt khoảng 15,6 triệu cp.

Tại 9/8, VNM ETF nắm giữ hơn 27 triệu cp VHM, với tỷ trọng cao thứ hai danh mục, sau VIC. Cả VHM và VIC đều có xu hướng giảm giá từ đầu năm. Hệ quả là hiệu suất danh mục âm 6,4%, trong khi VN-Index tăng gần 11% sau 7 tháng.

Top 10 danh mục và hiệu suất đầu tư đến cuối tháng 7 của VNM ETF. (Nguồn: VNM ETF).

VHM từng nằm top đầu sở hữu tại nhiều quỹ chủ động điển hình như VOF thuộc VinaCapital, Pyn Elite Fund hay nhóm Dragon Capital. Tại báo cáo tháng 5, VOF ghi nhận VHM chiếm 2,9% NAV, ước tính khoảng 21,6 triệu cp. Tuy nhiên đến báo cáo tháng 6, mã bất động sản không còn nằm trong top 10 khoản đầu tư lớn

Với Pyn Elite Fund, VHM từng chiếm 13,2% NAV quỹ Phần Lan tại cuối tháng 8/2023, ước tính khoảng 27 triệu cp, song đã không còn nằm trong top 10 từ cuối năm 2023 đến nay.

Quỹ tỷ đô Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) ghi nhận VHM chiếm 3,7% NAV tại cuối 2023. Lúc này, ước tính khối lượng nắm giữ khoảng 37 triệu cp. Tuy nhiên, mã bluechip không còn nằm trong top 10 tại cuối tháng 6 năm nay.

Cũng thuộc Dragon Capital, DCDS và DCDE (tên mới của DCBC) dần hạ tỷ trọng VHM vào quý IV/2023. Hai quỹ không còn ghi nhận tại khoản đầu tư lớn từ đầu năm đến nay. Tại cuối tháng 6, danh mục DCDS và DCDE tập trung vào ba nhóm ngân hàng, bán lẻ, và công nghệ.

iShares Frontier and Select EM ETF sở hữu gần 10 triệu cp VHM vào đầu tháng 6. Vào tháng 6, ETF này đã nhận quyết định sẽ đóng quỹ sau 12 năm hoạt động, đồng thời sau đó dần bán ra cổ phiếu nắm giữ. Đến 9/8, Việt Nam chỉ còn 4 mã VND, DBD, VCG, HDG trong danh mục (đã bán hết VHM và hàng chục mã khác).

Ngoài ra, Lumen Vietnam Fund và JP Morgan Vietnam Opportunities Fund cũng từng ghi nhận 6-7 triệu cp "họ Vin" trong danh mục.

Khối lượng cổ phiếu VHM của một số tổ chức. (Nguồn: X.N tổng hợp).

Xuân Nghĩa

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.