'Điểm nghẽn' của ngành dệt may Việt Nam: Nút thắt cổ chai về nguyên vật liệu
Xưởng sản xuất sợi tại Nhà máy sợi Vinatex Nam Định (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam). Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Ngành dệt may Việt Nam đang phát triển với tốc độ khá nhanh, nhưng chưa đủ nội lực để lớn mạnh. Điều này thể hiện rõ qua sự phát triển “lệch pha” giữa quy trình dệt – nhuộm và cắt – may, cũng như những hạn chế về nguồn nhân lực.
Dệt chưa theo kịp may
Dệt may là ngành sản xuất xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 28 tỷ USD. Để đạt được kim ngạch xuất khẩu đó, ngành dệt may đã tiêu thụ hết 8,9 tỷ m2 vải. Tuy nhiên, các nhà máy trong nước chỉ sản xuất được 2,8 tỷ m2 vải, còn lại phải nhập khẩu hơn 6 tỷ m2 vải và phụ liệu, với tổng giá trị gần 17 tỷ USD.
Điều này cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện gia công sản phẩm, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất ra sản phẩm hoàn thiện.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do sự phát triển không đồng bộ giữa hai ngành dệt và may, trong đó ngành dệt chưa theo kịp nhu cầu về nguyên phụ liệu phục vụ cắt may, tạo ra tình trạng “nút thắt cổ chai”.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, những năm qua, nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh và các chính sách ưu đãi, Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp dệt may. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) chỉ tập trung thực hiện các đơn hàng cắt – may – hoàn thiện, chưa chú trọng đến việc sản xuất vải và phụ liệu.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Giang, Giám đốc Công ty Sao Việt cho rằng, ngành dệt may Việt Nam phát triển nhanh, nhưng không đồng đều, các công đoạn gia công từ vải phát triển mạnh nhưng ngành dệt, nhuộm hoàn tất chưa theo kịp, tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm dệt may chỉ đạt 50%. Bên cạnh đó, số lượng vải mà Việt Nam sản xuất được chỉ có thể dùng làm vải lót trong các sản phẩm, chưa đạt những tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã để làm vải nguyên liệu xuất khẩu.
Nguyên nhân là do phần lớn doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ với vốn đầu tư thấp, hạn chế về trang thiết bị và công nghệ nên khó có khả năng đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu.
Các chuyên gia dự báo, để có thể theo kịp đà tăng trưởng chung của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đến năm 2025 ngành dệt may Việt Nam cần tới 12 tỷ m² vải. Nếu không nhanh chóng đầu tư vào khâu sản xuất vải, thì “nút thắt cổ chai” về nguyên phụ liệu sẽ ngày càng bị nghẽn chặt hơn.
Thiếu nhân lực chất lượng cao
May hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Không chỉ đóng vai trò là ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, dệt may cũng là một trong những ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất, với khoảng 2,5 triệu lao động. Tuy nhiên, phần lớn số lao động hiện nay là lao động phổ thông, thực hiện các công đoạn gia công sản phẩm còn các khâu yêu cầu có trình độ kỹ thuật như nhuộm, hoàn thiện vải hay thiết kế sản phẩm đang thiếu và yếu.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty may Phong Phú cho biết, Phong Phú là một trong số ít các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đầu tư tạo ra sản phẩm dệt may hoàn thiện, bao gồm cả sản xuất vải, thiết kế mẫu và cắt may. Tuy nhiên, hiện nay các quy trình nhuộm, hoàn thiện vải và thiết kế mẫu sản phẩm công ty vẫn phải thuê chuyên gia, kỹ thuật viên người nước ngoài với chi phí rất cao. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Wang Libing, Giám đốc tập đoàn Sunrise Spingning phân tích thêm, phát triển ngành dệt may cần sự phối hợp giữa việc “quốc tế hóa” các thiết bị, công nghệ và “địa phương hóa” nguồn nhân lực. Cụ thể là các doanh nghiệp có thể vận chuyển thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất để xây dựng các nhà máy hiện đại ở nhiều quốc gia nhưng việc vận hành và hiệu quả sản xuất của các nhà máy phụ thuộc nhiều vào nhân lực của địa phương.
Theo ông Wang Libing, các doanh nghiệp dệt may nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều hướng tới việc tận dụng lợi thế về chi phí và chất lượng lao động của Việt Nam. Ở nhóm doanh nghiệp cắt may gia công, lao động Việt Nam có lợi thế về khả năng học việc nhanh, đảm bảo năng suất làm việc phù hợp với chi phí tiền lương.
Tuy nhiên, ở nhóm doanh nghiệp dệt nhuộm, sản xuất vải, các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng chuyên gia và kỹ thuật viên là người nước ngoài. Thiếu nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những trở ngại khiến ngành sản xuất nguyên phụ liệu của Việt Nam khó thu hút đầu tư và phát triển kịp nhu cầu cắt may.
Các chuyên gia cho biết, việc cắt – may chỉ cần lao động phổ thông học việc ngắn hạn là có thể làm được nhưng để tạo ra các sản phẩm vải có chất lượng cao, màu sắc chuẩn, hoa văn đa dạng, bắt kịp xu hướng thời trang của thế giới cần phải có đội ngũ kỹ thuật viên, chuyên gia am hiểu về dệt, nhuộm cũng như khả năng tư duy sáng tạo cao.
Trong khi đó, số trường đại học, cao đẳng có đào tạo chính quy và chuyên sâu về dệt may, đặc biệt là các chuyên ngành về dệt và nhuộm tại Việt Nam lại rất ít. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng chưa có định hướng rõ ràng trong việc thu hút nhân lực có chất lượng cao, chủ yếu vẫn tận dụng nguồn lực lao động phổ thông để thực hiện đơn hàng gia công.
Kêu trời vì vải siêu rẻ chỉ 6.000 đồng/mét Vải nhập lậu được bán tại TP.HCM với giá chỉ 6.000-7.000 đồng/mét. |
Xuất khẩu dệt may có sự tăng trưởng nhưng chưa bền vững Khả năng các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may với Việt Nam sẽ phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu ... |
Dệt may nhắm kim ngạch xuất khẩu 31,3 tỉ đô la Mỹ Dự báo ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 31,3 tỉ đô la Mỹ cho cả năm 2017 với mức ... |