Điểm danh cổ phiếu tăng bằng lần trên hai sàn năm 2019
Năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự hồi phục sau khi trải qua năm 2018 giảm sâu. Thị trường không còn hiện tượng tăng giá đồng loạt như những năm 2016 và 2017, thay vào đó là việc phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành, thậm chí phân hóa giữa các cổ phiếu trong cùng một ngành.
Trong bối cảnh TTCK có năm khó khăn, thị trường vẫn xuất hiện những cổ phiếu tăng giá bằng lần kể từ đầu năm 2019.
10 cổ phiếu "ăn bằng lần" trên sàn HOSE
Thống kê trên HOSE tính đến ngày 25/12, sàn này có 185 mã tăng giá kể từ đầu năm trong khi có đến 192 mã giảm giá. Hiệu suất bình quân của các cổ phiếu đạt 6,06%, trong đó mã tăng giá mạnh nhất 323,83% và giảm mạnh nhất 86%.
Chi tiết hơn, sàn HOSE ghi nhận 10 cổ phiếu tăng giá bằng lần kể từ đầu năm. Trong đó, cổ phiếu FIT của Tập đoàn F.I.T dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá với 323,83%. Theo đó, giá cổ phiếu này tăng từ 2.560 đồng/cp lên 10.850 đồng/cp. Việc tăng giá của cổ phiếu FIT bắt đầu từ cuối tháng 11.
Theo sau đó, cổ phiếu DCL (Dược phẩm Cửu Long) - công ty con của Tập đoàn F.I.T cũng tăng 242,25% kể từ đầu năm, lên mức 32.000 đồng/cp. Cổ phiếu công ty con khác của tập đoàn này là mã TSC của Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ cũng nằm trong Top10 mã tăng giá mạnh nhất sàn HOSE với 144,96%.
Bên cạnh hai cổ phiếu penny là FIT và TSC, mã CCL của Đầu tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long ghi nhận mức tăng 168,57% kể từ đầu năm nay. Đóng cửa phiên 25/12, giá cổ phiếu CCL là 7.210 đồng/cp. Trong nhóm thị giá nhỏ, cổ phiếu IJC tăng 125,34% kể từ đầu năm, lên mức 15.700 đồng/cp.
Ngoài cổ phiếu "trà đá, cọng hành", nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (Midcap) ghi nhận một số trường hợp tăng giá bằng lần kể từ đầu năm 2019 như TNA, HOT, NHH, D2D, NHH và GTN. Cổ phiếu HOT của Du lịch - Dịch vụ Hội An có thanh khoản thấp, không được NĐT chú ý trên thị trường.
Những cổ phiếu còn lại như NHH, GTN và D2D đều là những mã có "câu chuyện" riêng trong năm 2019. Với "sóng" cổ phiếu khu công nghiệp từ việc đánh giá hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mã D2D của Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 tăng giá 133,59% kể từ đầu năm, đóng cửa phiên 25/12 ở 79.300 đồng/cp.
Với NHH của Nhựa Hà Nội, thông tin chuyển giao dịch từ thị trường UPCoM sang sàn HOSE tác động đến giá cổ phiếu này. Theo đó, thị giá mã NHH tăng 154,35% lên 42.600 đồng/cp.
Trường hợp của GTN, cổ phiếu của GTNFoods tăng 112,16% kể từ đầu năm nhờ "câu chuyện" thâu tóm Sữa Mộc Châu của công ty sữa lớn nhất Việt Nam - Vinamilk.
Thương vụ này bắt đầu từ tháng 3/2019 khi Vinamilk bất ngờ chào mua công khai hơn 116,7 triệu cp GTN tương đương 46,68% vốn của GTNFoods, với số tiền ước tính phải chi lên đến 1.517 tỉ đồng. Động thái mới nhất vào giữa tháng 12, ban lãnh đạo của GTNFoods quyết định đồng ý cho Vinamilk tăng tỉ lệ sở hữu lên 75%.
Cổ phiếu MBG tăng giá gần 7 lần sàn HNX
Tính đến ngày 25/12, sàn HNX ghi nhận 177 cổ phiếu tăng giá, 4 cổ phiếu đứng giá tham chiếu và 177 mã giảm giá kể từ đầu năm nay. Hiệu suất bình quân của các cổ phiếu trên sàn này đạt 9,41%. Toàn sàn ghi nhận 23 cổ phiếu tăng giá trên 100% kể từ đầu năm 2019.
Đáng chú ý, cổ phiếu MBG của Tập đoàn MBG dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá với 675%. Có thời điểm, giá cổ phiếu MBG đạt mức cao nhất 63.800 đồng/cp, tương đương mức tăng hơn 15 lần kể từ đầu năm.
Theo sau MBG, 4 cổ phiếu ghi nhận tỉ lệ tăng trên 200% kể từ đầu năm nay là VCM, LM7, TIG, LBE. Ngoài TIG, ba cổ phiếu còn lại có thanh khoản rất thấp, gần như không có giao dịch.
Ngoài ra, sàn HNX ghi nhận 18 cổ phiếu tăng giá trên 100% như C69, VCR, HLY, PPP, TBX, L14, CSC, VTS, NBW, L35, TMB, HTP, GDW, SCI, BTW, HLD, BED và VMS.
Tương tự cổ phiếu MBG, có thời điểm cổ phiếu C69 của Xây dựng 1369 tăng giá gần 8 lần, vượt mức giá 30.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi thiết lập vùng đỉnh, cả hai cổ phiếu MBG và C69 đều liên tục giảm sàn và mất thanh khoản.
Cổ phiếu VCR của Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex cũng có chuỗi tăng trần liên tiếp vào cuối tháng 12 từ vùng giá 4.000 - 5.000 đồng/cp. Sau đó khi đạt mức giá cao nhất trong lịch sử 31.600 đồng/cp ngày 1/7, cổ phiếu VCR liên tục giảm sâu.
Cùng với VCR, nhóm bất động sản còn ghi nhận một số cổ phiếu tăng giá bằng lần kể từ đầu năm đến nay như L14, CSC, HLD.
Tuy nhiên, ngoài các cổ phiếu tăng giá mạnh như kể trên, các mã còn lại có thanh khoản rất thấp và gần như không có giao dịch như HLY, L35, TMB, BTW, BED và VMS.