|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch vụ y tế, giáo dục tăng giá gấp nhiều lần mặt bằng chung

06:58 | 05/09/2017
Chia sẻ
CPI từ đầu năm chủ yếu do điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) bởi nếu không tính tăng giá dịch vụ công, lạm phát tháng 8 chỉ tăng 0,52% so với cùng kỳ và không tăng so với đầu năm (tháng 7 giảm 0,42% so với cùng kỳ và giảm 0,68% so với đầu năm).
dich vu y te giao duc tang gia gap nhieu lan mat bang chung
Dịch vụ y tế, giáo dục tăng giá gấp nhiều lần mặt bằng chung (Ảnh minh hoạ).

Mới đây, về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất đánh giá trong tháng 8, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có diễn biến tích cực hơn; chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước.

Theo đánh giá của Chính phủ, nổi bật là lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước.

Trong báo cáo về tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm nay do Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới công bố cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,92% so với tháng trước, tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2016 và 1,23% so với đầu năm.

Như vậy, lạm phát so với cùng kỳ sau 6 tháng liên tục giảm đã có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 8. Lạm phát cơ bản tháng 8 vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp, chỉ tăng 1,31% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đáng lưu ý, trong tháng 8, ngoại trừ nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04% so với tháng trước, giá đã tăng ở hầu hết các nhóm hàng, trong đó có một số nhóm hàng tăng mạnh so với tháng trước như: dịch vụ y tế tăng 3,72% làm CPI tăng 0,14%; giá xăng tăng 2 đợt trong tháng 8 làm nhóm giao thông tăng 2,13%, và làm CPI tăng 0,2 điểm %.

Đặc biệt nhóm thực phẩm sau nhiều tháng giảm đã tăng 1,64%, góp phần làm chỉ số CPI tăng khoảng 0,37 điểm %.

Dù vậy, theo báo cáo, tính toán cho thấy, CPI từ đầu năm chủ yếu do điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) bởi nếu không tính tăng giá dịch vụ công, lạm phát tháng 8 chỉ tăng 0,52% so với cùng kỳ và không tăng so với đầu năm (tháng 7 giảm 0,42% so với cùng kỳ và giảm 0,68% so với đầu năm).

Bình luận về chỉ số lạm phát trong những tháng đầu năm nay, chuyên gia đến từ Fullbright Việt Nam, ông Vũ Thành Tự Anh cho biết, CPI trung bình 8 tháng năm 2017 so với 8 tháng năm 2016 là 3,8%, nhưng chỉ số giá tiêu dùng đối với hai nhóm hàng thiết yếu là giáo dục và y tế lại rất cao: Giáo dục 10% (trong đó Dịch vụ giáo dục 11,5%), Thuốc và dịch vụ y tế 47% (trong đó Dịch vụ y tế 64,8%).

"Cần nhấn mạnh thêm là xu thế y tế và giáo dục tăng giá gấp nhiều lần so với mặt bằng chung đã tồn tại một cách nhất quán từ 5-7 năm trở lại đây", ông Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận.

Còn theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, phân rã các thành phần của lạm phát cho thấy thành phần mùa vụ (lạm phát do yếu tố mùa vụ) đóng góp 0 điểm %, trong khi thành phần chu kỳ (lạm phát do yếu tố giá) đóng góp 0,1 điểm % vào lạm phát tổng thể của tháng 8. Trước đó, trong tháng 6 và 7, thành phần chu kỳ đóng góp lần lượt -0,6 và -0,7 điểm % vào lạm phát tổng thể.

“Đây có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy một chu kỳ tăng giá mới có thể bắt đầu trong những tháng tiếp theo, cần được theo dõi để kiểm soát giá dịch vụ công trong những tháng tới nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra”, Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia khuyến cáo.

dich vu y te giao duc tang gia gap nhieu lan mat bang chung CPI tháng 8 TP HCM tăng 0,5% do giá vật liệu xây dựng, giao thông, dịch vụ ăn uống tăng

Trong tháng 8, CPI TP HCM tăng 0,5% so với tháng 7 nhờ 6 nhóm hàng tiêu dùng tăng giá.

dich vu y te giao duc tang gia gap nhieu lan mat bang chung CPI tháng 8 tăng 0,92% do giá thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2017 tăng 0,92% so với tháng trước do 10/11 nhóm hàng hoá tăng giá trong tháng. Trong đó, ...

dich vu y te giao duc tang gia gap nhieu lan mat bang chung 'Phải giảm, điều chỉnh hợp lý giá nhiều mặt hàng thiết yếu'

Ban điều hành giá nêu một số định hướng trong điều hành giá cả 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu CPI không quá ...

Phương Dung