|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dịch vụ máy bay riêng lên ngôi bởi virus corona, giá lên tới 15.000 USD mỗi giờ vẫn đắt khách

17:22 | 04/03/2020
Chia sẻ
Với giá dao động từ 5.000 tới 15.000 USD mỗi giờ, các hãng cung cấp dịch vụ bay tư nhân đang phải căng sức để đáp ứng nhu cầu tăng vọt bất thường trong bối cảnh hành khách sợ COVID-19.

Ngành công nghiệp hàng không tư nhân đang kiếm bộn tiền trong bối cảnh phần lớn người dân tránh đám đông ở các máy bay thương mại và bỏ qua các lệnh cấm đi lại của chính quyền. Nhà Trắng vừa ban bố cảnh báo du lịch do virus corona đã nâng lên cấp độ 4 - không đi lại hoàn toàn. Đây là cấp độ cao nhất ở Mỹ.

Bắt nguồn từ Trung Quốc, dịch COVID-19 đã bùng phát và lan tới 74 quốc gia. Đến ngày 3/3, số ca nhiễm virus tại Mỹ tăng vọt lên 111.

Dịch vụ máy bay tư nhân lên ngôi thời virus corona, giá lên tới 15.000 USD vẫn đắt khách - Ảnh 1.

Ghế và các món ăn trên một phi cơ riêng của hãng PrivateFly. Ảnh: Independent

Hoang mang và rối loạn, nhiều người nghĩ tới các hãng máy bay tư nhân, dù mức phí lên tới 15.000 USD cho mỗi giờ. Những người có tiền sẵn sàng chi mức tiền ấy nhằm tránh đám đông và không phải qua các chốt kiểm tra an ninh tại các sân bay công cộng, theo Business Insider.

“Nhiều khách hàng gọi đến chúng tôi khi họ phải hủy các chuyến bay thương mại hoặc e ngại nguy cơ lây nhiễm virus tăng cao trên các chuyến bay thương mại đông đúc", Adam Twidell, giám đốc của PrivateFly, kể.

Chính phủ đã nâng nguy cơ nhiễm COVID-19 lên mức báo động, sau khi xác nhận 9 người tử vong vì dịch bệnh hôm 3/3.

XO, một công ty cung cấp dịch vụ bay riêng, cho phép khách hàng đặt chỗ ngồi đơn trên máy bay.

“Nhu cầu sử dụng máy bay riêng đang tăng mạnh. Khách hàng trên toàn thế giới có xu hướng ưu tiên sử dụng dịch vụ bay riêng trong giai đoạn khó lường của dịch bệnh”, Ron Silverman, giám đốc vận hành của XO, bình luận.

Ron nhận định dự đoán nhu cầu bay riêng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần và đây là cơ hội cho XO.

Jettly, một hãng cung cấp dịch vụ máy bay riêng, phải tăng gấp 3 lần số nhân viên trong bối cảnh hàng nghìn người đặt dịch vụ phi cơ riêng 6-8 chỗ ngồi chỉ sau vài giờ. Mức giá cho dịch vụ lên tới 5.000 USD mỗi giờ bay.

“Hoạt động kinh doanh của công ty đang thực sự bùng nổ. Mọi nhân sự của Jettly phải nỗ lực hết sức để phục vụ nhu cầu tăng vọt”, Justin Crabbe, giám đốc điều hành của Jettly, thổ lộ.

Justin thừa nhận số khách đặt trước các dịch vụ bay cao cấp tăng vọt gấp 2,3 lần dẫn đến sự thiếu hụt tàu bay và phi hành đoàn trong khu vực. Nhiều phi cơ phải đến tận nơi để đón khách hàng sơ tán dịch bệnh, dù khách phải trả thêm khoản phụ phí lớn với thời gian bay phát sinh.

"Giới hạn chi tiêu hầu như không tồn tại đối với những khách hàng có nhu cầu thoát khỏi vùng dịch", Justin bình luận.

Dịch vụ máy bay riêng lên ngôi bởi virus corona, giá lên tới 15.000 USD mỗi giờ vẫn đắt khách - Ảnh 2.

Một phi cơ chở khách theo yêu cầu của hãng Jettly. Ảnh: Skies Magazine

Dẫu vậy, Justin vẫn lo sự bùng nổ của dịch vụ bay riêng có thể bỏ sót các hành khách nhiễm bệnh. “Tôi thấy quá nhiều lỗ hổng. Hành khách của dịch vụ máy bay riêng vẫn phải dùng chung các nhà ga thương mại, nhưng không phải làm thủ tục kiểm tra khi qua sân bay, thậm chí bỏ qua cả máy kiểm tra thân nhiệt”, ông giải thích.

Sự tăng trưởng của các dịch vụ máy bay riêng trong thời kỳ dịch bệnh không phải xu hướng lâu dài. Trên toàn thế giới, hơn 92.174 người nhiễm bệnh và 3.128 người chết. COVID-19 khiến ngành du lịch đình đốn do làn sóng hủy hoặc hoãn các chuyến tham quan.

Ông Adam Twidell công nhận thực tế ấy. Theo ông, nhu cầu chỉ có thể tăng bền vững nhờ nhu cầu dài hạn và sự ưa thích của khách hàng. Trong khi đó, nhu cầu dài hạn phụ thuộc vào triển vọng kinh tế toàn cầu. 

"Dù nhu cầu đối với dịch vụ bay riêng đang tăng vọt, song rất nhiều hành khách vẫn để ngỏ khả năng hủy hoặc thay đổi kế hoạch đi lại", ông nói.


Cửu Dương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.