|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vắng khách vì COVID-19, chủ nhà nghỉ giảm số bao cao su, tự đón khách và dọn dẹp để tiết kiệm chi phí

10:11 | 03/03/2020
Chia sẻ
Mặc dù lượng khách sử dụng dịch vụ nhà nghỉ giảm nhiều bởi dịch COVID-19, nhưng mức giá thuê phòng vẫn không đổi và các chủ nhà nghỉ giảm chi phí bằng nhiều cách.

Thị trường nhà nghỉ ổn định trước bão dịch

Dịch Covid-19 đã gây những tác động lớn lên nhiều ngành nghề. Dịch vụ lưu trú không phải là một ngoại lệ. Mùa dịch, với việc lưu lượng khách giảm, nhiều khách sạn đã buộc phải lựa chọn một số biện pháp để "sinh tồn": từ cho nhân viên nghỉ việc cho tới giảm giá để kích cầu.

Tuy nhiên, cũng là một trong những loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhưng những nhà nghỉ lại dường như không có dấu hiệu quá lo lắng, hay ít nhất có những biểu hiện cần phải lo lắng giống như những người kinh doanh khách sạn.

Anh Tiệp, một chủ nhà nghỉ tại đường Trần Duy Hưng, nói: "Với nhà nghỉ, giảm giá vẫn khó kích cầu. Khách sạn có số phòng lớn, giá cao nên giảm giá sẽ hút khách, còn nhà nghỉ giảm giá chỉ càng thiệt".

Nhà nghỉ trong mùa dịch: Nhất định không giảm giá, cắt giảm chi phí sáng tạo - Ảnh 1.

Giảm giá không phải là sự lựa chọn của các chủ nhà nghỉ trong mùa dịch. Ảnh: NVCC.

Cũng theo anh, nhà nghỉ đa số thường phục vụ nhu cầu nghỉ giờ. Ngoài ra đa phần khách hàng của anh là dân địa phương và hầu như không có khách quen. Theo anh, tất cả các đặc điểm ấy khiến nhà nghỉ không thể giảm giá, ít nhất trong tương lai gần.

"Mùa dịch nên số lượng khách cũng giảm nhiều, thậm chí giảm một nửa. Nhưng cũng đành phải chờ dịch qua chứ biết thế nào. Hiện tại, chúng tôi vẫn giữ nguyên giá", anh Tiệp thổ lộ.

Bà Linh là một chủ nhà nghỉ ở khu vực Hoàng Mai. Bà cũng khẳng định, dù việc kinh doanh có gặp khó khăn nhưng bà nhất quyết không giảm giá.

"Nghỉ giờ có giá 100.000 đồng, qua đêm có 200.000 đồng mà giảm nữa thì càng thất thu", bà Linh nói.

Những cách đối phó độc đáo của chủ nhà nghỉ

Mặc dù không giảm giá, lượng khách sử dụng dịch vụ lưu trú của nhà nghỉ đã giảm hẳn. Để tồn tại qua mùa dịch, đương nhiên họ cần phải có những biện pháp hợp lí.

Ngoài việc  giảm tối đa các chi phí, bà Linh kể mỗi phòng chỉ còn 2 bao cao su cho khách.

"Trước đây, chúng tôi thường sẽ để mỗi phòng vài chục cái, khi nào khách dùng hết chúng tôi mới bổ sung. Bây giờ mỗi phòng chỉ còn 2 cái. Nếu khách yêu cầu, nhân viên có thể mang thêm", bà Linh kể.

Nhà nghỉ trong mùa dịch: Nhất định không giảm giá, cắt giảm chi phí sáng tạo - Ảnh 2.

Cắt giảm tối đa chi phí giúp nhà nghỉ sống sót qua mùa dịch. Ảnh: Tiểu Phượng.

"Biết làm sao. Mùa dịch mà, nghĩ ra cách nào cắt giảm chi phí thì tôi áp dụng. Nhà nghỉ không tính phụ phí bao cao su nên khách hàng sẽ dùng mà không tiếc. Trước đây có khách nghỉ giờ mà dùng hết 7 cái. Khi dọn phòng mới thấy tất cả đều đã qua sử dụng và lồng vào nhau", bà Linh tiết lộ.

Với trường hợp của anh Tiệp, nhà nghỉ của anh thường xuyên thuê người lao động thời vụ dọn dẹp và trả lương theo ngày. Do đó, khi lượng khách giảm, anh quyết định cho những người này nghỉ và huy động người nhà (cũng phải nghỉ làm do dịch) làm thay.

"Kinh doanh nhỏ lẻ đôi khi cũng có cái lợi của làm nhỏ. Các khách sạn lớn kí hợp đồng lao động dài hạn, giờ gặp dịch rất khó giải quyết. Nhà nghỉ qui mô nhỏ cho phép tôi giảm tối đa chi phí, dù không khỏe nhưng vẫn có thể duy trì", anh Tiệp nói.

Thậm chí anh Tiệp còn trực tiếp làm nhiệm vụ lễ tân. Hiện tại, anh không phải trả thêm bất cứ chi phí lương nào.

Tiểu Phượng