|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch tả heo châu Phi có mang đến cơ hội cho heo xuất khẩu Việt Nam?

06:55 | 27/09/2018
Chia sẻ
Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay, bản thân trong thị trường nội địa, nhiều địa phương vẫn còn thiếu heo. Trong khi Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang thị trường duy nhất là Myanmar.
dich ta heo chau phi dem lai co hoi cho heo xuat khau viet nam Bỉ tiêu hủy 4.000 con heo để kiểm soát dịch tả heo châu Phi

Cơ hội cho xuất khẩu heo Việt Nam?

Trong bối cảnh virus dịch tả heo châu Phi vẫn chưa xâm nhập vào Việt Nam, trả lời câu hỏi "Liệu rằng đây có phải là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu heo sang nước ngoài?", ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn không đồng tình với ý kiến này. Ông Vang giải thích, bản thân trong thị trường nội địa, nhiều địa phương vẫn còn thiếu heo.

Hơn thế nữa, nhiều người tỏ ra lo ngại lệnh tạm cấm nhập khẩu heo từ Hungary và Ba Lan của Bộ NN&PTNT ban hành ngày 14/9 càng khiến nguồn cung bị thắt chặt. Theo số liệu Tổng cục Hải Quan, Ba Lan là thị trường cung cấp thịt heo lớn nhất trong 6 tháng đầu năm đạt 7.035 tấn, trị giá 8 triệu USD.

“Hiện nay, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu heo sang thị trường Myanmar với số lượng khoảng 26.000 tấn và không xuất khẩu tiểu ngạch”, ông Vang thông tin.

Theo Cục xuất nhập khẩu, từ đầu tháng 9 đến nay, giá heo hơi trên cả nước vẫn duy trì cao do tác động của thông tin dịch tả heo Châu Phi, hiện các trang trại đang có xu hướng giữ đàn heo, hạn chế bán ra. Cục dự báo giá heo hơi tại thị trường trong nước tiếp tục ở mức cao.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam dự đoán, giá heo hơi trong nước từ nay đến cuối năm có thể tiếp tục tăng, dao động khoảng 50.000 - 54.000 đồng/kg.

Việt Nam có nguy cơ lớn đối với dịch tả heo châu Phi

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), sự bùng phát nhanh chóng của bệnh dịch tả heo châu Phi ở Trung Quốc cùng nhiều khu vực cách xa hàng nghìn km trong phạm vi đất nước này, chứng tỏ virus này có thể lan sang các nước châu Á khác bất cứ lúc nào.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi, đây là dịch bệnh nguy hiểm, ngành chăn nuôi heo Việt Nam có nguy cơ lớn đối với căn bệnh này.

Nguyên nhân là Trung Quốc, nước láng giềng của Việt Nam, có tới 6 tỉnh phát hiện dịch tả heo châu Phi với 14 ổ dịch. Thêm vào đó, rất nhiều con đường có thể đưa mầm bệnh vào Việt Nam, không chỉ thông qua xuất, nhập khẩu heo mà còn thông qua khách du lịch từ các nước phát hiện bệnh dịch.

dich ta heo chau phi dem lai co hoi cho heo xuat khau viet nam
Dịch tả heo châu Phi đem lại cơ hội cho heo xuất khẩu Việt Nam?

“Nếu dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào Việt Nam thì tác động rất lớn đối với ngành chăn nuôi nước ta, do chăn nuôi heo chiếm tới 70% tỷ trọng ngành. Đây lại là một trong những nguồn thực phẩm trên cạn chính của người dân. Kéo theo đó, một số ngành dịch vụ khác cũng ảnh hưởng như thức ăn chăn nuôi, thú y…”, ông Dương nói thêm.

FAO cũng nhận định rằng, sự lan rộng của dịch bệnh ở Trung Quốc đã làm gia tăng lo ngại rằng bệnh sẽ di chuyển qua biên giới các nước láng giềng Đông Nam Á hoặc bán đảo Triều Tiên nơi buôn bán và tiêu thụ sản phẩm thịt heo cũng rất cao.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ thu đông và ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, ông Ken Inui - Chuyên gia phòng thí nghiệm Trung tâm Khần cấp kiểm soát bệnh động vật lây truyền qua biên giới (thuộc FAO) cho biết, thói quen của nhiều hộ chăn nuôi là dùng một kim tiêm cho nhiều con heo khác nhau, đây là tác nhân lây lan virus qua đường máu.

Bên cạnh đó, việc cho heo ăn thức ăn thừa cũng là nguyên nhân khiến mầm bệnh lây lan rộng, vì vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo bà con không nên sử dụng loại thức ăn này cho chăn nuôi.

Đại diện FAO thông tin thêm, bản thân virus dịch tả heo châu Phi lây lan rất chậm, không chết hàng loạt nhưng xác suất chết gần như 100%, khác hẳn so với bệnh tai xanh. Bệnh tập trung nhiều ở heo trên 12 tuần tuổi, tất cả các lứa tuổi khác cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện nay chưa có vacxin chữa dịch tả heo. Khó khăn lớn nhất đó là phân biệt bệnh này với bệnh tả thông thường vì triệu chứng của hai bệnh rất giống nhau. Cách duy nhất là đem đi xét nghiệm. Nếu dịch bệnh xâm nhập ở Việt Nam, việc đối phó sẽ rất khó khăn do đặc tính của ngành chăn nuôi heo là manh mún, nhỏ lẻ.

“Các đối phó duy nhất là tiêu hủy. Kinh nghiệm của Trung Quốc và châu Âu, việc tiêu hủy heo trong bán kính 3 km, đóng cửa các chợ buôn bán heo và sản phẩm thịt heo. Các tỉnh phát hiện ổ dịch đều bị cấm vận chuyển heo ra ngoài”, ông Thành nói. Ở Việt Nam, các hộ phải tiêu hủy heo do bệnh dịch sẽ được nhận một khoản hỗ trợ là 38.000 đồng/kg hơi theo Nghị định 02/2017 của Chính Phủ.

Xem thêm

Đức Quỳnh