|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dịch COVID-19: Nhiều hãng hàng không châu Phi đối mặt với nguy cơ phá sản

08:45 | 04/05/2020
Chia sẻ
Theo phân tích trên trang afrique.le360.ma, đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang giáng một đòn nghiêm trọng vào ngành vận tải hàng không châu Phi.
Dịch COVID-19: Nhiều hãng hàng không châu Phi đối mặt với nguy cơ phá sản - Ảnh 1.

Cảnh vắng vẻ trên đường phố Algiers, Algeria ngày 25/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ước tính mới nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), doanh thu của các hãng hàng không ở khu vực châu Phi cận Sahara có thể mất hơn 6 tỷ USD. Thậm chí nhiều công ty đang lo ngại về nguy cơ phá sản.

Tác động của dịch COVID-19 được đánh giá là thảm họa đối với các hãng hàng không châu Phi. Và sau mỗi báo cáo đánh giá về tình hình, IATA đều nâng cao mức độ thiệt hại do đại dịch gây ra đối với khu vực này. 

Trong nhận định mới nhất, hơn 95% các máy bay chở khách của các hãng hàng không châu Phi đang nằm yên tại các căn cứ.

Theo IATA, lượng hành khách trong năm 2020 sẽ giảm 51% so với năm trước. Doanh thu của các hãng hàng không châu Phi năm 2020 có thể giảm 6 tỷ USD so với năm 2019, so với mức ước giảm 2 tỷ USD được đưa ra trước đó.

Bên cạnh đó, thiệt hại về việc làm trong lĩnh vực này có thể lên tới 3,1 triệu lao động, tương đương 50% trong số 6,2 triệu việc làm liên quan đến lĩnh vực hàng không ở khu vực châu Phi cận Sahara.

So với dự báo trước đó, hơn 1,1 triệu việc làm liên quan đến lĩnh vực hàng không sẽ bị mất do hậu quả của đại dịch COVID-19. Chính vì thế, đóng góp của ngành này vào GDP của khu vực có thể giảm xuống chỉ còn 28 tỷ USD, so với 56 tỷ USD ước tính trước đó.

Tình hình thực tế có thể nghiêm trọng hơn bởi đối với dự báo này, IATA dựa trên kịch bản hạn chế đi lại kéo dài trong ba tháng, và các nước sẽ dần dỡ bỏ các hạn chế trên thị trường nội địa, tiếp theo là hạn chế đối với thị trường khu vực và liên lục địa.

Tuy nhiên, khoảng thời gian ba tháng này có thể sẽ được kéo dài hơn khi nếu tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia châu Phi cũng như các đối tác ở châu Âu.

Đại dịch COVID-19 đã lây lan ở khu vực châu Phi cận Sahara, với các ca nhiễm bệnh không ngừng gia tăng. Do đó, khu vực này sẽ rất khó để xem xét dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay trong khu vực.

Đối với các chuyến bay xuyên lục địa, các quốc gia châu Âu đã tuyên bố cấm các chuyến bay tiếp cận lãnh thổ của họ, ít nhất là cho đến tháng Ba. Quyết định tương tự cũng có thể được gia hạn ở cấp khu vực nếu đại dịch không hoàn toàn được khắc phục.

Ngoài ra, các điều kiện tiếp cận khu vực Schengen sẽ bị thắt chặt trong những tháng đầu tiên sau cuộc khủng hoảng, với các yêu cầu xét nghiệm COVID-19 và thậm chí đòi hỏi phải có cả kết quả vắc-xin đối với hành khách. Điều này có nghĩa là sự phục hồi của ngành hàng không châu Phi sẽ không nhanh chóng diễn ra.

Hoạt động của nhiều hãng hàng không châu Phi sẽ gặp nhiều khó khăn, với hầu hết các công ty không có doanh thu để trả lương cho người lao động, trong khi họ phải tiếp tục chi trả các chi phí như thuê máy bay, bảo trì, bảo hiểm, chi phí đỗ máy bay...

Việc nhiều hãng hàng không châu Phi có thể đối mặt với nguy cơ phá sản là điều không tránh khỏi. 

Hãng South African Airways, một trong những trụ cột của ngành vận tải hàng không châu Phi, đang xem xét thông báo phá sản sau khi Chính phủ Nam Phi quyết định không tái thiết lại công ty đang gặp khủng hoảng trong một thập kỷ qua này.

IATA ước tính thiệt hại về hành khách của South African Airways ít nhất là 14,5 triệu lượt, với khoản thiệt hại ước tính là 3,02 tỷ USD.

Hãng hàng không Air Mauritius của Mauritania cũng vừa gửi hồ sơ phá sản. Trong khi đó, lãnh đạo của hãng hàng không Air Burkina của Burkina Faso tuyên bố họ sẽ không thể trả lương cho nhân viên của công ty.

Đối với hãng hàng không Ethiopian Airlines, thiệt hại về hành khách ước tính không ít hơn 2,5 triệu lượt, và thiệt hại về doanh thu ước tính là 0,43 tỷ USD.

Ethiopian Airlines là hãng hàng không duy nhất tại châu Phi đã tiếp tục khai thác một số đường bay nhất định đến các quốc gia chưa đóng cửa biên giới trên không và thực hiện hoạt động vận chuyển các hàng hóa quan trọng.

Tấn Đạt

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.