Hàng không thế giới tất tả ngược xuôi lo cho hơn 16.000 tàu bay đang nằm đất
Bầu trời đang trống rỗng trong những ngày này, đưa ra một thách thức mới cho các hãng hàng không bị bao vây trên thế giới. Thay vì chạy đua phục vụ hành khách trên không, giờ đây các hãng phải chạy đua để bảo vệ hàng ngàn máy bay "đắp chiếu" trên đường băng và trong các cơ sở lưu trữ.
Hơn 16.000 máy bay đang nằm đất
Theo hãng nghiên cứu thị trường Cirium, hơn 16.000 máy bay chở khách toàn thế giới đang yên vị trên mặt đất. Tìm không gian đậu, điều kiện phù hợp cho 62% máy bay toàn thế giới và bảo dưỡng cho chúng có thể bay được, bất ngờ trở thành ưu tiên hàng đầu cho ngành dịch vụ này cho năm 2020.
Theo Bloomberg, việc giữ cho các động cơ trong điều kiện hoạt động tốt khi phải nằm bất động thời gian dài là điều không hề đơn giản. Chúng cần rất nhiều sự chăm sóc, từ bảo trì hệ thống thủy lực và điều khiển chuyến bay đến ngăn chặn côn trùng và động vật hoang dã, trong đó chim làm tổ có thể là một vấn đề phổ biến.
Sau đó, các hãng còn phải chú ý tới độ ẩm, có thể ăn mòn các bộ phận và làm hỏng nội thất máy bay. Ngay cả khi đỗ trên đường băng, máy bay thường được nạp nhiên liệu để giữ cho chúng không bị rung chuyển trong gió và để đảm bảo bánh xe và động cơ luôn được bôi trơn.
"Không ai nghĩ rằng mức độ bảo quản kì công này sẽ cần phải được thực hiện. Không gian đậu máy bay đã là một vấn đề. Giờ đây còn có những cơn ác mộng về công đoạn hậu cần mà chúng tôi đang cố gắng giải quyết", ông Anand Bhaskar, Giám đốc điều hành của Air Works có trụ sở tại New Delhi, một công ty sửa chữa và bảo trì máy bay, cho biết.
Theo Cirium, số lượng máy bay chở khách phục vụ đang thấp nhất trong 26 năm qua. Quản lí lưu trữ máy bay với qui mô lớn như vậy là một thách thức đối với một ngành dịch vụ đang gặp khủng hoảng.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã cảnh báo rằng doanh thu từ hành khách bay có thể giảm 314 tỉ USD trong năm nay, và 25 triệu việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Các hãng hàng không đang chuyển từ săn lùng không gian trên trời thành săn lùng không gian dưới mặt đất tại các sân bay, hoặc trong các cơ sở lưu trữ máy bay dài hạn ở những nơi khô cằn như vùng hẻo lánh của Úc, và sa mạc Mojave ở Mỹ.
British Airways đã đỗ một nửa đội bay 12 chiếc Airbus A380 tại Chateauroux, Pháp, để lưu trữ được lâu hơn. Tarmac Aerosave có các kho lưu trữ ở Pháp và Tây Ban Nha, trong khi ComAv cũng đang có nhu cầu đỗ máy bay tại sân bay hậu cần Nam California.
United Airlines dự kiến sẽ đỗ khoảng 400 máy bay, chủ yếu tại các trung tâm của hãng như Newark và Chicago. Delta Air Lines đã gửi máy bay tới Pinal Airpark, Arizona. American Airlines đang sử dụng một cơ sở bảo trì ở Tulsa, Oklahoma và các cơ sở khác.
Cần 200 nhân viên bảo trì máy bay mỗi ca
Tại các sân bay đông đúc như ở New Delhi, nơi không có điểm đỗ máy bay dự phòng, một đường băng đã được chuyển đổi thành khu vực lưu trữ tạm thời, như tại Schiphol. Ở đây, Tập đoàn KLM có hơn 200 máy bay tại cổng và trên đường băng, sắp xếp theo kích thước và loại. Tập đoàn này phải đảm bảo đủ không gian cho đội bay luôn được thẳng hàng nếu cần bảo trì.
"Schiphol đã chật cứng. Giữa cảnh tượng buồn và độc đáo này là một bài toán về cách đỗ máy bay", Giám đốc cộng đồng của KLM Annemiek Cornielje, ví von. May là sân bay này không thu phí đậu đỗ phương tiện.
Tại những nơi khác, việc đỗ máy bay tại sân bay phải chịu nhiều khoản phí chồng chất. Ở Ấn Độ, đỗ một chiếc máy bay lớn có thể tốn 1.000 USD/ngày, theo Mark Martin, người sáng lập Martin Consulting LLC có trụ sở tại Dubai.
Đối với một hãng hàng không có đội bay hơn 250 chiếc, thậm chí phía sân bay có đưa mức chiết khấu cao, thì hãng này cũng nên thủ sẵn 12,5 triệu USD cho một "căn cứ" chuẩn mực trong 6 tháng.
"Đấy là chưa tính đến chi phí bảo trì", ông nói thêm.
Vừa qua, IATA đã đề nghị chính phủ các nước cắt giảm phí đỗ máy bay, thường chiếm ít hơn 2% doanh thu của sân bay trong một năm thông thường. Trong tình trạng hiện nay, những khoản phí đó có thể khiến cho một số hãng hàng không phải điêu đứng.
Hãng bay Etihad Airways có trụ sở tại Abu Dhabi, cho biết các kĩ sư của họ đang làm việc suốt ngày để duy trì đội bay. Họ luôn phải chăm sóc từ động cơ, kiểm tra điều khiển bay và các cảm biến, che chắn các động cơ để bảo vệ bộ phận bên trong khỏi cát và bụi. Hãng này cho biết họ cần đến khoảng 200 nhân viên mỗi ca làm việc.
"Trước đây, tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như vậy trong sự nghiệp hàng không của mình. Máy bay là một tổ hợp bộ phận máy móc rất phức tạp, nó không giống như đỗ xe hơi", Trưởng phòng Điều hành Kĩ thuật của Gary Etihad, Gary Byrne, nói với Bloomberg.
Lốp máy bay cũng cần chú ý. Qantas Airways cho biết tất cả các máy bay từ Boeing 737 đến Airbus SE A380, đều cần phải quay bánh xe, bằng cách kéo trên đường băng hoặc nhấc bổng máy bay lên không khí để quay bánh. Việc này phải làm cứ sau 1-2 tuần, kèm theo chất lỏng thủy lực được đưa vào thiết bị hạ cánh, để bảo vệ chống gỉ.
Gói hấp thụ độ ẩm silica khổng lồ cũng được đặt bên trong động cơ, để giữ cho chúng khô ráo, trong khi tất cả các lỗ bên ngoài trên thân máy bay đều được che kín, để chặn côn trùng và chim làm tổ.
Giành chỗ đỗ máy bay
Qantas cho biết họ có hơn 200 máy bay, bao gồm cả máy bay Boeing 787 Dreamliners của Jetstar, đậu tại các sân bay trên khắp nước Úc. May thay, nước này nằm ở Nam bán cầu, chuẩn bị bước sang mùa đông, thời tiết phù hợp hơn để lưu trữ máy bay, đặc biệt là so với phần lớn châu Á, nơi có độ ẩm cao cũng như mối đe dọa của bão nhiệt đới.
Gần Alice Springs ở lãnh thổ phía bắc, kho lưu trữ máy bay châu Á Thái Bình Dương (APAS) đang giữ máy bay cho các hãng như Singapore Airlines và Fiji Airways. Theo Giám đốc điều hành Tom Vincent, công ty này đang mở rộng công suất lên khoảng 70 máy bay, và xem xét nâng mức đó lên hơn 100.
"Có một cuộc tranh giành các cơ sở lưu trữ máy bay thích hợp. Chúng tôi có một số lượng lớn đặt chỗ trong những tuần tới và tháng tới", vị này chia sẻ.
Châu Á Thái Bình Dương là thị trường hàng không đang phát triển nhanh chóng, với một loạt các hãng giá rẻ từ Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và các nơi khác, đã đặt hàng ngàn máy bay chỉ trong vài năm gần đây. Hơn nữa, tầng lớp trung lưu mới nổi tại các nước này đang lớn mạnh, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không lớn.
Finnair Oyj, hãng hàng không quốc gia của Phần Lan, đã đỗ máy bay tại trung tâm Helsinki của mình, và nếu cần, họ sử dụng các sân bay ở Tampere và Rovaniemi, thủ phủ của tỉnh Lapland. Công việc của hãng giờ đây là kết nối lại pin máy bay cứ sau 14 ngày. Một tháng, một cuộc kiểm tra mở rộng hơn được thực hiện, liên quan đến việc tháo vỏ bảo vệ, khởi động động cơ và kiểm tra hệ thống điều hòa không khí và chống băng.
Một thách thức lớn với các máy bay đang đỗ là phanh, chúng có thể bị mòn dần chỉ trong vòng 24 giờ, theo Phó chủ tịch của Finnair Jukka Glader. Mỗi máy bay phản lực cần 10 đến 12 thanh chêm bằng gỗ phía sau các bánh xe, để giữ chúng ở yên một vị trí. Với rất nhiều máy bay đã hạ cánh, Finnair đã đặt mua 500 thanh chêm gỗ từ một cửa hàng mộc địa phương.
Satyendra Pandey, một nhà tư vấn độc lập và là cựu Giám đốc chiến lược của Go Airlines India, cho biết dù là bộ phận điều khiển hay hệ thống điện tử, hoặc hệ thống thủy lực, việc lưu trữ máy bay kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng vận chuyển hàng không.
"Có vẻ như đó là một nhiệm vụ đơn giản, nhưng thực ra lại rất phức tạp. Không phải cứ đỗ tàu bay là xong, việc kiểm tra định kì và bảo dưỡng phải được thực hiện liên tục", CEO APAS Tom Vincent khẳng định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/