Dịch covid-19 chắp cánh cho thị trường giải pháp làm việc từ xa của Trung Quốc
Mặc dù kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã kết thúc từ ngày 10/2, anh Zhao Chen vẫn chưa thể quay trở lại văn phòng.
Song điều đó không có nghĩa là nhà đầu tư mạo hiểm đang sinh sống tại Bắc Kinh không chăm chỉ làm việc. Như nhiều người lao động khác trên khắp Trung Quốc, Zhao chỉ đơn giản là chuyển sang làm việc trực tuyến để bảo vệ bản thân trước dịch virus corona (covid-19).
"Chúng tôi đang dành một nửa thời gian trong ngày cho ứng dụng WeChat Work", anh Zhao đề cập đến công cụ làm việc do Tencent Holdings phát triển.
Thay vì gặp mặt trực tiếp, Zhao chuyển sang trao đổi với khách hàng và đồng nghiệp trên WeChat Work. Zhao đánh giá các đề xuất kinh doanh của đồng nghiệp bằng chức năng chỉnh sửa tài liệu của ứng dụng WeChat Work và thực hiện thuyết trình thông qua chức năng phát trực tiếp.
Mặc dù trước đây Zhao chủ yếu sử dụng ứng dụng của Tencent cho các tác vụ đơn giản như upload tệp tin, anh Zhao nói "dịch virus corona đã buộc chúng tôi phải khai phá hết toàn bộ tiềm năng của WeChat Work".
Theo Nikkei Asian Review, anh Zhao không hề đơn độc.
Làm việc từ xa thời dịch virus corona: 4 ứng dụng chiếm sóng
Ở một quốc gia nơi tương tác trực tiếp được xem là cách tốt nhất để tạo dựng niềm tin và hợp tác kinh doanh như Trung Quốc, ngày càng có nhiều doanh nghiệp cho WeChat Work và các ứng dụng tương tự một cơ hội nhằm đối phó với sự gián đoạn mà dịch virus corona gây ra.
Câu hỏi duy nhất được đặt ra là liệu phong cách làm việc hiện đại này có thể tiếp tục sau khi cuộc khủng hoảng qua đi hay không.
DingTalk, một nền tảng làm việc thông minh do Alibaba Group Holding phát triển, hiện là ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất trên Apple Store.
Huawei Technologies cho biết phần mềm hội nghị trực tuyến (teleconference) WeLink của họ đã đạt trung bình 1 triệu người dùng mới/ngày trong kì nghỉ Tết Nguyên đán.
Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp sử dụng phần mềm làm việc từ xa đã tăng nhanh đến mức khiến các nhà cung cấp phần mềm Trung Quốc rơi vào thế khó vì chưa đáp ứng được nhu cầu.
Khi hơn 10 triệu khách hàng doanh nghiệp đăng nhập vào DingTalk để tham gia các cuộc hội thảo trực tuyến hôm 3/2, sự gia tăng nhanh chóng đã khiến ứng dụng gặp lỗi.
Tencent đã báo cáo các lỗi kĩ thuật tương tự trên WeChat Work trong cùng ngày do số lượng lớn người dùng đăng nhập vào hệ thống. WeLink của Huawei và Lark của ByteDance cũng gặp sự cố như vậy.
Theo Nikkei, các ứng dụng làm việc trực tuyến đạt được mức tăng trưởng bùng nổ chủ yếu do hàng loạt văn phòng trên khắp Trung Quốc đóng cửa vì dịch virus cororna cũng như do các đại gia công nghệ Trung Quốc cung cấp dịch vụ miễn phí.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định ngành công nghiệp làm việc từ xa của Trung Quốc đã đi đến một điểm bước ngoặc nhờ dịch viêm phổi Vũ Hán.
"Mọi cuộc khủng hoảng luôn song hành cùng cơ hội"
"Mọi cuộc khủng hoảng đều song hành cùng cơ hội", nhóm nhà phân tích tại China Merchants Securities lưu ý. "Dịch virus corona đã đẩy nhanh tốc độ triển khai phần mềm làm việc từ xa ở Trung Quốc. Thị trường làm việc từ xa của đất nước tỉ dân đang chuẩn bị cất cánh".
Các nhà phân tích của Nomura cũng lạc quan tương tự. Báo cáo hôm 5/2 của Nomura nêu: "Chúng tôi cho rằng virus corona sẽ thu hút sự chú ý của doanh nghiệp vào thị trường giải pháp làm việc từ xa. Thị trường này có thể tận hưởng mức tăng trưởng bền vững trong thời gian dài".
Anh Zhao chia sẻ với Nikkei rằng anh và khoảng 100 đồng nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng phần mềm làm việc từ xa kể cả sau khi văn phòng của họ mở cửa trở lại.
"Nhờ vào việc sử dụng thường xuyên ứng dụng WeChat Work trong vài tuần gần đây, chúng tôi đã thành thạo hơn với phần mềm làm việc từ xa", Zhao nói. "Theo một cách nào đó, thói quen làm việc của chúng tôi đã được định hình lại".
Những nhận xét của anh Zhao như "rót mật vào tai" các công ty mạng Trung Quốc. Khi nền kinh tế Trung Quốc chững lại và đè nặng lên tâm lí người tiêu dùng, Tencent và Alibaba đã chuyển sang đáp ứng nhu cầu của giới doanh nghiệp.
The công ty tư vấn Qianzhan Industry Research Institute (có trụ sở ở Bắc Kinh), giá trị của thị trường giải pháp việc làm từ xa Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 477 triệu USD vào năm 2024, tăng từ 169 triệu USD ghi nhận hồi năm ngoái.