|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch bệnh đang cao trào, đừng gieo thêm hoang mang!

07:14 | 25/02/2020
Chia sẻ
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới ngày 24/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý.
Dịch bệnh đang cao trào, đừng gieo thêm hoang mang! - Ảnh 1.

Trong nội dung phát biểu, ông Long đề cập khá chi tiết đến trường hợp nữ sinh lớp 12 trú tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế tử vong sau khi có triệu chứng ho, sốt và khó thở kéo dài trong khoảng một tuần. 

Vấn đề này vốn đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội những ngày vừa qua và thậm chí đã có người đặt nghi vấn, quy kết rằng đang có tình trạng “giấu dịch”.

Qua thực hiện các bước, Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan chức năng kết luận, nữ sinh N. tử vong do viêm màng não không được điều trị kịp thời.

Cá nhân người viết cho rằng, trên góc độ chuyên môn, cần thiết phải lắng nghe những người có chuyên môn phát biểu, đặc biệt là ở lĩnh vực y học. Một bác sĩ phải mất thời gian tối thiểu 6 năm tu nghiệp, và cần nhiều thời gian hơn thế để có thể gây dựng uy tín.

Thế nên, những phát ngôn liên quan đến dịch bệnh, có lẽ cần thiết có sự thận trọng nhiều hơn, vì điều đó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của những người trong cuộc, mà còn ảnh hưởng đến người bệnh và thân nhân của họ.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ở trường hợp nói trên, Bệnh viện Trung ương Huế đã sử dụng kỹ thuật xét nghiệm Real time RT-PCR (do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp) để kiểm tra mẫu dịch của nạn nhân. Một lần nữa, ông Long nhấn mạnh: Kết quả xét nghiệm âm tính.

Để đảm bảo thông tin chính xác, Bộ Y tế đã giao Viện Pasteur Nha Trang tiến hành xét nghiệm thêm nữ sinh này và cũng cho kết quả âm tính với COVID-19. 

Đồng thời, việc kiểm tra yếu tố dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên-Huế, nữ sinh này và người thân, hàng xóm cũng cho thấy, không có ai từng tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 hoặc đi đến vùng có dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin thêm: “Đối với các trường hợp có dấu hiệu khác biệt hoặc điển hình, Bộ Y tế chỉ đạo không chỉ xét nghiệm ở một nơi mà phải xét nghiệm ít nhất ở 2 nơi trở lên để đối chứng, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay”.

Với những thông tin nói trên cho thấy những suy diễn về trường hợp tử vong của nữ sinh ở Thừa Thiên - Huế là vô căn cứ. Đành rằng, chúng ta ai cũng đều có quyền đặt câu hỏi và yêu cầu sự minh bạch, nhưng sự quy kết vội vàng là không nên và rất vô trách nhiệm với cộng đồng.

Về mặt logic, người viết thấy rằng, trong bối cảnh cần nâng cao tính cảnh giác của người dân với dịch bệnh cũng như trong điều kiện các kênh thông tin đầy đủ như hiện nay, không có lý do gì để các địa phương, các cơ quan chức năng giấu dịch. 

Một bệnh nhân liên quan đến dịch này còn ảnh hưởng đến việc cách ly người thân và những người tiếp xúc với bệnh nhân. Không ai mạo hiểm với thông tin dịch bệnh “siêu lây nhiễm” như coronavirus cả!

Theo khẳng định của Thứ trưởng Long: Việt Nam có đủ năng lực, đủ sinh phẩm để làm xét nghiệm với 10.000 test kit do Tổ chức Y tế thế giới chuyển cho Việt Nam. Độ chính xác xét nghiệm tương đương như các nước, xét nghiệm Real-time RT-PCR (xét nghiệm kháng nguyên) nên độ nhạy và đặc hiệu cao.

Ở Việt Nam hiện có 3 đơn vị xét nghiệm đạt chuẩn được Tổ chức Y tế thế giới công nhận và thống nhất chuyển giao công nghệ, thống nhất phương pháp thực hiện mẫu xét nghiệm, gồm: Viện Pasteur TPHCM, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại Hà Nội.

Sau đó, các đơn vị đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới chuyển giao công nghệ, tập huấn chuyên môn, cung cấp hệ thống máy móc thiết bị cho 22 phòng xét nghiệm (đạt chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới công nhận). Các phòng thí nghiệm cho kết quả tin cậy.

Và như vậy, cùng với sự nỗ lực của ngành y, thiết nghĩ, điều mà chúng ta nên làm chính là nâng cao ý thức cộng đồng. Nhắc nhau cảnh giác, nhưng đừng gieo hoang mang!

Bích Diệp