|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dòng tiền đổ về những 'miền đất hứa'

07:30 | 17/05/2020
Chia sẻ
Sở hữu những ưu thế lớn như quĩ đất rộng, hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện, nhiều chính sách ưu đãi, nhiều tỉnh lẻ đang trở thành “miền đất hứa” trong mắt các doanh nghiệp phát triển bất động sản.
Hoạt động M&A cùng làn sóng đổ bộ của dự án tại tỉnh lẻ làm sôi động thị trường địa ốc hậu dịch - Ảnh 1.

Nhiều dự án bất động sản ở tỉnh lẻ đang tìm chủ đầu tư. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Cuộc đua thu hút đầu tư tại tỉnh lẻ

Tắc nghẽn trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư khiến nhiều dự án BĐS tại Hà Nội và TP HCM đang "giậm chân tại chỗ". Đây cũng là một trong những lí do khiến xu hướng đổ về thị trường tỉnh săn quĩ đất triển khai dự án bùng nổ mạnh mẽ từ năm 2019.

Đến đầu năm 2020, do chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng với những vướng mắc trong thủ tục pháp lí chưa được tháo gỡ hoàn toàn khiến nguồn cung căn hộ và lượng giao dịch giảm mạnh, nhất là tại 2 thị trường chính là Hà Nội và TP HCM.

Trái ngược với diễn biến tại hai thành phố lớn, nhiều địa phương trên cả nước đang ồ ạt mời gọi đầu tư các dự án mới theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Trong đó, một số dự án có vốn đầu tư lên tới cả chục nghìn tỉ đồng.

Đơn cử, tại miền Bắc, Trung tâm Phát triển quĩ đất Thanh Hóa vừa phát thông báo mời sơ tuyển dự án Khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và xã Hoằng Long, TP Thanh Hóa. Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích gần 176 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến 12.727 tỉ đồng.

Trước đó, đơn vị này cũng phát thông báo mời sơ tuyển NĐT thực hiện dự án Khu dân cư phía Tây Nam đường vành đai Đông Tây thuộc qui hoạch khu vực Đông Ga đường sắt cao tốc Bắc Nam TP Thanh Hóa. Tổng diện tích thực hiện dự án là 48,9 ha; tổng vốn đầu tư 3.362 tỉ đồng.

Tại Lào Cai, phòng quản lí đô thị TP Lào Cai vừa có thông báo mời sơ tuyển NĐT cho hai KĐT hơn 4.400 tỉ đồng. Theo đó,dự án KĐT mới Bắc Cường 1 có diện tích khoảng 47,7 ha; tổng mức đầu tư dự kiến là 3.046 tỉ đồng. Dự ấn KĐT mới Bắc Cường 2 có diện tích 48,3 ha; tổng mức đầu tư dự kiến là 1.410 tỉ đồng.

Ngoài ra, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ vừa có thông báo mời sơ tuyển dự án Khu dân cư mới phía Tây Nam thị trấn Đoan Hùng. Diện tích sử dụng đất cho dự án khoảng 27,3 ha; tổng vốn đầu tư hơn 1.450 tỉ đồng.

Tại miền Trung, Sở Xây dựng Hà Tĩnh vừa tổ chức lễ mở thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án KĐT Hàm Nghi với tổng mức đầu tư gần 23.546 tỉ đồng (tương đương khoảng 1 tỉ USD) và tổng diện tích 136,8 ha.

Tại thời điểm đóng thầu, có hai nhà đầu tư tham gia nộp hồ sơ là Công ty Cổ phần Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup) và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và Phát triển thương mại Việt An.

Mới đây, Ban Quản lí Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thông báo mời sơ tuyển NĐT thực hiện dự án KĐT phía Nam sông Như Ý, thuộc Khu E - Đô thị mới An Vân Dương. Diện tích đất thực hiện dự án là 48,82 ha; tổng vốn đầu tư gần 4.200 tỉ đồng.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng vừa có quyết định về việc phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2020 và kêu gọi nhà đầu tư thực hiện 3 dự án (KĐT Hadaland Bảo Ninh Green City, tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà ở Đồng Hới, KĐT Eurowindow Grand City) với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng.

Tại miền Nam, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đang phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đấu thầu Dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu. Dự án có qui mô 69,46 ha và tổng vốn đầu tư 4.620 tỉ đồng.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng đề xuất đầu tư dự án Trung tâm thương mại và cao ốc căn hộ cao cấp Vincom tại Phường Hòa Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, Vingroup đề xuất đầu tư dự án gần 1,7 ha thành khu phức hợp thương mại, căn hộ cao cấp. Tại khu đất này, doanh nghiệp sẽ xây dựng 2 block chung cư cao khoảng 40 tầng, dân số khoảng 3.200 người.

"Miền đất hứa" cho nhiều DN địa ốc

Sở hữu những ưu thế lớn như quĩ đất rộng, hạ tầng giao thông hoàn thiện, nhu cầu phát triển cao, nhiều tỉnh lẻ đang trở thành “miếng bánh ngon” cho nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, các tỉnh giáp ranh hay vùng ven Hà Nội và TP HCM hiện nay đang chứng kiến tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh. Điều đó thể hiện ở sự đầu tư mạnh mẽ của các tỉnh vào hạ tầng, các khu đô thị, khu công nghiệp,... 

Chính vì vậy xu hướng dịch chuyển dòng tiền về các tỉnh lân cận của các doanh nghiệp BĐS như là một xu thế tất yếu để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, phát triển hạ tầng và dịch chuyển lao động. Bên cạnh đó, các DN cũng thấy được sự tiếp đón "nồng hậu" hơn của địa phương.

Thực tế, thời gian vừa qua, liên tiếp nhiều "ông lớn" trên thị trường địa ốc đã công bố kế hoạch kéo quân về tỉnh lẻ.

Đơn cử, Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) cho biết, năm 2020 sẽ đẩy mạnh phát triển BĐS khu công nghiệp tại các thành phố lớn, có hạ tầng tốt như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh. Thời gian gần đây, doanh nghiệp này cũng liên tiếp đề xuất đầu tư các dự án lớn tại các tỉnh như Quảng Ninh, Hưng Yên, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa,...

Tập đoàn FLC (Mã: FLC) cho biết năm 2020 sẽ tập trung triển khai các dự án thương mại bất động sản trọng điểm tại các tỉnh, thành phố như Lào Cai, Hạ Long, Sầm Sơn, Kon Tum, Sa Đéc, Quy Nhơn.

Lấn sân vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng được một thời gian, FLC liên tục triển khai hàng loạt quần thể nghỉ dưỡng qui mô lớn tại các một số địa phương có tiềm năng du lịch như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quy Nhơn (Bình Định), Hạ Long (Quảng Ninh), Quảng Bình, Quảng Ngãi,…

Với CEO Group (Mã: CEO), những năm gần đây, doanh nghiệp này đang dồn lực đầu tư nhiều dự án lớn tại Phú Quốc, Vân Đồn và gặt hái được khá thành công nhờ mảng này.

Hiện nay, CEO Group đã đưa vào sử dụng nhiều dự án lớn tại Phú Quốc như Dự án Best Western Premier Sonasea Phu Quoc, khu nghỉ dưỡng Novotel Phu Quoc Resort và khu biệt thự nghỉ dưỡng Novotel Villas. Tại Vân Đồn, CEO Group đang sở hữu hai dự án là tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City và khu tổ hợp du lịch SonaSea Dragon.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã kí quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển đầu tư dự án Khu dịch vụ - Du lịch Gio Hải có tổng mức đầu tư gần 1.700 tỉ đồng.

T&T Group cũng đã đề xuất đầu tư các dự án lớn khác như: Khu đô thị phía Đông thành phố Đông Hà qui mô 45,3 ha; dự án Khu du lịch - dịch vụ Triệu Vân, huyện Triệu Phong qui mô 250 ha.

Ngoài Quảng Trị, thời gian vừa qua, doanh nghiệp của Bầu Hiển cũng đề xuất đầu tư hàng loạt dự án bất động sản tại Hưng Yên, Hoà Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại khu vực phía Nam, Tập đoàn Novaland (Mã: NVL) đang có kế hoạch hướng đến việc phát triển dự án BĐS nghỉ dưỡng ở những tỉnh ven biển như Khánh Hòa, Bình Thuận Cần Thơ.

Hiện nay, nhiều quĩ đất lớn tại các thành phố phát triển về du lịch như Phan Thiết, Cam Ranh, Vũng Tàu, Cần Thơ...đã nằm trong danh mục đầu tư của Novaland. Các khu nghỉ dưỡng của tập đoàn này cũng bắt đầu xuất hiện ở Cần Thơ, Mũi Né...

Năm 2020, CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) cho biết sẽ mở rộng qui mô dự án đô thị ra các vùng kinh tế trọng điểm thông qua các hoạt động M&A, tìm kiếm quĩ đất mới, mục tiêu mỗi năm tăng ít nhất 10 - 20 ha.

Hiện tại, Nam Long đang sở hữu quĩ đất 681 ha để phát triển khu đô thị, bao gồm: Waterpoint 355 ha, Mizuki 36 ha, Waterfront 170 ha, Nam Long - Đại Phước 45 ha, Nam Long - Hải Phòng 21 ha…

Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, Mã: TDH) cho biết, năm 2020, doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy nhanh các thủ tục pháp lí để triển khai và khởi công các dự án mới.

Doanh nghiệp cũng tiếp tục duy trì việc tìm kiếm những dự án để mở rộng thêm quĩ đất, tập trung vào Hà Nội, TP HCM và những tỉnh thành lớn, những đô thị vệ tinh đang phát triển nhanh như Bình Dương, Cần Thơ, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai,…

Hà Lê