ĐHĐCĐ Viettel Global: Lên UPCoM vào tháng 7/2018, chuyển mô hình hoạt động sang holding
Viettel Global tiếp tục lỗ 481 tỷ năm 2017, nâng tổng lỗ lũy kế lên 3.452 tỷ | |
Viettel Global chịu thuế suất cao nhất 14% khi chuyển lợi nhuận về nước |
Sẽ lên UPCoM vào tháng 7/2018
Sáng ngày 15/6, CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – Mã: VTG) tiến hành tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2018.
Năm 2017, Viettel Global đạt doanh thu 30.000 tỷ đồng (gần 1,4 tỷ USD), tăng trưởng hơn 33% so với năm 2016. Hiện, Viettel Global là công ty duy nhất của Việt Nam có doanh thu nước ngoài vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Trong năm, công ty tập trung nguồn lực vào các thị trường mới đi vào hoạt động như Tanzania và Myanmar, trong hoàn cảnh thị trường viễn thông thế giới đã đi vào giai đoạn bão hòa. Tốc độ tăng trưởng doanh thu viễn thông bình quân trên thế giới chỉ 4% và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 1,6%.
Tuy vậy, công ty chưa thể thực hiện kế hoạch đưa cổ phiếu VTG giao dịch trên UPCoM. Theo đánh giá của HĐQT, năm 2017 hoạt động của Viettel Global có nhiều khởi sắc, doanh thu tăng trưởng và bám sát kế hoạch. Do đó việc đăng ký giao dịch khi đã có báo cáo tài chính năm 2017 sẽ thuận lợi cho việc định giá cổ phiếu.
HĐQT sẽ thực hiện hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM ngay sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 thông qua BCTC năm 2017. Dự kiến giao dịch chính thức trên UPCoM vào tháng 7/2018.
Năm 2017, Viettel Global không thực hiện chia cổ tức. Nguyên nhân được cho biết, theo luật doanh nghiệp, công ty chỉ được phép thực hiện chi trả cổ tức khi đã hoàn thành hết nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó… Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất tính đến hết năm 2017 vẫn là – 3.452 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông Viettel Global năm 2018 |
Chuyển dịch sang mô hình holding, thuê Viettel Telecom vận hành
Năm 2018, công ty sẽ tập trung vào phát triển thuê bao mới, thuê bao tích hợp các giá trị gia tăng, dịch vụ thanh toán điện tử, mục tiêu thuê bao lũy kế tính đến hết năm 2018 tăng trưởng 15% so với năm 2017. Dồn nguồn lực cho các thị trường mới, đặc biệt kỳ vọng cao vào thị trường Myanmar với 60 triệu dân. Trước đó ngày 9/6, Viettel Global đã chính thức thực hiện cuộc gọi đầu tiên tại thị trường này sau một năm được cấp phép.
Cũng kể từ năm 2018, lãnh đạo Viettel Global cho biết sẽ tập trung nguồn lực kinh doanh về châu Á, do đây là thị trường có thể đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao hơn, đồng thời về văn hóa tiêu dùng cũng gần nhau hơn.
Định hướng của Viettel Global là chuyển hướng hoạt động theo mô hình holding, công ty giữ vai trò chiến lược, tài chính, đảm bảo giám sát, quản lý hiệu quả đầu tư vào các thị trường.
Theo đó, Viettel Global sẽ thuê Tổng công ty Viễn thông (VTT) quản lý, vận hành các hoạt động kinh doanh tại các công ty thị trường nước ngoài.
Về kế hoạch tài chính, tiếp tục duy trì doan thu tăng trưởng và lợi nhuận hợp nhất dương, và tăng 84% so với năm 2017. Doanh thu từ các thị trường dư kiến tăng trưởng, Tazania tăng 71%, Burundi tăng 21%, Lào tăng 13,5%, Campuchia tăng gần 9%...
Việc thị trường Myanmar mới đi vào hoạt động từ giữa năm, khấu hao còn lớn, do đó lãnh đạo VTG cho biết, để đạt được kế hoạch lợi nhuận hợp nhất dương trong năm nay với công ty đã là một thành công. Thị trường Myanmar sẽ đặt mục tiêu có lãi sau từ 2 – 2,5 năm so với trung bình yêu cầu các thị trường khác là 3 năm.
Phát hành 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược - Tập đoàn Viettel
Với mục tiêu phát triển tại 9 thị trường, quy mô dân số 210 triệu dân, tổng mức đầu tư theo tính toán là khoảng 3,78 tỷ USD. Để đảm bảo quy mô vốn đầu tư, công ty phải tự thu xếp khoảng trên 3 tỷ USD, còn lại sẽ đi huy động từ các nguồn thương mại.
Theo tính toán, nhu vầu vốn tự có của Viettel Global phải đảm bảo 1,81 tỷ USD, tương đương 40.560 tỷ đồng (chiếm 60% tổng vốn phải thu xếp).
Tính đến hết năm 2017, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty là 32.411 tỷ đồng, trong đó 8.762 tỷ đồng là lợi nhuận chưa phân phối. Do đó Viettel Global cần bổ sung thêm 8.149 tỷ đồng.
Do chưa đủ điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu (lợi nhuận hợp nhất trong BCTC năm 2017 âm 481 tỷ đồng), công ty trình lên đại hội phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, số cổ phần dự kiến phát hành thêm là 800 triệu, tăng vốn điều lệ lên tối đa 30.440 tỷ đồng. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Danh sách thực hiện chào bán hiện tại chỉ có duy nhất Tập đoàn Viettel, là công ty mẹ nắm 98% vốn cổ phần VTG. Nếu đợt phát hành này thành công, Viettel sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 99%, mức gần như tuyệt đối, tuy nhiên vẫn sẽ đảm bảo điều kiện để giao dịch cổ phiếu đại chúng trên UPCoM.
Về kế hoạch thoái vốn, theo kế hoạch tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Viettel vẫn sẽ giữ tỷ lệ sở hữu tại VTG ở mức 99% cho đến hết năm 2022, sau đó thoái vốn xuống còn trên 65%.
Đây là kế hoạch được ban lãnh đạo công ty đánh giá là hợp lý khi nguồn thu từ các thị trường vào giai đoạn này đã đi vào ổn định, do đó phản ánh đúng nhất giá trị của Viettel Global.
Đại hội năm nay thông qua việc bầu 7 thành viên vào HĐQT, và 3 thành viên vào ban kiểm soát, trong đó ông Lê Đăng Dũng tiếp tục giữ chức Chủ tịch.