|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ PV Trans: Chờ đợi ký hợp đồng dài hạn với Lọc hóa dầu Nghi Sơn, thu xếp vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn

14:23 | 05/03/2019
Chia sẻ
Theo Tổng giám đốc PV Trans, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào hoạt động chính thức nhưng chưa ổn định. Dự kiến vào cuối 2019, PV Trans sẽ tham gia đấu thầu để ký hợp đồng dài hạn với liên doanh hóa dầu Nghi Sơn.

Kế hoạch vận chuyển tối thiểu 25% sản lượng dầu cho nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans - mã: PVT) sáng 5/3, ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc công ty cho biết, năm 2019, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động chính thức. Tuy nhiên do là năm đầu tiên hoạt động nên dự kiến hoạt động chưa ổn định, có kế hoạch bảo dưỡng 50 ngày.

Ngoài ra việc hoạt động của hai nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn và Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ có tác động thị trường phân phối sản phẩm dầu và gián tiếp tác động đến thị trường vận tải.

Theo ông Việt Anh, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án trọng điểm mà PV Trans kỳ vọng có thể phát triển dịch vụ vận chuyển của mình đặc biệt là vận tải dầu thô. Do đó, công ty dự kiến tham gia vận chuyển tối thiểu 25% sản lượng dầu sản phẩm cho nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.

"Chúng tôi làm việc rất sát với liên doanh Nghi Sơn, dù chưa có hợp đồng dài hạn nhưng PV Trans đã trúng thầu hợp đồng ngắn hạn, chiếm khoảng 30% sản lượng với 66 chuyến tàu. Cuối năm 2019, PV Trans sẽ tham gia đấu thầu để ký hợp đồng dài hạn với liên doanh hóa dầu Nghi Sơn, mang lại lợi nhuận lớn cho công ty", Tổng giám đốc PV Trans nói.

Bên cạnh đó, ông Việt Anh cho biết, các dự án điện than chậm tiến độ đưa vào hoạt động sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư và hiệu quả khai thác đội tàu của PV Trans. Hiện đội tàu của PV Trans ngày càng cũ và chi phí phát sinh nhiều, do đó cần cơ cấu lại đội tàu và đa dạng các size tàu nâng cao năng lực cạnh tranh giữ vững thị phần trong nước.

Việc vận hành, PV Trans cho biết, vấn đề khai thác FSO PVN Đại Hùng Queen tại mỏ Đại Hùng dự kiến sẽ phải tạm dừng để bảo dưỡng giàn Đại Hùng trong vòng 3 tháng đầu năm 2019.

ĐHĐCĐ PV Trans: Chờ đợi ký hợp đồng dài hạn với Lọc hóa dầu Nghi Sơn, thu xếp vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của PV Trans sáng 5/3. (ảnh: MA)

Thu xếp vốn đầu tư của PV Trans hiện gặp nhiều khó khăn

Tại đại hội lần này, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2019 vơi tổng doanh thu 5.500 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỉ đồng, giảm mạnh so với thực hiện năm 2018.

Về đầu tư, PV Trans dự kiến đầu tư thêm một tàu chở dầu và một tàu chở hàng rời. Đồng thời, công ty sẽ góp vốn 107 tỉ đồng vào Công ty Phương Đông Việt, 102 tỉ đồng vào Công ty Nhật Việt. 

Ngoài ra, PV Trans sẽ mua thêm một tàu vận chuyển dầu thô cỡ VLCC phục vụ vận chuyển dầu thô cho NSRP và một tàu vận chuyển dầu thô cỡ Aframax,… Tổng vốn đầu tư dự kiến là 5.887 tỉ đồng.

Nói về mảng vận tải dầu, ban giám đốc PV Trans cho biết, hiện cạnh tranh vận tải dầu của Việt Nam hiện rất cao. Với các hợp đồng lớn thì đòi hỏi các công ty phải có tiềm lực và năng lực lớn để bao tiêu, các công ty nhỏ lỏ không làm được.

Công ty đang sở hữu 9 tàu vận tải dầu, 7 con quốc tế và 2 trong nước. PV Trans dự kiến tăng cường vận tải hóa chất để nâng cao biên lợi nhuận thời gian tới.

Ngoài ra,  PV Trans sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Gas Shipping từ 68% xuống 51%. Ông Việt Anh cho hay, Gas Shipping có lợi thế riêng và hiệu quả hoạt động khá tốt. Trong chiến lược chung, việc giảm tỷ lệ có thể là tăng vốn để tạo thặng dư vốn và hút dòng tiền để năng lực đầu tư của công ty con tăng lên, phát triển cao hơn.

Việc thu xếp vốn đầu tư của PV Trans hiện gặp nhiều khó khăn, hạn mức cho vay hạn chế. Do đó vấn đề đa dạng hóa nguồn vốn rất quan trọng với công ty, giúp đơn vị thành viên có vốn và phát triển bền vững.

Đến 2020 PVN sẽ thoái vốn tại PV Trans xuống 36% 

Liên quan đến lộ trình thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại PV Trans, ông Việt Anh cho biết, đến 2020 PVN dự kiến thoái vốn từ 51% xuống 36%. Ông kỳ vọng việc thoái vốn sẽ diễn ra đúng theo tiến trình. Phương thức mong muốn của PV Trans là bán cho cổ đông chiến lược hoặc tổ chức lớn, có cùng quan điểm dài hạn.

Hiện nay đã có một số quỹ đầu tư và tổ chức đến đàm phán nhưng chưa có kết quả. Trường hợp xấu nhất có thể bán trên sàn. PV Trans cũng ưu tiên phương án tăng vốn điều lệ để giảm vốn sở hữu của PVN hơn là bán vốn trực tiếp.

Khi giảm vốn Nhà nước thì cơ chế kiếm soát của Nhà nước sẽ giảm xuống. PVN đã từng yêu cầu PV Trans thoát khỏi cơ chế xin cho và hiện mọi hợp đồng đều thông qua đấu thầu toàn bộ. Việc thoái vốn sẽ giúp công ty phát triển hơn rất nhiều.

Minh Anh