|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Masan Consumer: Tung 40 sản phẩm mới trong năm 2019, muốn lập lại trật tự ngành hàng chăm sóc cá nhân tại Việt Nam

15:00 | 24/04/2019
Chia sẻ
Chiều 24/4, ĐHĐCĐ thường niên diễn ra nhằm thông qua mục tiêu đạt 20.400 - 22.300 tỉ đồng doanh thu thuần; bên cạnh đó là phương án phát hành cổ phiếu thưởng tỉ và cổ phiếu ESOP; chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 45%

THẢO LUẬN:

Masan Comsumer có kế hoạch niêm yết trên HOSE không? 

Ông Danny Lê, Thành viên HĐQT Masan Consumer: Hiện tại Công ty chưa có ý định niêm yết.

Vì sao Masan Comsumer thay đổi hướng phát triển ngành hàng sản phẩm chăm sóc cá nhân từ năm 2019 sang năm 2020?

Do công ty đang tập trung phát triển mảng home-care. Để kinh doanh vào năm 2020, sẽ có rất nhiều thứ chuẩn bị từ bây giờ như chiến lược tài chính, mua, sản xuất, phân phối…

Nếu mọi việc thuận lợi, quý IV năm nay sẽ có chuyển biến của mảng này, còn không thì chờ đến đầu năm 2020.

Ngành hàng homecare công ty sẽ hợp tác phát triển ra sao?

Công ty sẽ tự làm 100% ngành hàng kinh doanh homecare này. Có thể nhờ các công ty nước ngoài gia công, nhưng nhãn hiệu là do Masan Comsumer sở hữu, trải đều khắp từ sản phẩm gia dụng đến sản phẩm chăm sóc cá nhân. 

Mục tiêu Masan Comsumer 5 năm tới trở thành công ty ngành hàng tiêu dùng lớn nhất tại Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, homecarre sẽ là ngành hàng chiến lược của công ty. Hiện ngành này không có nhiều bí quyết mà chủ yếu là ai làm trước thì người đó có lợi thế, Masan Comsumer luôn tìm cách để có sự vượt trội, hiểu người Việt nhiều hơn về suy nghĩ, hành động, con người…

Thị trường cà phê rang xay Việt Nam đang có vị thế ra sao trong khu vực và thế giới? 

Với nhận định cá nhân, tôi cho rằng cà phê rang xay Việt Nam đang có sự dịch chuyển, nhiều người chuyển sang dùng sản phẩm cao cấp hơn, trả nhiều tiền hơn cho 1 ly cà phê rang xay hơn trước đây. Đây cũng là yếu tố quan trọng để ngành cà phê rang xay Việt Nam tiến nhanh trong khu vực. Vài năm nữa, Việt Nam sẽ bắt kịp các quốc gia châu Á.

Công nghiệp cà phê rang xay ở Việt Nam rất hạn chế, làm sao để tăng xuất khẩu? 

Việt Nam hiện chưa xuất khẩu cà phê rang xay, chỉ mới phục vụ trong nước.

Công ty đánh giá thế nào về những sản phẩm mang nhãn hiệu của các siêu thị (private label)? 

Đây là xu hướng trên thé giới và là quyền của các siêu thị, họ đã làm thành công.

Masan Comsumer muốn mở rộng kinh doanh trên tinh thần công bằng ở tất cả kênh phân phối, không dùng kênh này lấn ác kênh kia, đảm bảo các kênh sẽ phục vụ những đối tượng khác nhau. Về private label, chúng tôi cho đó là quyền của các siêu thị, không có ý kiến bình luận.

Masan Comsumer có kế hoạch giảm các khoản phải thu cho vay dài hạn như thế nào?

Tới năm 2022 sẽ hoàn tất toán những khoản nay.

Giá vốn hàng bán của công ty bao những loại chi phí nào? 

Gồm chi phí nguyên vât liệu 50 - 60%; bao bì 30 - 40%; chi phí nhân công trực tiếp, điện, nước, khấu hao máy móc thiết bị khoảng 10%.

Muốn định hình lại ngành hàng chăm sóc cá nhân tại Việt Nam, mục tiêu chiếm 51% thị trường cà phê rang xay

Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Masan Comsumer, chia sẻ về kế hoạch phát triển đển 2023 của Masan Comsumer với doanh thu tăng trưởng hàng năm từ 20 - 25%.

ĐHĐCĐ Masan Consumer: Tung 40 sản phẩm mới trong năm 2019, muốn lập lại trật tự ngành hàng chăm sóc cá nhân tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Masan Consumer, chia sẻ về kế hoạch phát triển của Masan Comsumer tại ĐHĐCĐ thường niên 2019. (Ảnh: AD)

Trong đó năm 2019, công ty dự kiến hoàn thành toàn bộ sản phẩm gia vị, thực phẩm tiện lợi, đồ uống, thịt chế biến. Đến 2020 sẽ phát triển sản phẩm chăm sóc cá nhân, ngành hàng này đang được kiểm soát bởi các công ty nước ngoài. Ông Thắng đặt mục tiêu Masan Comsumer sẽ lập lại trật tự ngành hàng chăm sóc cá nhân tại Việt Nam.

Ngành đồ uống sẽ tung ra nhiều sản phẩm mới từ nay đến cuối năm 2019. Bên cạnh đó các ngành hàng khác cũng sẽ tung thêm từ 1 đến 4 sản phẩm mới mỗi quý. Có những sản phẩm sẽ tạo lợi nhuận trong 2019, có những sản phẩm tạo nền tảng cho việc phát triển trong 3 - 5 năm tới, ông Thắng cho hay.

ĐHĐCĐ Masan Consumer: Tung 40 sản phẩm mới trong năm 2019, muốn lập lại trật tự ngành hàng chăm sóc cá nhân tại Việt Nam - Ảnh 2.

(Ảnh: AD)

Tung 40 sản phẩm mới trong năm nay

Dự kiến năm nay Masan Consumer sẽ tung 40 sản phẩm mới, có 6 chiến dịch trọng điểm gồm phát triển các dòng sản phẩm nước tăng lực mới; gia tăng thị phần mì ăn liền ở phân khúc bình dân ở Việt Nam; phát triển dòng mì ăn liền thế hệ mới nhằm gia tăng thị phần phân khúc trung cấp trên toàn quốc; phát triển dòng sản phẩm thịt chế biến; phát triển dòng sản phẩm xúc xích đặc trưng phong cách, hương vị ẩm thực Việt; xây dựng mô hình kinh doanh và kế hoạch thâm nhập thành công thị trường cà phê rang xay.

ĐHĐCĐ Masan Consumer: Tung 40 sản phẩm mới trong năm 2019, muốn lập lại trật tự ngành hàng chăm sóc cá nhân tại Việt Nam - Ảnh 3.

(Ảnh: AD)

Mảng mì ăn liền tiếp tục đẩy mạnh phân khúc cao cấp, tăng tỷ lệ đóng góp của phân khúc cao cấp trong tổng doanh thu ngành hàng lên 45%; gia tăng thị phần phân khúc bình dân ở miền Nam bằng thương hiệu Kokomi.

Mảng gia vị, Masan Comsumer tiếp tục tung sản phẩm cao cấp, gia tăng tỷ lệ đóng góp vào tổng doanh thu lên 15%. đẩy mạnh dòng sản phẩm về dầu hào.

Mảng đồ uống mở rộng danh mục sản phẩm nước tăng lực lên 12% thị phần vào cuối năm 2019; tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối, tăng số lượng điểm bán hàng lên 200.000 điểm vào cuối năm 2019. Mục tiêu ngành hàng tăng trưởng 40 - 50% trong 5 năm tới.

Ông Thắng cũng cho biết thêm, thị trường cà phê rang xay Việt Nam đang được định hình theo kiểu mới, rang xay nguyên chất hơn, có nhãn hiệu, thương hiệu và giá trị cốc cà phê cũng cao hơn trước đây. Masan Comsumer đặt mục tiêu đạt 51% thị phần cà phê hòa tan trong 5 năm tới.

Ngành thịt chế biến với dòng sản phẩm hiện tại và mới, thúc đẩy kinh doanh nhãn hiệu Heo Cao Bồi. Mục tiêu đạt gấp đôi doanh thu so với năm 2018 và tỷ lệ tăng trưởng 75 - 100% trong vòng 5 năm tới.

Cổ tức 2018 và tạm ứng năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 45%

Năm 2019, Hội đồng Quản trị CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Comsumer - MCH) đặt mục tiêu doanh thu thuần 2019 đạt 20.400 - 22.300 tỉ đồng, tăng trưởng 20% đến 31% so với kết quả trong năm 2018.

Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ trong khoảng 4.050 - 4.200 tỉ đồng, tăng trưởng tương ứng 20 - 25%.

Đối với phương án phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên công ty (ESOP), tỷ lệ 0,5% với giá 70.000 đồng/cp. Số tiền thu về nhằm tăng vốn điều lệ, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo động lực cho người lao động.

Kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng tỉ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ được thưởng 15 cp) thực hiện trong năm 2019, sau khi phát hành cổ phần ESOP. Nguồn vốn phát hành lấy từ thặng dư vốn cổ phần của công ty.

Đối với việc chia cổ tức 2018 và tạm ứng cổ tức năm 2019, dự kiến thực hiện bằng tiền mặt với tỷ lệ 45% (4.500 đồng/cp). Thời gian thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết đại hội đồng cổ đông. Việc chia cổ tức có thể tiến hành bằng một hoặc nhiều đợt.

Tại đại hội năm nay, Masan Comsumer bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2019 - 2024, gồm:

Ông Trương Công Thắng (sinh năm 1973), hiện là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Masan Comsumer.

Ông Nguyễn Đăng Quang (sinh năm 1963), hiện là Thành viên HĐQT Masan Comsumer.

Bà Nguyễn Hoàng Yến (sinh năm 1963), hiện là Thành viên HĐQT và Phó TGĐ Masan Comsumer.

Ông Nguyễn Thiều Quang (sinh năm 1959), hiện là Thành viên HĐQT Masan Comsumer.

Ông Danny Le (sinh năm 1984), hiện là Thành viên HĐQT Masan Comsumer.

BKS gồm ông Nguyễn Quỳnh Lâm - hiện là Trưởng BKS Masan Comsumer, bà Đoàn Thị Mỹ Duyên và bà Đỗ Thị Hoàng Yến hiện đều là Thành viên BKS Masan Comsumer.

ĐHĐCĐ Masan Consumer: Tung 40 sản phẩm mới trong năm 2019, muốn lập lại trật tự ngành hàng chăm sóc cá nhân tại Việt Nam - Ảnh 4.

Lãnh đạo Masan Consumer nhiệm kỳ 2019 - 2024. (Ảnh: AD)

Ánh Dương