ĐHĐCĐ bất thường POW: 'Xác định giá trị thoái vốn tại PVM với lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp và cổ đông'
Sáng nay, ngày 22/12, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power, mã: POW) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2020 tại tầng 4, tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam số 167 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tại đại hội, cổ đông PV Power đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) đối với ông Nguyễn Hữu Quý do đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, đồng thời bầu ông Nguyễn Anh Tuấn thay thế vị trí trên.
Theo giới thiệu, ông Tuấn sinh năm 1974, tốt nghiệp kỹ sư tại Đại học Xây dựng Hà Nội năm 1997. Trước khi được bổ nhiệm, ông Tuấn là Trưởng ban Kinh tế Đầu tư kiêm trợ lý Tổng giám đốc tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ông Tuấn cũng từng đảm nhiệm chức vụ thành viên HĐQT PV GAS từ tháng 4/2018 đến tháng 4/2019.
Đại hội cũng thông qua việc bầu bổ sung bà Đoàn Thị Thu Hà giữ chức Kiểm soát viên PV Power nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bà Hà là tiến sĩ kinh tế. Trước khi tiếp nhận bổ nhiệm, bà là cán bộ Ban Kiểm soát nội bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Phần thảo luận:
Một trong những nội dung cổ đông quan tâm ngoài tờ trình tại đại hội là lộ trình thoái vốn tại CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí (PV Machino, mã: PVM), công ty con do PV Power sở hữu 51% vốn.
Theo chia sẻ của cổ đông, PV Machino được ví như con gà đẻ trứng vàng cho POW, sở hữu các liên doanh hàng năm đem về khoản lợi nhuận gần 100 tỷ đông.
Ngoài ra, PVM còn sở hữu nhiều bất động sản có giá trị như 1.827,69 m2 đất tại số 8 Tràng Thi - Hoàn Kiếm, Hà Nội; lô đất 23,6 ha tại Đông Anh, Hà Nội. Bên cạnh đó, PVM còn sở hữu 10% vốn góp tại dự án khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp – khu đô thị Nam An Khánh thuộc lô HH3 của dự án Nam An Khánh, huyện Hoài Đức.
Không chỉ PVM, công ty con của đơn vị này là Công ty Máy thiết bị dầu khí Đà Nẵng (Daesco) cũng sở hữu nhiều lô đất "vàng" tại Đà Nẵng. Theo đó, giá trị tiềm năng của các bất động sản của PV Machino và công ty thành viên có thể lên tới vài nghìn tỷ đồng, trong khi giá trị sổ sách ghi nhận hơn trăm tỷ đồng.
Trả lời thắc mắc của cổ đông, ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT cho biết đề án tái cơ cấu tại PVM đã được ĐHĐCĐ năm 2019 thông qua. Theo đó PV Machino thuộc diện thoái vốn trong giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên quá trình triển khai trong những năm trước gặp nhiều khó khăn xuất phát từ tâm lý muốn "chèo kéo", "níu lại" một số đơn vị thành viên của công ty.
Ông Kỳ khẳng định: "Đến nay, hội đồng thành viên đã có nghị quyết phê duyệt nếu chưa hoàn thành trong năm 2020 thì sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2021. Hiện chưa có tờ trình chính thức của tổng giám đốc lên HĐQT nhưng theo thông tin chúng tôi có được, lộ trình đang dừng ở bước định giá và thuê tư vấn."
Cũng theo ông Kỳ, dù hiện tại phương thức thoái vốn chưa được xác định nhưng các tổ chức tư vấn sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo quá trình định giá theo đúng quy định của pháp luật.
"Lợi thế của PVM đều sẽ được tính toán để xác định giá trị tối thiểu thoái vốn, trên tinh thần mang lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp cũng như lợi ích cao nhất cho các cổ đông", vị chủ tịch cho hay.
Liên quan đến kế hoạch huy động vốn cho dự án Nhơn Trạch 3 và 4, ông Kỳ cho biết đây là dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 32.600 tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD). ĐHĐCĐ năm 2019 đã thông qua cơ cấu vốn dự kiến với tỉ lệ vốn chủ sở hữu 25%, vốn vay 75%.
Tuy nhiên, theo đề xuất của tổng giám đốc, ban lãnh đạo POW quyết định thu xếp vốn cho dự án Nhơn Trạch 3 và 4 thông qua một ngân hàng đầu mối.
"Hiện chưa có phương án cuối cùng, tuy nhiên dự kiến tổng công ty sẽ tận dụng triệt để nguồn vốn vay tín dụng xuất khẩu hay còn gọi là tín dụng người mua, dự kiến 600 – 700 triệu USD, phần thứ hai vay thương mại của các ngân hàng nước ngoài bằng đồng USD.
Với nguồn huy động thứ ba, POW đang nỗ lực giải trình để vay từ Ngân hàng phát triển Việt Nam với lãi suất và thời hạn hợp lý, trong trường hợp không vay được sẽ vay VND từ các ngân hàng trong nước."