|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ Bảo Việt: Chốt chia cổ tức hơn 30% bằng tiền mặt, sẽ giảm tỷ lệ sở hữu của Bộ Tài Chính về 51%

10:40 | 30/06/2022
Chia sẻ
Thông tin từ đại hội cho biết Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 65% đến 2025, sau đó đến giai đoạn 2026-2030 sẽ xem xét giảm về 51%.

Chốt chia cổ tức hơn 30% bằng tiền mặt

Ngày 29/6, Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với nhiều kế hoạch quan trọng được trình và xin ý kiến cổ đông. 

Cụ thể, Tập đoàn đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.530 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.050 tỷ đồng, tăng 2,7% và 1,8% so với năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ (7.423 tỷ đồng) dự kiến là 14,1%. 

Đáng chú ý, Bảo Việt sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30,261%. Cụ thể, lợi nhuận chưa phân phối luỹ kế đến năm 2020 là hơn 1.561 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại của năm 2021 sau khi trích quỹ là hơn 684 tỷ đồng. Tổng cộng là hơn 2.246 tỷ đồng, Tập đoàn sẽ thực hiện chia hết cổ tức bằng tiền. 

Chia sẻ về chiến lược và lợi thế của Bảo hiểm Bảo Việt so với các đối thủ, Ban lãnh đạo cho biết Bảo hiểm Bảo Việt là một doanh nghiệp phi nhân thọ dẫn đầu thị trường. Trong những năm vừa qua, tập đoàn đã chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác trên thị trường. 

Tuy nhiên, ban lãnh đạo xác định Bảo hiểm Bảo Việt có một số ưu thế mà các đối thủ không có nhiều lợi thế cạnh trạnh so với công ty, trước hết là mạng lưới kinh doanh bao phủ rộng khắp tỉnh/thành đến tận phường, xã, quận, huyện.

Lợi thế thứ hai là về sản phẩm, với cơ sở dữ liệu lớn, Bảo Việt có thể đưa ra các sản phẩm mới một cách có hiệu quả và nhanh nhất. Lợi thế thứ ba là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm.

Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, ban lãnh đạo ước tính doanh thu hợp nhất là 26.300 tỷ đồng trên kế hoạch 52.400 tỷ đồng, tương đương 50,2% và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu công ty mẹ là 776 tỷ đồng trên kế hoạch 1.530 tỷ đồng, đạt 50,8% và tăng trưởng 4,5%.

Bảo hiểm Bảo Việt doanh thu 5.546 tỷ đồng trên 10.699 tỷ đồng kế hoạch (51,8%); Bảo Việt Nhân Thọ doanh thu đạt 19.900 tỷ đồng trên 40.190 tỷ đồng kế hoạch (49,5%), Công ty quản lý quỹ 68 tỷ đồng doanh thu trên 133 tỷ đồng kế hoạch (51,3%); BVI và BVSC có doanh thu lần lượt là 151 tỷ và 437 tỷ đồng.

Với kết quả doanh thu trên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng dự kiến là 805 tỷ đồng trên 1600 tỷ đồng kế hoạch (50,3%). Trong đó, công ty mẹ đạt 526 tỷ đồng, đạt 50,1% kế hoạch năm và tăng trưởng 1,9% so với cùng kỳ.

Bộ Tài Chính sẽ giảm tỷ lệ sở hữu về 51% 

Tại Đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về các giải pháp nâng cao vốn trong thời gian tới, ban lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt cho biết hiện nay, vốn điều lệ của Công ty mẹ BVH là 7.423 tỷ đồng, vốn chủ hữu trên 18.000 tỷ đồng và vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết là trên 14.000 tỷ đồng. Còn hơn 4.000 tỷ đồng sắp tới sẽ sử dụng để chi trả cổ tức (2.200 tỷ đồng) và còn lại 2.000 tỷ đồng vốn từ phát hành riêng lẻ.

Trước đó năm 2019, Bảo Việt đã phát hành riêng lẻ thu về 4.012 tỷ đồng, hiện tại Tập đoàn đã sử dụng để phát triển công nghệ thông tin và phát triển lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, vốn còn lại là 2.000 tỷ đồng.

"Như vậy có thể nói Tập đoàn hiện nay đang thiếu vốn. Năm 2015, Bảo Việt Nhân thọ luôn tự hào là có vốn lớn nhất thị trường bảo hiểm nhân thọ, tuy nhiên, đến nay Bảo Việt Nhân thọ chỉ xếp thứ 8 về vốn," ban lãnh đạo chia sẻ.

Trong giai đoạn 10 năm tới, nhu cầu vốn của Bảo Việt hết sức cấp thiết, lên đến 4.000-5.000 tỷ đồng. Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ban lãnh đạo cho biết từ nay đến năm 2025 sẽ xem xét, nghiên cứu và báo cáo cổ đông lớn về phương án cổ phần hóa nhằm kêu gọi thêm các cổ đông.

Bên cạnh đó, hiện nay, Bảo Việt là công ty cổ phần có vốn Nhà nước (Bộ Tài chính sở hữu 65%). Từ nay đến 2025, vốn Nhà nước vẫn sẽ giữ nguyên tỷ lệ 65%.

Đến giai đoạn 2026-2030, Bộ Tài Chính sẽ xem xét giảm tỷ lệ sở hữu từ 65% về 51%. Khi giảm như vậy, Bộ Tài chính sẽ sử dụng kết hợp nhiều phương án. Phương án thứ nhất là các cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ cho Bảo Việt và cổ đông Nhà nước sẽ nhượng quyền tăng vốn cho các cổ đông hiện hữu.

Phương án thứ hai là phát hành riêng lẻ cho các cổ đông muốn tham gia để tăng vốn cho Bảo Việt và Bộ Tài chính cùng cổ đông hiện hữu khác sẽ giữ nguyên tỷ lệ sở hữu để tăng thêm nhà đầu tư khác cho Tập đoàn như thương vụ phát hành riêng lẻ trong năm 2019.

Phương án thứ ba là vừa kết hợp cổ đông Nhà nước bán vốn vừa kết hợp phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ cho Bảo Việt. 

Về kế hoạch cổ phần hoá Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Việt Nhân Thọ dự kiến diễn ra vào giai đoạn 2026-2030 sau khi xin ý kiến các cổ đông lớn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Nga