|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dệt may với quá trình 'cắt bỏ' đau đớn

14:22 | 10/06/2017
Chia sẻ
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm bởi ngành này không chỉ giải quyết vấn đề lao động mà còn đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế.
det may voi qua trinh cat bo dau don
Ảnh minh họa.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017-2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững”, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, bản kế hoạch chưa đưa ra được các quá trình thực hiện cơ cấu ngành. Ví dụ, chúng ta đề ra mục tiêu năng suất lao động cải thiện 5%/năm nhưng kế hoạch hành động để đạt 5% bằng cách nào lại không có. Giả sử sau năm 2019 không đạt 5% thì quá trình thực hiện nằm ở đâu?

Trong khi kế hoạch và phương án chưa được kết nối với nhau thì phương án đưa ra trong kế hoạch cũng hoàn toàn không đề cập đến vấn đề có “siết” lại không, tức là có cơ cấu lại nhưng có xếp lại không? Có đóng cửa, xóa sổ không? Bởi cơ cấu lại cũng đồng nghĩa với việc cắt bỏ, “xóa sổ” hoặc đầu tư mới...

Với lĩnh vực dệt may, mỗi năm Trung Quốc yêu cầu đóng 100.000 cọc sợi. Nước này còn đưa ra tiêu chí máy sợi sản xuất trước năm 1990, đến năm 2015 dứt khoát không được chạy nữa. “Nếu không có giải pháp này, ngành sợi Trung Quốc chắc cũng không đạt hiệu quả tăng trưởng năng suất vì người sản xuất nói chung nếu thấy máy móc vẫn chạy được thì đều không thích đóng cửa”, ông Trường dẫn chứng để liên hệ với thực tế tại Việt Nam: “Trong kế hoạch của chúng ta gọi là cơ cấu lại nhưng lại cảm giác không dám cắt, gọt cái gì. Nếu không cắt, gọt thì không cơ cấu lại được”.

Nhìn lại ngành dệt may Việt Nam, theo vị này, quá trình phân tích, sắp xếp lại khá phức tạp bao gồm cả chiến lược đi lên, đầu tư, cắt bỏ “chứ không thể có cuộc cơ cấu sắp xếp lại mà không ai đau”. Do vậy, quá trình "cắt bỏ" trong ngành dệt may khá đau đớn.

Thêm nữa, nếu xác định là ngành XK lớn nhất ngoài việc cơ cấu lại phải tính đến xem cân đối vĩ mô muốn ngành dệt may chiếm tỷ trọng XK bao nhiêu, quy hoạch cho lao động cần bao nhiêu. Hiện quy hoạch có đưa ra quy mô ngành dệt may sẽ là 40-50 tỷ USD nhưng lại không quy hoạch về nguồn lực, muốn có 50 tỷ USD thì vấn đề đất đai sẽ thế nào, đường sá ra sao, lao động cần thế nào, chính sách đào tạo nguồn nhân lực. “Hiện nay, để đạt được quy mô 40-50 tỷ USD là DN dệt may phải tự bơi còn trong cân đối vĩ mô có chuẩn bị nhân lực cho ngành nhưng chỉ làm phần mục tiêu mà không chuẩn bị nguồn lực”, vị Phó chủ tịch Vitas khẳng định.

Một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi của ngành dệt may nữa đó là năng suất lao động. Với ngành dệt may, năng suất lao động có 3 khu vực sản xuất là sợi (năng suất lao động đứng thứ 5), vải dệt nhuộm (đứng thứ 5), may (đứng thứ 2). Lý do của tình trạng này không hẳn do quản lý tay nghề thấp, trình độ lao động thấp mà là do công nghệ. Do vậy, ông Trường cho rằng, khi muốn thay đổi năng suất lao động ngành dệt may thì việc thay đổi công nghệ thiệt bị là chính chứ không phải thay đổi quản lý, đào tạo con người. Nếu tập trung vào vấn đề quản lý, con người thì có nghĩa rằng chúng ta đi chệch hướng.

Từ thực tế của ngành dệt may, có thể thấy, việc cơ cấu lại ngành dệt may nói riêng, ngành công nghiệp Việt Nam nói chung cần phải có bao quát, nắm bắt được từng đặc thù của mỗi ngành, điểm nghẽn của từng ngành từ đó mới mong cơ cấu thành công. Đó cũng là lời gửi gắm của nhiều DN tới cơ quan hoạch định chính sách.

D. Anh