|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đề xuất thành lập quỹ phát triển mía đường

11:48 | 09/08/2017
Chia sẻ
Hiệp hội mía đường (VSSA) đã xây dựng đề án thành lập quỹ phát triển mía đường và gửi các cơ quan chức năng phê duyệt. Một trong các mục tiêu của quỹ này là giúp tái cơ cấu ngành mía đường theo hướng tăng hiệu quả và phát triển bền vững.
de xuat thanh lap quy phat trien mia duong
VSSA đã xây dựng đề án thành lập quỹ phát triển mía đường với mục đích giúp ngành này phát triển bền vững - Ảnh: TL

Theo Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, đến năm 2020 sẽ ổn định diện tích mía nguyên liệu ở mức 300.000 héc ta, sản xuất 2 triệu tấn đường và định hướng đến năm 2030 sản xuất khoảng 2,6 triệu tấn đường.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành mía đường phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất nguyên liệu đến sản phẩm đường và sau đường, cạnh đường.

Đối với sản xuất nguyên liệu mía phải đổi mới, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ theo hướng cơ giới hoá, hiện địa hoá, công nghệ cao từ khâu giống, làm đất, gieo trồng, bón phân, tưới, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển. Mục đích là đạt năng suất mía bình quân trên 70 tấn/héc ta, năng suất đường 7 tấn/héc ta, chữ đường 10 CCS, chi phí sản xuất dưới 500.000 đồng/tấn mía nguyên liệu, để người trồng mía có lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/héc ta.

Đối với các nhà máy phải cơ cấu sản phẩm đường theo hướng tăng tỷ trọng đường thô, giảm và tiến tới không sản xuất đường trắng, thay vào đó là đường tinh luyện; đồng thời đẩy mạnh đầu tư sản xuất sản phẩm sau đường, cạnh đường như điện đồng phát từ bã mía, rượu, cồn, ethanol sinh học từ mật rỉ và mía, phân bón vi sinh từ bã bùn, nước giải khát... để giá đường sản xuất ra đạt dưới 10.500 đồng/kg.

Nhưng để làm được điều này, theo ông Hà Hữu Phái, Trưởng đại diện VSSA tại Hà Nội, chuyên gia về ngành mía đường, sẽ cần vốn rất lớn, lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng. Do đó, cần phải thành lập quỹ phát triển mía đường trên cơ sở tự nguyện của người trồng mía, nhà máy và sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước. Đây cũng là kinh nghiệm đã được thực hiện tại Thái Lan, Phillipines….

Ông Phái cho biết, nguồn kinh phí của quỹ sẽ từ đóng góp của người trồng mía và được ủy thác qua doanh nghiệp sản xuất đường khi thanh toán mua mía cho người trồng mía, đóng góp của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đường, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và nhiều nguồn đống góp khác.

Đây không phải là ngành duy nhất đề xuất thành lập quỹ phát triển hỗ trợ ngành. Trước đó, các hiệp hội đã đề nghị thành lập quỹ phát triển ngành hàng như quỹ phát triển cá tra, quỹ phát triển cà phê...

Thùy Dung