|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất tạo gói vay dành riêng cho nhà bán lẻ nhỏ và vừa

12:24 | 09/10/2016
Chia sẻ
Khuyến khích các tổ chức tài chính tạo gói vay dành cho doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ hoặc cơ sở kinh doanh cá thể là một trong 7 đề xuất nhằm hỗ trợ phát triển ngành bán lẻ.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nêu 7 đề xuất phát triển ngành bán lẻ tại Hội thảo được tổ chức mới đây có chủ đề “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa – Trường hợp của Ngành chế biến xuất khẩu Gỗ và Ngành Bán lẻ”.

de xuat tao goi vay danh rieng cho nha ban le nho va vua

Bà Đinh Thị Mỹ Loan: "Những đề xuất liên quan đến vấn đề hỗ trợ nguồn hàng, tài chính, lao động và hỗ trợ cạnh tranh với doanh nghiệp FDI".

(Nguồn: Linh Lê)

Xuất phát từ thực tế việc tiếp cận nguồn vốn và chi phí vay vốn là khó khăn chung của nhiều ngành kinh tế, trong đó có cả ngành bán lẻ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ đã đưa ra những giải pháp liên quan tới việc tiếp cận nguồn vốn giá hợp lý.

“Nhà nước có thể dùng nguồn xúc tiến thương mại hỗ trợ tổ chức diễn đàn trao đổi giữa ngành bán lẻ và tổ chức tài chính. Đây là cơ sở để thiết kế các gói vay phù hợp, cải thiện quy trình thủ tục cho vay phù hợp với quy mô của các chủ thể bán lẻ”, bà Loan gợi ý.

Bên cạnh đó, theo bà Loan, Nhà nước cần có biện pháp ưu đãi khác nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính có gói vay riêng dành cho doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ hoặc các cơ sở kinh doanh cá thể. “Nếu ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ, vừa hoặc cơ sở kinh doanh cá thể vay đạt một tỉ lệ dư nợ nhất định thì sẽ được hưởng ưu đãi”, bà Loan nói.

Đồng thời, tận dụng các cơ chế hỗ trợ tài chính được thiết kế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (trong Dự Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa), Nhà nước cần hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp để tạo ra cơ chế bảo lãnh tín dụng, tiếp cận các quỹ tài chính.

Ngoài ra, 6 đề xuất còn lại cũng được bà Loan phân tích trong hội thảo, đó là (1) Thúc đẩy hình thành trung tâm giao dịch kết nối các nhà bán lẻ với nhà sản xuất; (2) Tăng cường kiểm soát nhà nước về chất lượng hàng hóa; (3) Ưu đãi đầu tư đối với ngành bán lẻ; (4) Cải cách về cơ chế thu thuế đối với doanh nghiệp bán lẻ; (5) Khuyến khích đào tạo lao động ngành bán lẻ; (6) Thực thi chặt chẽ các cam kết mở cửa thị trường bán lẻ.

Thúc đẩy hình thành trung tâm giao dịch kết nối các nhà bán lẻ với nhà sản xuất là đề xuất được các chuyên gia đánh giá cao nhất. Đề xuất này có thể hiện thực hóa qua nhiều giải pháp: Bổ sung quy hoạch phát triển thương mại tỉnh, vùng để dành một quỹ đất hợp lý; Hỗ trợ tài chính để xây dựng Cổng thông tin kết nối nhà sản xuất – bán lẻ và xây dựng cơ chế mua theo nhóm cho các nhà bán lẻ thành viên…

Về việc tăng cường kiểm soát nhà nước về chất lượng hàng hóa, đây là một đề xuất nhằm cải thiện nguồn hàng. Tuy nhiên, giải pháp này thuộc chức năng quản lý nhà nước chứ không phải là một chính sách hỗ trợ.

Vấn đề thực thi chặt chẽ các cam kết mở cửa thị trường bán lẻ nhằm đảm bảo hiệu quả thực tế của các biện pháp bảo lưu trong mở cửa thị trường bán lẻ. Trong số các cam kết quốc tế, biện pháp kiểm tra nhu cầu kinh tế đối với cơ sở bán lẻ FDI ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất (ENT) đặc biệt được coi trọng.

Linh Lê