Đề xuất nhiều cơ chế ưu đãi cho điện mặt trời mái nhà
Miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất, khi đầu tư phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà, các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi... Cơ chế này cũng không giới hạn về quy mô công suất lắp đặt.
Tuy nhiên, hệ thống phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành. Dự thảo cũng nêu rõ, để thực hiện các cơ chế khuyến khích trên, các bộ, ngành và địa phương có nghiên cứu, hướng dẫn để đơn giản hóa các thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, yêu cầu về an toàn điện với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm lãi suất cho vay; hoặc thiết kế một gói vay lãi suất ưu đãi, ưu tiên cho khu vực miền Bắc; Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở; nghiên cứu miễn giảm các loại thuế, phí.
Nêu ra định nghĩa điện mặt trời mái nhà
Để dễ dàng hơn trong việc áp dụng, dự thảo cũng đã định nghĩa cụ thể như thế nào là điện mặt trời mái nhà. Cụ thể: "Hệ thống điện mặt trời mái nhà" là hệ thống có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái của nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp. Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích chính để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
Công sở là trụ sở làm việc của cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập. Trụ sở của doanh nghiệp là văn phòng làm việc của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện không bao gồm các trụ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại.
Quy định rõ trách nhiệm các cấp
Dự thảo quyết định cũng nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Bộ Công Thương có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát thực hiện quyết định này; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở chính của doanh nghiệp, trụ sở hộ kinh doanh; hướng dẫn các yêu cầu về an toàn điện đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các biện pháp giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà hoặc thiết kế một gói cho vay lãi suất ưu đãi đối với các hệ thống này, ưu tiên bố trí trước cho khu vực miền Bắc.
Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở, ưu tiên bố trí trước cho khu vực miền Bắc; chủ trì nghiên cứu bổ sung quy định miễn, giảm các loại thuế, phí đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn đơn giản hoá các thủ tục cấp, miễn giấy phép xây dựng, thẩm định an toàn công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Bộ Công an nghiên cứu, hướng dẫn đơn giản hoá các thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xử lý vật tư, thiết bị, chất thải phát sinh của các hệ thống điện mặt trời mái nhà trong quá trình xây dựng, vận hành và khi kết thúc.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thực hiện phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà tại địa phương theo thẩm quyền; thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hoạt động liên quan đến an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ của hệ thống điện mặt trời mái nhà tại địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp hoặc giao cơ quan chuyên môn tiếp nhận thông tin công suất của hệ thống điện mặt trời mái nhà do tổ chức, cá nhân cung cấp.
Báo cáo Bộ Công Thương về tình hình phát triển các hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn trước ngày 25/6 và 25/12 hằng năm.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng chương trình vận động, tuyên truyền đến người dân, các cơ quan công sở lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà cho mục đích tự sử dụng; phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát vận hành của hệ thống điện mặt trời mái nhà bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện.
Tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà có trách nhiệm bảo đảm tuân thủ các quy định về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ của hệ thống điện mặt trời mái nhà theo quy định của pháp luật hiện hành; cung cấp thông tin công suất của hệ thống điện mặt trời mái nhà cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan chuyên môn được giao trước khi lắp đặt.
Theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo khá dồi dào và đa dạng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối… Trong đó, khu vực miền Trung và miền Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời mái nhà với độ bức xạ đạt từ 4,2 đến 4,8 kWh/m2/ngày.
Điện mặt trời trên mái nhà tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, thời gian phát chủ yếu vào ban ngày sẽ làm giảm áp lực về phụ tải lưới điện và giảm gánh nặng về đầu tư hệ thống. Không những thế, việc phát triển điện mặt trời mái nhà còn giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm, giảm giá mua điện bậc cao.
Việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện.