Đề xuất điện một giá gần 3.000 đồng/kWh đang gây tranh cãi: Bộ Công Thương nói gì?
Người dân lo ngại điện một giá sẽ làm tăng tiền điện
Cách tính điện một giá mới được Bộ Công Thương đề xuất trong dự thảo về giá bán lẻ điện đang là vấn đề được nhiều người tranh luận hiện nay. Cụ thể, theo phương thức này giá bán điện sẽ bằng 145 -155% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương khoảng 2.704 - 2.890 đồng/kWh, chưa VAT (với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh).
Ngay lập tức đã có nhiều tranh luận trái chiều, chị N. (quận 12, TP HCM) đặt ra thắc mắc rằng: "Nếu đã là một giá điện thì phải gần với giá bán điện bình quân vì thực chất đây đã là mức giá gồm chi phí, lợi nhuận cho ngành điện. Mức điện một giá bằng 145 - 155% giá bán lẻ điện bình quân là rất cao. Tiền điện đóng hàng tháng còn cao hơn phương án giá điện bậc thang. Tính ra chẳng thay đổi được gì so với trước đây".
Chia sẻ cụ thể hơn, anh Nguyễn V. P. (Quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết, do gia đình chỉ có hai vợ chồng và một con nhỏ nên nhu cầu sử dụng điện không nhiều.
Trung bình mỗi tháng nhà anh Tuấn dùng hết khoảng hơn 200 kWh, tương đương số tiền hơn 400.000 đồng. Nếu chuyển sang dùng điện một giá, tiền điện gia đình anh Tuấn phải trả sẽ phải tới hơn 500.000 đồng. Số tiền này đều cao hơn mức sử dụng theo biểu giá luỹ tiến bậc thang hiện tại.
Theo anh Tuấn, biểu giá luỹ tiến hiện tại tuy có lúc khiến giá điện tăng vọt nhưng chỉ tập trung vào những tháng nắng nóng cao điểm mùa hè, trong khi giá điện một giá lại khiến người dùng lúc nào cũng phải trả giá cao hơn.
Vì sao Bộ Công Thương đề xuất phương án điện một giá?
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và đưa ra phương án một giá áp dụng cho tất cả các khách hàng sử dụng điện. Phương án này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, khắc phục được một số nhược điểm của cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bậc thang hiện hành.
Tuy nhiên nếu thực hiện phương án này thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh với số lượng là khoảng trên 18,7 triệu khách hàng chiếm tỉ lệ xấp xỉ 75% tổng số khách hàng hiện nay sẽ phải trả tiền điện thêm từ 19.000 - 39.000 đồng.
Ngoài ra số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội cũng phải tăng từ khoảng trên 1.000 tỉ đồng/năm lên 1.240 tỉ đồng/năm do giá điện cao hơn bậc 1 hiện hành. Đồng thời việc áp dụng giá điện một giá cho tất cả các đối tượng khách hàng sẽ không khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.
Do đó, trong dự thảo quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Bộ Công Thương đã đề xuất hai phương án. Trong đó, phương án 1 là áp dụng biểu giá 5 bậc thang. Phương án 2 là khách hàng áp dụng biểu giá 5 bậc thang hoặc lựa chọn áp dụng biểu giá một giá.
"Phương án 2 vẫn duy trì được các ưu điểm của phương án 1 như khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội không thay đổi.
Các phương án đưa ra đều có giá điện 4 bậc đầu giống nhau. Do vậy dù phương án nào được áp dụng thì các khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 700kWh (hiện chiếm trên 98% tổng số khách hàng) đều có chi phí tiền điện bằng nhau", Cục Điều tiết điện lực cho hay.
Trong đó, các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh (97,36% tổng số khách hàng) chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng), ngoại trừ các khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 kWh thì số tiền điện phải trả tăng thêm là 7.100 đồng.
"Nếu áp giá điện một giá ở mức bằng mức giá bình quân thì để đảm bảo giá điện sinh hoạt bình quân không đổi sẽ phải điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ ở các mức dưới 700 kWh/tháng. Phương án này có lợi cho các khách hàng sử dụng điện nhiều nhưng sẽ ảnh hưởng tới trên 98% khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội", Cục Điều tiết điện lực phân tích.
Chia sẻ với báo Người Lao động, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng điện một giá nên được áp dụng vào thời điểm Việt Nam có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Khi thị trường cạnh tranh chưa hoàn thiện, việc áp dụng sẽ không có hiệu quả.
Cũng theo ông Long, để giải quyết bài toán giá điện gây bức xúc dư luận, cần khắc phục tình trạng giá điện sinh hoạt bù chéo cho điện sản xuất, nhất là ở những lĩnh vực gây tiêu hao điện năng do công nghệ cũ. Nếu giải quyết được, sẽ giảm áp lực lên giá điện sinh hoạt.