Đề xuất chi 150 tỷ đồng cải tạo Ga Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt
Cục Đường sắt Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải lập Dự án Cải tạo, sửa chữa nhà ga Hà Nội (tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM), nhà ga Hải Phòng (tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng) và nhà ga Đà Lạt (tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát), theo Báo Chính phủ.
Mục tiêu của dự án là cải tạo, sửa chữa các nhà ga Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, giữ nguyên quy mô, kiểu dáng kiến trúc hiện có, với tổng mức đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2031.
Cục Đường sắt cũng đề xuất bố trí khoảng ba tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hoạt động đường sắt để kiểm định đánh giá chất lượng công trình các nhà ga, từ đó có cơ sở đề xuất phương án cải tạo sửa chữa phù hợp.
Về sự cần thiết phải sửa chữa ba nhà ga này, Cục Đường sắt cho biết, cả ba nhà ga đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có giá trị lịch sử, văn hóa và có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng, hiện đang có hiện tượng xuống cấp.
Trong đó, nhà ga Hà Nội do đã qua nhiều lần cải tạo, nên kết cấu sàn của công trình khá phức tạp. Lớp lát sàn đã xuống cấp và thiếu thẩm mỹ, một số không gian đã xuống cấp đến mức độ không thể sử dụng.
Ga Hà Nội thuộc quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1, nhưng theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án hoặc phương án quy hoạch tổng thể của TP Hà Nội thì nhà ga này vẫn được giữ nguyên như hiện tại, bảo tồn công trình có ý nghĩa di tích, lịch sử.
Vì vậy, cần sớm có phương án cải tạo sửa chữa ga để đảm bảo an toàn công trình, đồng thời bảo tồn được công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn.
Tương tự, tại nhà ga Hải Phòng, mặc dù khả năng chịu lực của kết cấu cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, nhưng công trình vẫn có một số hư hỏng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực và tuổi thọ công trình, cần sửa chữa khắc phục. Đặc biệt, hệ thống dầm thép trong kết cấu sàn gạch bị ăn mòn, có dầm bị ăn mòn đến 25% tiết diện.
Cục Đường sắt Việt Nam nhận định, mặc dù sự xuống cấp của nhà ga Hải Phòng hiện nay chưa có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình, nhưng cần sớm thực hiện cải tạo sửa chữa để bảo tồn kiến trúc cổ của nhà ga và góp phần kéo dài tuổi thọ công trình.
Nhà ga Đà Lạt đã qua nhiều quá trình cải tạo, kết cấu sàn của công trình khá phức tạp: sàn gỗ, sàn gạch xây cầu, sàn bê tông cốt thép, sàn chống thép. Lớp lát sàn dù một số phần đã lát lại nhưng đã xuống cấp thiếu thẩm mỹ. Vì vậy, cần sớm có phương án cải tạo sửa chữa bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa.
Ga Hà Nội được thực dân Pháp xây dựng, đưa vào khai thác từ năm 1902 với tên gọi là ga Hàng Cỏ, là nhà ga xuất phát của đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, sau đó là đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt Hà Nội - Lào Cai và đến năm 1936 là đường sắt xuyên Việt (nay là đường sắt Bắc - Nam).
Theo đồ án quy hoạch, ga Hà Nội được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; là ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị; là trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại... của Thủ đô.
Ga Hải Phòng là ga hành khách cuối cùng trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, được người Pháp xây dựng và đưa vào hoạt động ngày 16/6/1902 để nối hai thành phố này. Ngoài ra, ga Hải Phòng còn khai thác hệ thống đường sắt trong Cảng Hải Phòng, Cảng Chùa Vẽ, Cảng Viconsip để chở hàng hóa từ cảng đến các vùng sâu trong nội địa bằng đường sắt.
Ga Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ năm 1932, đến 1938 thì hoàn thành, là nhà ga đầu mối trên tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt dài 84km. Tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát (gồm 6,724 km đường chính, 0,81 đường ga, 9 bộ ghi và 380m cống) được khôi phục lại từ năm 1991 và là một phần trong dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.
Ngày 21/11/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam, đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thực hiện việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng của tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát do đã xuống cấp trầm trọng, nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu, thu hút khách du lịch.