Đề xuất bố trí 10.650 tỷ đồng xử lý 8 dự án BOT thua lỗ
Đây là lần thứ ba Bộ Giao thông Vận tải đưa ra hướng xử lý các dự án BOT được đầu tư xây dựng giai đoạn trước năm 2015. 8 dự án được chia 3 nhóm.
Nhóm 1, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước hơn 1.550 tỷ đồng cho hai dự án doanh thu sụt giảm, không có khả năng phục hồi. Đó là dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam 3 năm liền doanh thu chỉ đạt 15-19% so với hợp đồng và dự án cầu Việt Trì - Ba Vì 3 năm qua doanh thu chỉ đạt khoảng 30%.
Nhóm 2, nhà nước hỗ trợ 2.280 tỷ đồng đối với dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân). Trước đây, nhà nước cho phép thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan thay cho nguồn hỗ trợ của nhà nước, song sau đó nhà đầu tư không được thu phí.
Nhóm 3, nhà nước bố trí thanh toán cho nhà đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 5 dự án. Trong đó hai dự án đã hoàn thành song không được thu phí là cầu đường sắt Bình Lợi, cải tạo luồng sông Sài Gòn và đường vành đai phía tây TP Thanh Hóa thuộc dự án BOT xây dựng quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa.
Hai dự án chỉ được thu phí một trạm (phương án ban đầu hai trạm) nên doanh thu sụt giảm còn 16-30% so với phương án tài chính là BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91, TP Cần Thơ và dự án tạo, nâng cấp quốc lộ 3 qua Thái Nguyên.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đăk Lăk bị sụt giảm doanh thu còn 36-43% so với hợp đồng do địa phương đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị trích 10.650 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 để thực hiện. Trường hợp không thể cân đối, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn để xử lý.
Theo Bộ Giao thông Vân tải, nếu không có giải pháp xử lý dứt điểm tồn tại của các dự án BOT sẽ ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư, đặc biệt là khó thu hút nguồn lực xã hội theo phương thức đối tác công tư PPP, ảnh hưởng mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km cao tốc trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp.
Cùng với đó, các dự án không được tháo gỡ sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng. Doanh nghiệp có doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác, bảo trì tuyến đường, không thể thanh toán lãi vay nên các khoản vay tín dụng chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.
Từ giữa năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ giải pháp xử lý bất cập tại 8 dự án BOT sau khi đã thống nhất với nhà đầu tư. Nguồn vốn nhà nước dự kiến cần để mua lại tại thời điểm đó là 13.115 tỷ đồng.
Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) cũng đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ bố trí ngân sách hỗ trợ các dự án BOT đang vướng mắc. Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, các nhà đầu tư đã hoàn thành trách nhiệm trong hợp đồng, sản phẩm đã mang lại hiệu quả cho xã hội. Khó khăn của dự án là do khách quan và chủ quan của Nhà nước thông qua việc thay đổi chính sách, quy hoạch sau khi dự án BOT đã triển khai.
Theo hợp đồng, nhà nước là một bên có trách nhiệm trong thực hiện dự án, chứ không chỉ nhà đầu tư. Chính phủ cần bố trí vốn ngân sách mua lại dự án để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, cơ cấu lại nợ của dự án. "Chúng tôi mong Chính phủ xử lý quyết liệt tồn tại của các dự án, để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân tiếp tục tham gia dự án PPP", PGS Trần Chủng nói.
Giai đoạn 2005-2020, trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, các tuyến quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh... hư hỏng, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động khoảng 247.570 tỷ đồng để đầu tư 72 dự án hạ tầng theo phương thức PPP. Đến nay, các dự án này đã đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc, tai nạn. Nguồn vốn chủ yếu do nhà đầu tư huy động, hoàn vốn thông qua nguồn thu phí, chưa có cơ chế nhà nước chia sẻ rủi ro về doanh thu.
Theo hợp đồng ký kết với các dự án hạ tầng trong bối cảnh chưa có Luật PPP, hợp đồng BOT tại các dự án hạ tầng giao thông đều quy định khi phát sinh sự kiện bất khả kháng, giảm doanh thu mà không phải do lỗi của nhà đầu tư thì cơ quan ký kết hợp đồng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết nhằm bảo đảm quyền là lợi ích của nhà đầu tư. Song qua nhiều năm, vướng mắc của các dự án trên vẫn chưa được giải quyết.