Để quả, rau, hoa đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trước năm 2025
Ảnh minh họa. |
Với giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt 2,457 tỷ USD, vượt qua giá trị xuất khẩu dầu thô (2,4 tỷ USD) và sản phẩm quốc gia là gạo (2,16 tỷ USD), quả, rau, hoa có tiềm năng trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực với giá trị xuất khẩu đạt 10 tỷ USD đến năm 2025.
Theo ông Nhân để đạt được điều đó, trước hết cần đưa nhóm sản phẩm này vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia 2017 – 2020. Sau đó, tìm ra các giải pháp đồng bộ, khoa học, hiệu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình sản xuất, cung cấp giống có chất lượng cao, tiếp thị quốc tế, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối.
Đồng thời trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ các loại quả, rau và hoa chủ yếu đã xuất khẩu thành công thời gian qua để trồng rộng rãi trên các Hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Theo đó đưa những HTX này thành mô hình chủ đạo hỗ trợ và liên kết nông dân trồng các loại quả, rau và hoa xuất khẩu, liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung ứng đầu vào (giống chất lượng cao, phân bón, thiết bị phục vụ tưới, làm đất, thu hoạch thông minh) và tiêu thụ sản phẩm (kho bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tiêu thụ) và vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất.
Bên cạnh đó, phải phát huy các lợi thế tự nhiên là đất đai, khí hậu đặc thù của từng tỉnh, không phụ thuộc vào đất có lớn hay không, từ quy mô của vườn bên cạnh gia đình, đến vườn, trang trại trên đồi, đến đất nông nghiệp ở đồng bằng quy mô từ vài chục, đến hàng trăm ha của nông dân trong các HTX hoặc sản xuất theo hợp đồng với các doanh nghiệp. Hơn nữa, phát triển quả-rau-hoa xuất khẩu gắn với ứng dụng công nghệ cao có thể trở thành một thành phần của chương trình du lịch văn hóa, sinh thái ở các tỉnh, góp phần thoát nghèo và tăng thu nhập nhanh hơn cho nông dân.
Nhiều ví dụ điển hình về mô hình trồng quả, rau, hoa thành công được đưa ra, như tỉnh Sơn La hiện có hơn 37.000 ha cây ăn quả, sản lượng đạt gần 200.000 tấn/năm và 10.000 ha trồng rau. Từ năm 2016 đã quy hoạch, phát triển 323 vùng cây ăn quả an toàn với diện tích hơn 8.200 ha, sản lượng 52.000 tấn/năm và 1.700 ha rau sạch với sản lượng 27.000 tấn/năm. Các HTX kiểu mới là mô hình chủ yếu để phát triển các vùng cây ăn quả và rau sạch. Năm 2017, lần đầu tiên mặt hàng quả an toàn và rau sạch của Sơn La đã xuất khẩu vào Australia và Trung Quốc.
Hay như tỉnh Lào Cai quy hoạch hơn 400 ha trồng cây ăn quả và rau ứng dụng công nghệ cao, với giá trị bán sản phẩm hơn 200 triệu đồng/ha/năm và 8.000 ha sản xuất nông nghiệp hướng tới ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, thu nhập của người nông dân đã được cải thiện đáng kể.
Tỉnh Bắc Giang có 30.000 ha vải thiều, chủ yếu trồng trên đồi và xung quanh nhà của nông dân. Năm 2016 sản lượng 100.000 tấn và thu nhập bình quân 137 triệu đồng/ha. Vải thiều Bắc Giang đã có mặt ở thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Australia, Malaysia và đang đàm phán để đưa sang Thái Lan, Canada.
Nhiều tỉnh như Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tiền Giang đã xác định và phát triển thành công các loại quả, rau, hoa trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, xuất khẩu ngày càng tăng, giúp nông dân thoát nghèo và có mức sống ngày một cao hơn.
Ngoài ra, ông Nhân cũng dự báo hầu hết các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đều ở mức độ ổn định hoặc giảm. Trong đó, xuất khẩu gạo dự báo ở xu thế trì trệ, với giá trị xuất khẩu năm 2016 chỉ đạt 2,16 tỷ USD/năm, đến 2025 nếu có phục hồi, cũng chỉ ở mức 3 - 4 tỷ USD. Xuất khẩu cà phê ở xu thế ổn định, năm 2016 đạt 3,33 tỷ USD, đến 2025 nếu có thể ổn định hơn trong khoảng 3,5 - 4 tỷ USD.
Trong khi, xuất khẩu dầu thô ở xu thế giảm và tăng chậm, năm 2016 đạt 2,4 tỷ USD, đến năm 2025 dự báo sẽ đạt 4 - 5 tỷ USD, thủy sản là mặt hàng duy nhất được dự báo xu thế gia tăng, khoảng 5% hàng năm, năm 2016 đạt 7,05 tỷ USD, đến năm 2025 nếu không có giải pháp đột phá mới thì sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện đang rơi vào khó khăn khi bị Liên minh châu Âu (EU) phạt thẻ vàng, cũng như bị điều tra kiểm tra dịch nghiêm ngặt ở các nước nhập khẩu.