Đề nghị Hà Nội công khai hồ sơ pháp lý 'tuyến đường đắt nhất hành tinh'
Yêu cầu trên được ông Lê Minh Khái - Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra trong buổi làm việc, lắng nghe khiếu nại từ đại diện các hộ dân trong diện giải tỏa, thu hồi đất phục vụ Dự án đường vành đai 1 (Hà Nội), ngày 6/5.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trực tiếp lắng nghe ý kiến của người dân khiếu nại, tố cáo Dự án đường vành đai 1 Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Trường).
Sau khi lắng nghe các ý kiến từ phía người dân, đại diện UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, các quận có liên quan, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận tuyến đường vành đai 1 đi qua khu dân cư sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong khu vực.
“Khi tiến hành quy hoạch, xây dựng, nhiều bà con chưa đồng thuận, kể cả về mặt chủ trương, điều chỉnh quy hoạch và tổ chức thực hiện. Tôi chia sẻ với các cô, các bác trong buổi tiếp dân hôm nay” - ông Khái nói.
Theo ông Khái, đường vành đai 1 đang được xây dựng có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm giải quyết vấn đề giao thông mà Hà Nội đang gặp phải, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của người dân.
“Hôm nay là dịp của các sở ban, ngành, lãnh đạo quận Ba Đình, quận Đống Đa nghe hết các ý kiến phản ánh của bà con để ghi nhận, xem xét một cách nghiêm túc” - ông Khái nói và đề nghị các cơ quan liên quan công khai đầy đủ mọi thông tin cần thiết về hồ sơ pháp lý xây dựng tuyến đường vành đai 1 với các hộ dân.
Đề nghị xem lại bản đồ quy hoạch và giá đền bù
Ông Nguyễn Quang Mãi (đại diện các hộ dân có địa chỉ từ số 826 đường La Thành đến số nhà 45 phố Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình) cho rằng, khi thu hồi đất các cơ quan có liên quan không công khai hồ sơ pháp lý về công tác quy hoạch tuyến đường vành đai 1.
Đồng thời, theo Quyết định số 2113/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2577/QĐ-UBND, Quyết định 5757/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội thì mặt cắt đường vành đai 1 chỉ là 50m chứ không phải là 71m như thực tế thu hồi.
Việc nới rộng mặt cắt lên 71m của các hộ dân không phải để xây dựng đường vành đai mà sử dụng làm bãi đỗ xe, đường gom, trung tâm thương mại.
Theo bà Hồ Thị Minh Lương (đại diện cho 600 hộ dân thuộc phường Ngọc Khánh, phường Thành Công), các hộ dân ủng hộ chủ trương thu hồi đất để làm đường theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, bà Lương đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản đồ quy hoạch hiện tại có hợp lý không. Đồng thời, phải xin ý kiến nhân dân và có hướng dẫn đầy đủ.
“Từ năm 1999-2019, người dân chúng tôi chưa được nhìn thấy một tờ phiếu đăng ký để lấy ý kiến, như vậy là không đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi đề nghị xem xét lại giá đền bù khi tiến hành thu hồi đất để các hộ dân được ổn định cuộc sống” - bà Lương nêu quan điểm.
Điểm đầu dự án giao với đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng tại Hoàng Cầu và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (Ảnh: Toàn Vũ).
Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngà (phường Ô Chợ Dừa) nêu quan điểm không nhất trí với chủ trương thu hồi đất của 140 hộ dân đang sinh sống để xây dựng bãi đỗ xe, cây xanh.
Lắng nghe ý kiến của người dân, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái kết luận: UBND TP Hà Nội đối thoại và công khai hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng tuyến đường vành đai 1 với các hộ dân.
Tập trung giải quyết, trả lời các kiến nghị, khiếu nại của người dân trong tháng 7/2019 và báo cáo kết quả về Thanh tra Chính Phủ.
Ông Khái giao Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực I (Thanh tra Chính phủ) theo dõi, đôn đốc UBND TP Hà Nội thực hiện các việc trên. "Nếu có vấn đề gì thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ để báo cáo lên Thủ tướng” - ông Khái nhấn mạnh.
Dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có chiều dài 2.274 m, diện tích khoảng 153.341 m2 (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1 tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh).
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.779 tỉ đồng, trong đó tiền xây lắp chỉ 785 tỉ đồng, tiền giải phóng mặt bằng hơn 6.000 tỉ đồng.
Tuyến đường vành đai 1 được biết đến là con đường “đắt nhất hành tinh” khi tổng đầu tư mỗi mét hơn 3,4 tỉ đồng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2017 - 2020. Tổng số hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng khoảng 2.328 hộ, trong đó quận Đống Đa có 808 hộ; quận Ba Đình có 1.520 hộ.
Rà soát khiếu nại, tố cáo của người dân xã Di Trạch
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng đã lắng nghe khiếu nại, tố cáo của bà Nguyễn Thị Hoàn - đại diện cho hơn 20 công dân trú tại thôn Vực, xã Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội) khiếu nại, tố cáo việc UBND huyện Hoài Đức thu hồi 27.783m2 đất vào năm 2006 để thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Điểm công nghiệp Di Trạch và thu hồi gần 60.000m2 đất vào năm 2017 để thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ tại xã Di Trạch.
Ông Khái cho rằng những nội dung khiếu nại, tố cáo đã được UBND huyện Hoài Đức giải quyết lần 1 và UBND TP Hà Nội giải quyết lần 2. Nếu vẫn chưa đồng thuận thì đề nghị công dân đưa lên tòa án hành chính tiếp tục giải quyết.
Dù vậy, ông Khái đã giao Cục Thanh tra, Giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực I chủ trì, phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương kiểm tra, rà soát toàn bộ nội dung vụ việc và trả lời công dân với tinh thần công tâm, khách quan, đúng quy định của pháp luật.