Để không ảnh hưởng tới công ty và kéo tụt giá cổ phiếu, nhà sáng lập nên rời ghế CEO vào lúc nào?
Hai tháng sau cuộc IPO của Peloton, nhà sáng lập John Foley lên chương trình của CNBC hùng hồn ca ngợi "tính dễ đoán của doanh thu" của công ty thiết bị tập thể dục này. Ông tuyên bố chắc nịch trong buổi phóng vấn tháng 11/2019: "Chúng tôi biết cách tăng trưởng và đáp ứng mục tiêu hứa với Phố Wall, với HĐQT và nhà đầu tư".
Giọng điệu này rất khác với những gì ông nói sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý II của năm tài khóa 2022. Ông thừa nhận Peloton đã "mắc sai lầm trong chặng đường", công ty và bản thân ông đang "chịu trách nhiệm". Ông sẽ từ chức CEO, một số thành viên HĐQT và ban giám đốc cũng rời đi, công ty áp dụng một loạt biện pháp tiết kiệm chi phí – bao gồm cắt giảm gần 20% lực lượng lao động.
Peloton được dẫn dắt bởi ông Foley kể từ khi thành lập vào năm 2012 và ba nhà đồng sáng lập khác giữ chức lãnh đạo cấp cao. Công ty hai lần lọt vào danh sách Disruptor 50 của CNBC.
Nhưng giá cổ phiếu Peloton rớt hơn 75% trong năm qua đã làm dấy lên câu hỏi rằng các nhà sáng lập kiêm CEO như ông Foley nên ở lại công ty trong bao lâu sau cuộc IPO, đặc biệt là khi hành trình bắt đầu trở nên gập ghềnh chứ không dễ dàng.
Câu trả lời không hề đơn giản. Một mặt, chúng ta có nhà sáng lập như Jeff Bezos ở lại công ty hơn 20 năm sau khi Amazon lên sàn và giúp giá cổ phiếu tăng trưởng khủng khiếp. Ngoài ra còn có Steve Jobs, người giao Apple cho "CEO chuyên nghiệp" John Sculley rồi quay trở lại vực dậy công ty một cách ngoạn mục.
Mặt khác, cũng có những nhà sáng lập như Andrew Mason của Groupon bị sa thải khỏi chức CEO khoảng 18 tháng sau khi công ty IPO sau nhiều lần khiến Phố Wall thất vọng, giá cổ phiếu lao dốc.
Ông Jeffrey Sonnenfeld, chủ nhiệm khoa nghiên cứu lãnh đạo tại Trường Quản lý Yale cho biết 20 đến 30 năm về trước, nhà đầu tư mạo hiểm thường sẽ đẩy các nhà sáng lập ra khỏi chức vụ quản lý trong giai đoạn thay đổi quan trọng của vòng đời công ty. "Sau đó các "nhà quản lý chuyên nghiệp tiến vào", ông cho biết.
Việc này diễn ra ngày càng ít bởi một số lý do tích cực, ví dụ như để có sẵn một nhóm nhà lãnh đạo đã từng dẫn dắt doanh nghiệp trải qua nhiều chu kỳ của vòng đời. Ví dụ, CEO Foley của Peloton có kinh nghiệm tại Barnes & Noble và các startup khác.
Nhưng cũng có những lý do khác, ví dụ như "cổ phần chia cho nhà sáng lập đảm bảo họ giữ vị trí ông hoàng cả đời của đế chế". Trong trường hợp của Peloton, ông Foley và các tay trong khác vẫn kiểm soát khoảng 60% quyền biểu quyết và ông tiếp tục giữ ghế Chủ tịch.
Khi nào nhà sáng lập nên rút lui?
Ngày càng nhiều nhà sáng lập đang nhường đường cho người khác, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Ông Manish Sood, người sáng lập công ty quản lý dữ liệu đám mây Retio viết trên CNBC rằng lý do ông nhường lại chức CEO sau gần một thập kỷ cầm quyền là "tôi nhận ra rằng để duy trì tốc độ tăng trưởng siêu tốc đòi hỏi một bộ kỹ năng đặc biệt và Reltio cần một CEO có kinh nghiệm lãnh đạo các công ty đại chúng".
"Trong mọi giai đoạn của doanh nghiệp, chuẩn bị cho tăng trưởng cần lòng can đảm. Thời gian đầu, doanh nhân thường đánh cược mọi thứ để mở công ty vì họ tin vào một viễn tưởng mới mẻ hoặc khác lạ. Họ đối mặt với những trở ngại dường như không thể vượt qua. Cần rất nhiều hiểu biết để nhận ra khi nào một công ty tăng trưởng mới nổi cần xoay trục hoặc thay đổi hướng đi".
Tỷ phú Jack Dorsey có chia sẻ tương tự khi ông đột ngột từ bỏ chức CEO Twitter vào tháng 11 năm ngoái.
"Có rất nhiều bàn luận về tầm quan trọng của việc công ty được "nhà sáng lập dẫn dắt". Tôi tin rằng việc này cản trở nghiêm trọng tiềm năng phát triển và là nguy cơ khiến công ty thất bại. Điều cần thiết nhất là doanh nghiệp có thể tự đứng vững, thoát khỏi tầm ảnh hưởng hoặc phương hướng của nhà sáng lập", ông Dorsey viết trong lưu ý gửi nhân viên.
Đã có những nghiên cứu nghiêm túc nhằm xác định "thời gian sử dụng" của nhà sáng lập kiêm CEO là bao lâu. Nghiên cứu gần đây của Harvard Business Review về hiệu suất tài chính của hơn 2.000 công ty đại chúng phát hiện rằng trung bình, các công ty do nhà sáng lập dẫn dắt vượt trội hơn so với các CEO khác.
Tuy nhiên, sự khác biệt này giảm về 0 sau ba năm kể từ khi công ty IPO. Đến thời điểm đó, các nhà sáng lập kiêm CEO "thực chất bắt đầu làm giảm giá trị công ty".
Các tác giả viết: "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy sự hiện diện của nhà sáng lập-CEO làm tăng giá trị của công ty trước và trong IPO, cho thấy nhà đầu tư mạo hiểm nên có cách tiếp cận thân thiện với nhà sáng lập trong khoảng thời gian này. Vì nhà đầu tư mạo hiểm thường rót vốn vào công ty trong những giai đoạn đầu tiên và chốt lời ngay sau IPO".
"Tuy nhiên, dữ liệu chỉ ra rằng trung bình hiệu suất hậu IPO của các công ty có nhà sáng lập – CEO lại thấp hơn mặt bằng chung. Do đó nhà đầu tư, thành viên HĐQT và đội ngũ giám đốc nên chủ động khuyến khích nhà sáng lập-CEO rời đi trước khi hết hạn sử dụng".
Không rõ Peloton sẽ xoay xở thế nào trong tương lai và liệu công ty có thể lấy lại được động lực đã từng tạo đột phá trong ngành thiết bị tập thể dục không. CEO mới của công ty là ông Barry McCarthy từng có kinh nghiệm làm việc với "hai nhà sáng lập có tầm nhìn xa" của Netflix và Spotify, và đang "cộng tác với John Foley để tạo ra phép màu tương tự".