|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Để các công ty đại chúng thực sự thuộc về đại chúng

10:42 | 13/06/2018
Chia sẻ
Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng (Nghị định 71), thay thế Thông tư 121/2012/TT-BTC. Theo đó, việc quản trị công ty đại chúng được Chính phủ quy định theo hướng chặt chẽ và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người mua cổ phần. Tuy nhiên, ngay cả khi tuân thủ các quy định này thì không phải lúc nào quyền và lợi ích của đại đa số cổ đông nhỏ (công chúng) cũng được đảm bảo.
de cac cong ty dai chung thuc su thuoc ve dai chung
Tại công ty đại chúng không phải lúc nào quyền và lợi ích của đại đa số cổ đông nhỏ cũng được đảm bảo. Ảnh: THÀNH HOA

Nỗi khổ mang tên “lợi dụng ưu thế của cổ đông lớn”

Thông tư 121 trước đây cũng như Nghị định 71 hiện nay đều quy định cổ đông lớn không được lợi dụng ưu thế của mình gây ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích của công ty và của các cổ đông khác. Tuy nhiên, thế nào là lợi dụng; thế nào là ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công ty và các cổ đông khác... thì không được giải thích hay định nghĩa rõ ràng nên không có cơ sở để xác định cổ đông lớn có lợi dụng hay không và quyền lợi của công ty cũng như cổ đông nhỏ có bị ảnh hưởng hay không. Ngay cả khi có định nghĩa rõ ràng thì chế tài cho hành vi lợi dụng này cũng chưa được pháp luật quy định. Chính vì vậy mà các cổ đông lớn cứ ngang nhiên lạm dụng ưu thế cổ đông lớn của mình để gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ.

Đơn cử là việc phát hành ESOP (viết tắt của cụm từ Employee Stock Ownership Plan - tức kế hoạch thực hiện quyền sở hữu cổ phần cho nhân viên công ty). Đây là việc một công ty được bán cổ phần với giá ưu đãi cho các nhân viên xuất sắc, nhà quản lý giỏi, người lao động theo các tiêu chí lựa chọn của công ty.

Ai cũng biết ESOP là công cụ hữu hiệu để giữ nhân tài cho công ty và gián tiếp, nhờ sự cống hiến của nhân tài, làm gia tăng tài sản của công ty. Điều này rõ ràng là đem lại lợi ích cho công ty và các cổ đông nhỏ.

Tuy nhiên, việc phát hành ESOP sẽ dẫn đến một hệ quả là tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông lớn sẽ giảm xuống (hay còn gọi là pha loãng cổ phiếu) và có thể làm mất quyền kiểm soát của cổ đông lớn. Do đó, mặc dù việc phát hành ESOP có lợi cho công ty và cổ đông nhỏ nhưng cổ đông lớn, đặc biệt là cổ đông đang nắm giữ cổ phần chi phối, thường có khuynh hướng không muốn mất quyền chi phối đối với công ty, không muốn cổ phiếu của mình bị “pha loãng” nên sẽ có những quyết định đi ngược lại lợi ích của công ty và cổ đông nhỏ bằng cách phủ quyết việc đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua việc phát hành ESOP.

Quyền “sinh sát” của cổ đông sở hữu cổ phần chi phối

Theo quy định của điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014, điều kiện để thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ về những vấn đề quan trọng là phải có được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành. Đối với những vấn đề ít quan trọng hơn thì tỷ lệ này là 51%. Do đó, chỉ cần một cổ đông hay nhóm cổ đông liên quan sở hữu trên 35% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty thì có thể chi phối được việc ra quyết định của công ty.

Theo điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 và điều 11 Nghị định 71 thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông liên quan sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng có quyền đề cử ít nhất một ứng viên vào HĐQT, ban kiểm soát (BKS), số lượng cụ thể do ĐHĐCĐ quyết định. Nếu số lượng ứng viên được đề cử không đủ số lượng ứng viên mà ĐHĐCĐ quy định thì HĐQT, BKS đương nhiệm sẽ đề cử người cho đủ số lượng.

Các công ty đại chúng, đặc biệt là các công ty đại chúng quy mô lớn, thì lượng cổ đông nhỏ rất nhiều. Muốn tập hợp được số lượng cổ đông đại diện cho 10% tổng số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết để thực hiện quyền đề cử ứng viên HĐQT, BKS là rất khó. Do đó, trên thực tế, việc đề cử ứng viên HĐQT, BKS tại các công ty đại chúng phần lớn là do cổ đông, nhóm cổ đông liên quan có quyền chi phối hoặc HĐQT, BKS đương nhiệm đề cử. Vì đa số thành viên HĐQT, BKS đương nhiệm đều là người của cổ đông hoặc nhóm cổ đông liên quan nắm quyền chi phối đưa vào, nên khi đề cử ứng viên cho HĐQT, BKS thì HĐQT, BKS đương nhiệm không thể đề cử ứng viên có khả năng gây bất lợi cho cổ đông, nhóm cổ đông liên quan có quyền chi phối công ty.

“Chuyển giá” cho các công ty “sân sau”

Mặc dù quy định pháp luật cũng như quy chế quản trị nội bộ của các công ty đại chúng đều có cơ chế để kiểm soát việc xung đột lợi ích, như: công khai các hợp đồng, giao dịch giữa công ty đại chúng với các công ty con, công ty liên kết, giữa công ty với những người quản lý điều hành, công ty của những người quản lý điều hành; buộc người quản lý điều hành công ty công khai các lợi ích liên quan, kê khai các quan hệ nhân thân; cấm người quản lý và những người có liên quan của những người này không được sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ của mình để tư lợi cá nhân hay để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác... Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn diễn ra tình trạng người quản lý điều hành các công ty đại chúng thông qua những người thân, người quen thành lập các công ty “sân sau” để cung cấp lại hàng hóa, dịch vụ cho chính công ty mà mình đang quản lý với giá cao và các điều kiện thương mại không bình đẳng, gây bất lợi cho công ty đại chúng. Một số công ty đại chúng có thể mua nguyên vật liệu trực tiếp từ nhà sản xuất với nhiều ưu đãi nhưng không thực hiện mà lại đi mua nguyên vật liệu từ công ty “sân sau” của những người quản lý điều hành với giá cao.

Hiện nay, thông tin về nhân thân, các lợi ích liên quan của những người quản lý điều hành công ty đại chúng và những người liên quan không được công khai rộng rãi, đầy đủ và kịp thời nên các cổ đông và công chúng không có cơ sở để giám sát. Do đó, mặc dù có rất nhiều quy định chống xung đột lợi ích nhưng các cổ đông nhỏ, công chúng gần như bất lực trong việc kiểm soát nó, trừ các giao dịch buộc phải công bố thông tin theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Cần giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, nhóm cổ đông là người liên quan

Hiện tại, theo Luật Chứng khoán của Việt Nam thì một công ty được gọi là công ty đại chúng chỉ cần thỏa mãn hai điều kiện: (i) có vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng trở lên và (ii) có từ 100 cổ đông trở lên, không kể cổ đông là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Chính vì vậy, trên thực tế, có nhiều công ty đại chúng có cổ đông hoặc nhóm cổ đông liên quan sở hữu đến trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Việc này giúp họ duy trì “quyền lực” đối với công ty đại chúng, sẽ dẫn đến các hệ lụy như đã nêu trên. Như vậy, mặc dù mang danh là công ty đại chúng nhưng thực tế mọi quyết định của công ty đại chúng lệ thuộc hoàn toàn vào cổ đông, nhóm cổ đông liên quan nắm giữ cổ phần chi phối. Do đó, xét về bản chất, các cổ đông khác chỉ là người cho vay còn các cổ đông, nhóm cổ đông liên quan nắm giữ cổ phần chi phối là người đi vay. Mà đây là một khoản vay không có bảo đảm và lãi vay được trả bằng cổ tức, nếu có.

Do đó, để quyền và lợi ích hợp pháp của đại đa số cổ đông nhỏ được đảm bảo, công ty đại chúng thực sự là của đại chúng thì luật cần giới hạn tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông liên quan. Theo đó, tại một thời điểm, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông liên quan không được vượt quá một tỷ lệ mà ở đó họ có thể thao túng các quyết định của công ty đại chúng.

Theo quy định pháp luật hiện nay, điều kiện để tiến hành ĐHĐCĐ là phải có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết và điều kiện để thông qua nghị quyết ĐHĐCĐ là phải có số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của tất cả các cổ đông dự hợp tán thành. Như vậy, để cổ đông hoặc nhóm cổ đông liên quan không chi phối đến các quyết định của công ty đại chúng thì luật cần hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông hoặc nhóm cổ đông liên quan không được vượt quá 51% x 51% = 26%. Tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định.

Xem thêm

Luật sư Phùng Thanh Sơn