|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH yêu cầu Chính phủ kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước

10:33 | 28/10/2022
Chia sẻ
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cử tri mong muốn Chính phủ quan tâm kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước cho dù Chính phủ không bảo lãnh được khoản nợ này.

Tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 sáng ngày 28/10, một số đại biểu nêu vấn đề về kiểm soát nợ tư nhân, trái phiếu doanh nghiệp,...

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP HCM. (Ảnh: Quốc hội). 

Không quyết liệt thì khó phục hồi niềm tin của thị trường 

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP HCM, cử tri mong muốn Chính phủ quan tâm kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước cho dù Chính phủ không bảo lãnh được khoản nợ này.

Vừa qua, nợ tư nhân phi tài chính có số lượng rất lớn khoảng 140% GDP, trong đó tỷ lệ không nhỏ là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành.

"Nợ trái phiếu tăng nhanh, lãi suất cao, không có bảo lãnh và không công khai nên khó kiểm soát, có tính rủi ro cao, có nguy cơ tác động dây chuyền khi có biến động về thị trường hay năng lực thanh toán", đại biểu Nghĩa nói.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên (Ảnh: Quốc hội). 

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, một số vụ việc như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng dù được xử lý nhưng rõ ràng đã để lại những hậu quả với nền kinh tế.

Dễ nhận thấy sự lo lắng, bất an của người dân, doanh nghiệp về vấn đề an toàn tiền gửi, lãi suất vốn vay cho sản xuất tiêu dùng, giá cả bất động sản.

Như nhận định trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Theo đại biểu Yên, nếu như không có những quyết sách quyết liệt, kịp thời, phục hồi niềm tin của thị trường thì những yếu kém này có thể sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nhất là trong tình hình kinh tế, khu vực còn rất bất ổn, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu,…

Xăng dầu thiếu giả hay thật?

Ngoài vấn đề về thị trường tín dụng, trái phiếu, các đại biểu cũng nêu lên một số vấn đề của nền kinh tế như kiểm soát lạm phát, xăng dầu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ kiềm chế lạm phát, nghiêm trị hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá, lũng đoạn thị trường,…Tăng cường kỷ luật hành chính từ các bộ ngành trung ương xuống các địa phương, phải là cầu nối thông suốt giữa chính quyền, là trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp chứ tuyệt đối không được là các trạm gác quan liêu vô cảm, thậm chí nhũng nhiễu.

Đại biểu Nghĩa đề nghị đẩy mạnh đầu tư công phải được coi là mệnh lệnh hành chính, năng lực là thước đo năng lực bản lĩnh và đạo đức của cán bộ chính trị.

"Nếu không vượt những thách thức đối với kinh tế - xã hội, chúng ta có nguy cơ sa vào bẫy thu nhập trung bình, cũng có nghĩa là khó có thể đạt được khát vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030", Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Với vấn đề xăng dầu, Đại biểu Tạ Thị Yên đặt nghi vấn về xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả cần nghiên cứu đánh giá kỹ để có giải pháp căn cơ lâu dài. Hai nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo đến 70% - 80% nhu cầu quốc gia, chỉ phải nhập khẩu 20% vậy mà thời gian qua lại để xảy ra tình trạng hết xăng ở một số thành phố lớn.

Xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của nền kinh tế, giá xăng dầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân nên giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định. Theo đại biểu Yên, cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dẩu là bằng chính sách tài khóa thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Hạ An