|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Mở đường 'hạ cánh mềm' trái phiếu doanh nghiệp

07:20 | 28/10/2022
Chia sẻ
Kể từ khi nổ ra vụ việc trái phiếu của Tân Hoàng Minh, thị trường rơi dần vào trạng thái tắc nghẽn thanh khoản. Nhà đầu tư quay lưng khiến nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu rất khó khăn trong việc huy động vốn để đảo nợ, bất kể là doanh nghiệp tốt hay xấu.

Khủng hoảng niềm tin, NĐT không còn phân biệt tốt xấu

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh về tình hình thị trường tài chính trong thời gian gần đây, nhà đầu tư (NĐT) gần như đã quay lưng với trái phiếu. Họ nghi ngờ về chất lượng trái phiếu, bất kể là trái phiếu tốt hay xấu. "Không nguyên nhân nào khác ngoài khủng hoảng niềm tin khiến họ “quay mặt” với thị trường này".

"Chúng ta có thể thấy rằng, do khủng hoảng niềm tin trong hệ thống dẫn đến khủng hoảng về thanh khoản, dẫn đến đứt gãy mạch máu lưu thông. Điều này rất rủi ro vì từ các đứt gãy của hệ thống tài chính sẽ truyền tải dần vào nền kinh tế thực là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi mọi kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp không còn hoạt động thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Nếu tình trạng này không được giải quyết, thì tiếp theo sẽ là làn sóng đóng cửa doanh nghiệp, sa thải lao động, tăng trưởng sản lượng sụt giảm, rủi ro đến toàn nền kinh tế",  PGS.TS Phạm Thế Anh khuyến cáo. 

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP FiinGroup  

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP FiinGroup cho hay, đối với các doanh nghiệp có nguy cơ chậm trả lãi, gốc trái phiếu, hiện có 2 hướng xử lý, gồm: Mua lại trước hạn và tái cấu trúc kéo dài kỳ hạn trả lãi. Trong đó, doanh nghiệp sẽ phát hành trái phiếu mới để nhà đầu tư tiếp quản, các công ty chứng khoán (CTCK) có trách nhiệm mua lại hoặc kinh doanh kỳ hạn.

Tuy nhiên, việc muốn tất toán hoặc đáo hạn sớm có thể không khả thi tùy theo tình hình tài chính và khả năng của từng doanh nghiệp. CTCK thì không phải lúc nào cũng muốn và có thể giúp khách hàng mua lại bởi nguồn lực vốn của CTCK có hạn trong khi hầu hết hợp đồng phổ biến hiện nay là họ không có trách nhiệm mua lại. 

Đây cũng là điều khiến các nhà đầu tư hoang mang, lo ngại dẫn đến mất niềm tin như thời điểm hiện nay. Nhiều nhà đầu tư chưa phải chuyên nghiệp và không có đủ thông tin dẫn đến sự hiểu biết sai lệch về thị trường trái phiếu.

Cùng với các vụ việc lãnh đạo các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị khởi tố tội danh lừa đảo, nhà đầu tư đồng loạt quay lưng lại với thị trường khiến thanh khoản kiệt quệ, doanh nghiệp dù tốt hay xấu cũng khó tiếp tục phát hành trái phiếu.

Chưa kể là với làn sóng lo ngại sẽ vướng vào các vấn đề pháp lý, doanh nghiệp trong cơn bĩ cực về thanh khoản chật vật xoay dòng tiền để mua lại trái phiếu trước hạn. Thế là từ một kênh dẫn vốn trung và dài hạn được đánh giá là tiềm năng, trái phiếu lại có nguy cơ trở thành "cơn ác mộng" với cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp. 

 Giá trị phát hành TPDN giai đoạn 2021 - T9/2022 (Nguồn: VNDirect).

 

Mở lối "hạ cánh mềm" trái phiếu doanh nghiệp  

"Hạ cánh mềm" thị trường trái phiếu doanh nghiệp không chỉ riêng Việt Nam mà rất nhiều nước đang phải tìm cách giải quyết, gần nhất là thị trường Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc đã phát triển nóng và kết quả cũng là nguy cơ vỡ nợ trái phiếu. Khi ấy, giải pháp hài hòa nhất là để tái cấu trúc nợ, các bên cùng có lợi.

Ông Thuân cho biết, phương án này hiện rất phổ biến ở thị trường trái phiếu Trung Quốc. Thay vì ép các doanh nghiệp hoặc CTCK mua lại thì các nhà đầu tư trái phiếu yêu cầu các đại diện chủ nợ hoặc đơn vị phân phối đàm phán với doanh nghiệp và thực hiện dãn kỳ hạn trả nợ, kết hợp với việc thanh toán một phần hoặc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đó.

Đến hạn thì tái cấu trúc, tuỳ theo dự án đó rủi ro thế nào, nếu rủi ro hơn thì lãi suất cao hơn, kỳ hạn kéo dài ra và ngược lại, nếu nhà đầu tư chấp nhận thì họ sẽ tiếp tục đầu tư. Cái quan trọng là doanh nghiệp phải minh bạch, ông Thuân nói.

Một cách khác mà ở thị trường Trung Quốc đã áp dụng khá nhiều đó là “hàng đổi hàng” hay nói cách khác là trái chủ yêu cầu hoặc doanh nghiệp thực hiện thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Cách này trên thị trường Việt Nam đã có một số doanh nghiệp bất động sản thực hiện cho trái chủ của họ. Thay vì doanh nghiệp mua lại trái phiếu thì họ thu xếp chuyển đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản, bao gồm căn hộ, đất phân lô, thậm chí là cả biệt thự.

Chỉ có điều giá trị lô đất thường cao hơn số dư đầu tư trái phiếu nên nhà đầu tư có thể tìm một nhóm trái chủ để gom lại và có thể chuyển đổi sang việc cùng chung sở hữu lô đất đó. Ngoài ra, yếu tố pháp lý dự án hoặc bất động sản đó có thể là một yếu tố rủi ro mới mà nhà đầu tư nên đánh giá kỹ tình trạng pháp lý để có thể có một sự chuyển đổi an toàn thay vì chuyển sang một tài sản khác rủi ro hơn.

Điều này sẽ giúp giải quyết được khó khăn cho chính doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư không phải cắt lỗ và có cơ hội thu hồi khoản đầu tư đó trong tương lai. Dĩ nhiên, tùy theo mức độ rủi ro và triển vọng của dự án mà nhà đầu tư có thể đàm phán giữ nguyên lãi suất hoặc tăng lãi suất trái phiếu tuỳ theo mức độ rủi ro được đánh giá hoặc thoả thuận lại.

Chủ tịch FiinGroup cho rằng, việc để nhà đầu tư và doanh nghiệp tự thoả thuận với nhau sẽ giải quyết được vấn đề của nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và đặc biệt là tác động xã hội nếu có bộ phận nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia. Nhìn sang ngành tín dụng ngân hàng thì điều này cũng tương tự như việc tái cơ cấu nợ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã thực hiện nhiều năm qua cho các khách hàng của họ.  

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong thời gian tới. (Nguồn: VNDriect). 

Nhìn sang Trung Quốc

Quay lại ở Trung Quốc, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu là 1,35% (tính trên tổng số 8 nghìn tỷ USD – chiếm tới 44% GDP của nước này trong khi đó ở Việt Nam chỉ ở mức 14% GDP) vào cuối năm 2021. Kể từ năm 2018 đến giữa năm 2022, trái phiếu doanh nghiệp quốc tế của Trung Quốc (sở hữu bởi nhà đầu tư nước ngoài) ghi nhận hơn 142 lô trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi khoảng 36 nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã bị vỡ nợ.

Với phương thức chuyển đổi và đàm phán giãn nợ như trên thì 46 trái phiếu trong tổng số 142 lô trái phiếu quốc tế vỡ nợ đã được giải quyết êm thấm. Trên thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc thì 45 trên 97 lô trái phiếu vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản cũng được xử lý cơ bản là hài hoà.

Dĩ nhiên, kết quả trên cũng có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước qua các hình thức khác nhau bao gồm:

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại nới room bất động sản một cách chọn lọc sau khi đã rà soát, giảm lãi suất mua nhà nếu chứng minh là không đầu cơ, chỉ đạo các định chế hoặc doanh nghiệp nhà nước bơm tiền mua lại dự án của một số chủ đầu tư bất động sản rơi vào tình trạng vỡ nợ, tạo quỹ giải cứu bất động sản, chỉ thị công ty bảo hiểm trái phiếu Trung Quốc thuộc sở hữu Chính phủ cấp bảo lãnh cho các nhà phát triển bất động sản phát hành với tiêu chí và điều kiện cụ thể... Tác dụng quan trọng của việc này là trấn an nhà đầu tư.

Bài học từ cách xử lý trái phiếu của Trung Quốc cho thấy, để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý để trấn an thị trường.

Ông Thuân cũng cho biết, hiện tại Nghị định 65 đã yêu cầu xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp khi doanh nghiệp đạt ngưỡng về đòn bẩy tài chính nhất định. Tức là những doanh nghiệp có mức độ đòn bẩy tài chính cao thì sẽ phải xếp hạng tín nhiệm từ 1/1/2023, không chỉ với phát hành đại chúng mà còn cả với hình thức chào bán riêng lẻ.

Các đơn vị xếp hạng tín nhiệm sẽ đánh giá độc lập và đưa ra khả năng trả lãi trong tương lai. Đồng thời, việc xếp hạng tín nhiệm là cả quá trình, sau khi xếp hạng sẽ tiếp tục theo dõi để nâng/hạ hạng tín nhiệm để cập nhật cho nhà đầu tư, dự báo trong thời gian tới như thế nào,… Vì vậy, nhà đầu tư sẽ có nhiều thông tin cũng như cơ sở để đánh giá doanh nghiệp phát hành trái phiếu hơn.

 

Hạ An