|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH: Cơ cấu một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, là thách thức lớn với kinh tế 2023

17:44 | 27/10/2022
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội nêu một số thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm 2023, ngoài ra nhấn mạnh tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công và một số vấn đề khác.

Sáng 27/10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023.

Nhiều thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2023

 

 Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (tỉnh Bình Thuận). (Ảnh: Quốc hội).

 

Phát biểu góp ý tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng đánh giá thật đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, các vấn đề xã hội, văn hóa, dân sinh là chưa tương xứng. Một bộ phận người dân, nhất là nông dân, ngư dân ngay trong đại dịch đã khó khăn, tuy Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nay vẫn còn chưa thoát nghèo, thoát được khó khi giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn.

Thị trường nông sản bất ổn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đại biểu cho biết hiện nay, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả và sau khi cơ quan chức năng xử lý một số doanh nghiệp khiến người dân, doanh nghiệp bất an, điêu đứng vì trót tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp trên,... Đây là một trong những thách thức rất lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, giá hàng hóa không giảm tương ứng giá xăng

 Đại biểu Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng). (Ảnh: Quốc hội).

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đề cập đến những hạn chế như việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo. Tiền lương chậm được điều chỉnh, làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư.  

Tương tự, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) dẫn chứng bối cảnh năm 2022 triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia cùng với đó là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là tồn tại xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan

Phân tích một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư công từ thực tế tại các địa phương, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện. 

Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của năm 2022 và cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023. 

 

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (tỉnh Hà Nam). (Ảnh: Quốc hội).

 

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cũng nêu một số khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Đó là giải ngân vốn đầu tư công chậm, việc giải ngân vốn ODA với tỷ lệ quá thấp. Ba chương trình mục tiêu quốc gia triển khai từ sớm nhưng ban hành chính sách và phân bổ vốn còn chậm hơn. Giải ngân vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội cũng chậm.

Ngoài ra, đại biểu đến từ Hà Nam đề cập đến vấn đề giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương ứng dù Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách, luật để giảm giá xăng giúp doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn. Lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát giá cả tăng cao đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

 

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống của nước ta, báo cáo Quốc hội để chủ động trong ứng phó chính sách phù hợp. Linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là ưu đãi, vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

 

 

 

 

Hồng Hà