ĐBQH: 'Chết không có nghĩa là hết nghĩa vụ đóng thuế'
Đó là ý kiến của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khi tranh luận với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, ngày 26/5.
Cụ thể, ông Nhưỡng đánh giá: "Qua báo cáo của Bộ trưởng Tài chính, thấy rằng công tác thu ngân sách vừa qua đã có sự chuyển biến rất tích cực, qua việc đó chúng ta đã tăng thu, giảm nợ, giảm lỗ, tôi cho rằng là một công tác rất cố gắng".
Tuy nhiên, ông Nhưỡng cho rằng, ở một khía cạnh nào đó, công tác này trước đây chúng ta đã chưa làm hết trách nhiệm, do đó, ông rất mong vấn đề này sẽ tiếp tục được chấn chỉnh.
Dẫn quy định Luật Thừa kế, ông Nhưỡng nói, chết không phải là hết nghĩa vụ nộp thuế mà người thừa kế có thể nộp thay.
"Không thể xoá khoản nợ đọng thuế trên. Đây không chỉ là tiền ngân sách, còn là ý thức kỷ luật", ông Nhưỡng nói.
Phần lớn các khoản nợ khó đòi này của những người đã chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể không còn tài sản thu hồi...chưa được xoá. Thêm vào đó, lãi suất phạt chậm nộp 0,03% một ngày nên số nợ này ngày càng tăng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại Nghị trường. Ảnh Dân Trí |
Kiến nghị của ông Nhưỡng được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính có báo cáo trước Quốc hội tại phiên thảo luận.
Cụ thể, báo cáo về quản lý thuế, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mặc dù tỷ lệ nợ thuế hiện tại còn ở mức cao, trên 7% nhưng trước sự quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các địa phương, tình hình cũng có những chuyển biến rất tích cực.
Cụ thể, nợ đọng thuế đã giảm cả về số tuyệt đối và tỉ lệ so với tổng thu ngân sách nhà nước, trong đó số thuế nợ đọng giảm từ 81.970 tỷ đồng năm 2016 xuống còn 73.100 tỷ đồng cuối năm 2017, tương ứng với giảm 10,8%, riêng số nợ thuế có khả năng thu hồi giảm từ 31.700 tỷ đồng xuống 26.000 tỷ đồng, tương ứng với số giảm là 18% và bằng khoảng 2,5% tổng thu ngân sách.
Cùng với đó, thu hồi nợ đọng thuế cũng được tăng cao qua các năm, năm 2016 chúng ta thu được 39,7 nghìn tỷ đồng, năm 2017 là 44.770 tỷ đồng. Trong số thuế, nợ đọng còn lại, số nợ thuế không có khả năng thu hồi đến cuối năm 2017 là 31.500 tỷ đồng, tăng 6 ngàn tỷ đồng so với cuối năm 2016 và chiếm 43% tổng nợ thuế.
"Đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể, không còn tài sản để thu hồi nhưng chưa được xóa và vì chưa được xóa nên theo quy định của pháp luật vẫn phải theo dõi và tính phạt chậm nộp 0,03%/ 1 ngày, nên số nợ này càng tăng.
Ngoài ra còn có khoản tiền phạt và tiền chậm nộp 15,7 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 21,4% tổng số nợ cũng là những khoản thu khó đòi", Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính đang tích cực rà soát hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để trình Quốc hội cho xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi để đảm bảo phản ánh đúng thực chất số nợ thuế minh bạch trong quản lý thuế.
Trước đó, trong dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất thay đổi một số quy định để xóa nợ thuế cho nhưng khoản nợ không có đối tượng thu hồi như nợ thuế của người chết, mất tích, doanh nghiệp phá sản...
Theo Bộ Tài chính, hiện chưa có cơ sở pháp luật để xử lý số nợ thuế này, dẫn đến khoản nợ “ảo” liên tục gia tăng. Doanh nghiệp giải thể, người đã chết nhưng nợ thuế vẫn phình to ra do tiền phạt chậm nộp.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, trong Luật Quản lý thu, một số quy định không có tính thực tế đã khiến các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi nhưng cũng không thể xóa bỏ.
Chẳng hạn, một trong những trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt được quy định là: Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự “mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ”.
Tuy nhiên, thực tế triển khai xóa nợ với các đối tượng trên lại không có cơ quan Nhà nước nào chịu trách nhiệm về việc xác nhận cá nhân chết còn tài sản hay không.
“Mặt khác, khi cá nhân còn nợ thuế đã chết, nếu còn tài sản thì tài sản này còn thuộc quyền sử dụng của gia đình họ, cơ quan thuế không thể thực hiện kê biên, bán đấu giá tài sản sử dụng chung của gia đình họ để thu hồi tiền thuế nợ được, nếu thực hiện sẽ gây phản cảm trong dư luận xã hội”, Bộ Tài chính cho biết.