Đẩy nhanh xây dựng thương hiệu mạnh cho tôm Việt
Hơn 200 cán bộ lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Viện Nghiên cứu thủy sản, trường ĐH Cần Thơ, DN và Sở NN-PTNT các tỉnh có vùng nuôi tôm nước lợ ven biển ở ĐBSCL tham dự.
Vẫn còn thách thức
Mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhận định: Từ đầu năm đến nay tình hình SX nông nghiệp còn nhiều khó khăn, do ảnh hưởng El Nino, hạn hán, xâm nhập mặn, độ mặn tăng cao làm tôm chậm lớn dễ bị dịch bệnh gây thiệt hại nhiều vùng nuôi ở các tỉnh ĐBSCL.
Nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kín (Ảnh: Phan Thanh Cường)
Trước tình hình bất lợi đó, Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển SX, trong đó chú trọng phát huy các sản phẩm có lợi thế như con tôm nước lợ.
Hội nghị lần này nhằm đánh giá đúng thực trạng ở vùng nuôi tôm trọng điểm tại ĐBSCL, từ đó tìm ra giải pháp, khắc phục triệt để tình trạng nuôi tôm sử dụng hóa chất, kháng sinh; đồng thời tăng cường kiểm tra việc bơm chích tạp chất vào tôm, nâng cao chất lượng tôm Việt Nam (VN) trên thị trường thế giới.
Theo Tổng cục Thủy sản, do ảnh hưởng hạn, mặn vừa qua ở ĐBSCL làm diện tích tôm nuôi bị thiệt hại vượt hơn 82.000ha. Tiến độ xuống giống nhiều vùng phải chậm lại so thời vụ cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm nay diện tích nuôi tôm đạt 605.000ha, bằng 99% so cùng kỳ, sản lượng tôm chỉ đạt 192.000 tấn, giảm hơn 95% so cùng kỳ.
Tuy nhiên sau khi chấm dứt đợt hạn mặn, người dân thả tôm nuôi nhiều trong 2 tháng 7 và 8 cùng với nhiều biện pháp ứng dụng nuôi tôm sinh học do các viện, trường nghiên cứu hỗ trợ, vùng nuôi mau chóng phục hồi, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại giảm, năng suất và sản lượng đều tăng lên. Đến ngày 9/9, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 665.000ha, sản lượng đạt 335.000 tấn. Trong tình hình thuận lợi từ nay đến cuối năm dự kiến sản lượng sẽ đạt trên 680.000 tấn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tồn tại về chất lượng con giống, thì hệ thống thủy lợi phục vụ vùng nuôi còn bất cập.
Trên thị trường, tôm SX trong nước giá thành cao so với các nước SX tôm như Ấn Độ, Thái Lan nên giảm sức cạnh tranh. Trong khi đó tôm xuất khẩu của VN vẫn gặp nhiều khó khăn với các loại rào cản kỹ thuật, thuế quan, phi thuế quan còn quá nhiều.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), với thị trường chủ lực là Mỹ, các DN VN đang còn bị đánh thuế chống phá giá; xuất khẩu một số thị trường khác như EU còn khó khăn do biến động tỉ giá ngoại tệ.
Trong thời gian qua, tình trạng bơm tạp chất, tôm nuôi có nhiễm kháng sinh gây khó khăn trên thị trường xuất khẩu. Đặc biệt việc xuất tiểu ngạch tôm sang Trung Quốc, VASEP đề nghị cần được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt như xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính để giữ uy tín chất lượng tôm VN.
Tập trung nâng cao chất lượng
Muốn xây dựng hình ảnh tôm VN con đường tất yếu phải nâng cao chất lượng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, bắt đầu từ việc tăng cường kiểm soát chất lượng giống tại các vùng SX con giống tập trung, để đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao phục vụ SX; đồng thời kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc, kháng sinh trong nuôi tôm để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và thông tin rộng rãi để người nuôi được biết.
Về vấn nạn tôm bơm tạp chất, sử dụng chất cấm, Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết, thời gian qua đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập nhiều đoàn kiểm tra.
Trong tháng 8/2016, tại Bạc Liêu, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện một số vụ bơm tạp chất. Việc bơm tạp chất tăng trọng thêm 15 - 20% khiến không ít người hám lợi. Thậm chí khi bị phát hiện một số điểm thu mua bơm tạp chất vào tôm còn chống đối cơ quan chức năng. Thực trạng này tồn tại do chính quyền địa phương (huyện, xã) chưa làm hết trách nhiệm.
Do đó, để phối hợp tốt và ngăn chặn dứt điểm vấn nạn bơm chích tạp chất các cơ quan Thanh tra, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Cục An ninh Nông lâm thủy sản (A86) đề nghị có cơ chế phối hợp và tiến hành kiểm tra đột xuất, đồng bộ với tất cả các tỉnh; khi phát hiện phải có biện pháp mạnh xử lý hành vi vi phạm. Nếu thực hiện triệt để dẹp bỏ tình trạng này chất lượng sản phẩm sẽ đảm bảo, nâng cao uy tín tôm VN trên thương trường.
Thu hoạch tôm của Cty Trúc Anh ở Bạc Liêu (Ảnh: Phan Thanh Cường)
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực vượt qua khó khăn thiên tai và thị trường của toàn ngành, của các DN và địa phương. Vượt qua những khó khăn của biến đổi khí hậu, biến bất lợi thành lợi thế nên tạo ra được dư địa lớn, giữ con tôm là một trong số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Trong đó, nhiều vùng sinh thái đa dạng như bán đảo Cà Mau cho phép con tôm sú phát triển mà trên thế giới ít nơi có được. Ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa có điều kiện phát triển trung tâm giống sạch.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, ngành tôm còn manh mún, phân tán nên khó quản trị, kiểm soát; năng suất thấp, dễ bị tổn thương. Ngành tôm phát triển chưa tương xứng tiềm năng có phần do nhìn nhận con tôm chưa đúng vị trí, đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu.
Bộ trưởng chỉ đạo rà soát, bổ sung qui hoạch, tìm ra lợi thế phát triển cho tôm ở từng địa phương, từng vùng và cả nước. Đề xuất các chương trình nghiên cứu khoa học, giải quyết những mặt còn yếu kém, xây dựng trung tâm SX tôm giống, hình thành những trung tâm dịch vụ lớn. Trước mắt, phải đảm bảo năm 2016 đạt sản lượng tôm 680.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 3,2 tỷ USD.
Sau hội nghị, Bộ NN-PTNT sẽ thành lập tổ xúc tiến lộ trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, do Thứ trưởng Vũ Văn Tám phụ trách.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: “Thắng lợi cơ bản của ngành tôm là đã nhanh chóng chuyển diện tích đáng kể tôm thẻ chân trắng sang tôm sú và tập trung ổn định nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến nên đã vượt qua được thiên tai hạn hán. Trong điều kiện khó khăn gay gắt nhưng diện tích, sản lượng tôm nuôi cũng như sản lượng và kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng so với năm trước. Giữ vững sự ổn định và phát triển ngành tôm nước lợ có ý nghĩa rất quan trọng trong giữ ổn định vùng ven biển, tạo hậu phương vững chắc phát triển chiến lược kinh tế biển”. |
Theo Hữu Đức
Nông Nghiệp Việt Nam