|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đầu tư sạch, lợi nhuận sạch

07:26 | 20/12/2016
Chia sẻ
 Hàng ngày bạn vẫn chọn chỗ thoáng đãng để ở, thực phẩm sạch để ăn, cớ sao bạn không làm sạch quyết định đầu tư của mình?
dau tu sach loi nhuan sach
Các quyết định sạch sẽ thu về những đồng tiền sạch. Ảnh: MAI LƯƠNG

Con mắt khác

“Chúng tôi là quỹ đầu tiên trên thị trường thoát ra khỏi (cổ phiếu của) các ngân hàng có bê bối về quản trị công ty từ năm 2012-2013”. Tổng giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài kể họ đã bán khối lượng lớn cổ phiếu của một số ngân hàng niêm yết trên thị trường ở thời điểm mà thị trường vẫn nghĩ rằng “cơm còn lành canh còn ngọt” trong các ngân hàng này. Ngay sau đó, cuộc suy thoái quản trị, chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam ào ào xô tới. Cổ phiếu ngân hàng dập dềnh tới tận bây giờ.

Ở một công ty gỗ lớn trên sàn chứng khoán phía Nam, ông và cộng sự cũng thoát ra từ rất sớm với mức giá hợp lý và có lời ở thời điểm thị trường chưa biết công ty có bê bối như bây giờ.

Quỹ này cũng từng rút vốn khỏi một doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán vì có dấu hiệu lãnh đạo lợi dụng thông tin riêng trong điều hành công ty, dùng công ty sân sau của mình mua cổ phiếu của công ty mình đang điều hành (đang gặp khó khăn) để thâu tóm chính công ty chính thức của mình.

“Nhiều người khi ấy thấy cổ phiếu phóng vù vù họ ham nhưng tôi ra đi vì thấy dấu hiệu quản trị của các công ty có vấn đề. Ví dụ, tại một công ty thiết bị y tế, mặc dù từng tham gia đầu tư khối lượng cổ phiếu khá lớn nhưng sau khi đại diện quỹ nói chuyện với chủ tịch công ty nhiều lần về các tiêu chí quản trị bền vững mà bị lờ đi, quỹ quyết định rút vốn. Mấy tháng sau thì công ty có chuyện liền”, ông kể.

Quỹ đã thoát hiểm được nhờ nhìn ngược lại cách mọi người thường nhìn về những công ty đó, không chỉ bằng con mắt tài chính mà bằng con mắt khác, con mắt được tạo nên bởi các quy tắc đầu tư có trách nhiệm, bền vững - đầu tư sạch. Khi nhìn bằng con mắt khác, bạn sẽ thấy những vấn đề khác.

Đầu tư sạch

Những công ty không đảm bảo về trách nhiệm xã hội tối thiểu trong quản trị công ty, môi trường sẽ bị nhà đầu tư bỏ phiếu bằng chân. Và khi nhà đầu tư chuyên nghiệp đã thoái vốn thì công ty rất khó huy động vốn thêm.

Cách đây vài năm, Liên hiệp quốc thành lập Tổ chức UNPRI - tổ chức của nhà đầu tư có trách nhiệm và đưa ra một khung PRI. Nói một cách đơn giản, bất cứ tổ chức hay cá nhân nào ký vào cam kết sẽ phải tuân thủ sáu nguyên tắc đầu tư. Các nguyên tắc này được chuẩn hóa bởi bộ khung pháp lý đo bằng chỉ số ESG (chỉ số về cải thiện công bố thông tin môi trường, xã hội và quản trị).

Theo đó, các nhà đầu tư tài chính là các ngân hàng, các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu chỉ giải ngân tiền của mình vào những công ty không vi phạm các tiêu chuẩn trách nhiệm với môi trường, xã hội, cộng đồng. Ví dụ, công ty đó phải có trách nhiệm được khuyến khích làm những việc tốt như bảo vệ nhà đầu tư, khách hàng, môi trường, bảo vệ phụ nữ, không sử dụng lao động trẻ em, minh bạch và giải trình... được.

Tổng giám đốc quỹ đầu tư nước ngoài nói trên nhận xét bộ khung pháp lý này nghe thì tưởng là máy móc nhưng lại vô cùng sâu sắc, thiết thực và hữu hiệu. Nhờ áp dụng nó, quỹ của ông đã nhìn thấy từ rất sớm những vấn đề xấu rất tinh vi tại các công ty trên thị trường, tránh được các rủi ro mà hầu hết nhà đầu tư bị vướng. “Những quy tắc đó đã thành công trong vai trò một công cụ bảo vệ rủi ro rất tốt và quan trọng cho quỹ”, ông nói. “Nhờ nó, chúng tôi nhìn sâu hơn đằng sau các quyết định của doanh nghiệp mình đầu tư. Nếu họ là người chủ tốt, họ sẽ cố gắng nghe, tìm hiểu, đeo đuổi và thay đổi để công ty mình sạch hơn, còn người biết mình làm sai vẫn cứ làm thì nên tránh xa”, ông cho biết.

“Với chúng tôi, một dự án tốt về khả năng sinh lời phải đạt chỉ tiêu về tài chính và chỉ tiêu ESG ngang nhau. ESG được đưa vào quy trình đầu tư từ giai đoạn tìm kiếm địa chỉ đầu tư. Nếu doanh nghiệp có một trong những vấn đề này mà không tìm được câu trả lời thỏa đáng thì chúng tôi không đầu tư. Môi trường chỉ là một yếu tố nằm trong các yêu cầu của ESG nhưng một dự án không đảm bảo về môi trường tôi cũng không tham gia. Vì thế mà nhiều người ngạc nhiên tại sao có công ty tăng trưởng đến mấy trăm phần trăm trong mấy tháng vừa rồi nhưng chúng tôi cũng không quan tâm, vì có những câu hỏi không lý giải được một cách cơ bản về mô hình kinh doanh, về quyền lợi cổ đông”, ông giải thích thêm.

Nếu bạn thấy tâm ý đội ngũ lãnh đạo đang đi ngược lại với thông lệ tốt về quản trị công ty, lừa dối cổ đông và khách hàng của mình để làm lợi cho một nhóm người, cổ phiếu công ty đó có thể rất “nóng”, đầu tư cổ phiếu đó có thể có lợi nhuận cao. Nhưng không thể vì lợi nhuận cao mà bỏ qua nguyên tắc cơ bản và nhà đầu tư của chúng tôi không vui nếu có lợi nhuận mà đi ngược lại với niềm tin của họ.

Nếu để ý, hầu hết các vụ khủng hoảng dính dáng tới các cổ phiếu đình đám nhất trên sàn chứng khoán đều vi phạm các nguyên tắc của đầu tư có trách nhiệm, nhưng không phải nhà đầu tư (tổ chức, cá nhân) nào bỏ tiền vào các cổ phiếu này cũng hiểu cách nó tha hóa, tụt dốc và tiếp cận từ góc độ trách nhiệm và bền vững. Vì thế nên vẫn có những nhà đầu tư bỏ tiền ra mua. Còn khi nhà đầu tư “nhìn qua một chiếc lá” với các quy chuẩn về môi trường và đầu tư sạch thì sẽ ra quyết định khác.

Lợi nhuận sạch

Các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư cá nhân có thể làm gì với khuôn khổ tài chính xanh, đầu tư sạch? Đó là kỷ luật trong cấp vốn, ra quyết định đầu tư!

Tổng giám đốc quỹ đầu tư nước ngoài nói trên kể quỹ có chương trình “Director engagement”. Nếu đầu tư vào một công ty, chuyên gia của quỹ phụ trách công ty đó hàng năm gặp ban lãnh đạo công ty hai lần để chia sẻ về chiến lược, giải pháp môi trường, chính sách với con người và khách hàng, công bố thông tin và đối xử với cổ đông. Nếu họ không biết mình nói cho họ biết. Họ biết rồi mình huấn luyện họ đưa ra giải pháp, có giải pháp đồng hành khuyến khích họ cùng làm... Ngay cả trước các cuộc họp đại hội đồng cổ đông của công ty, chúng tôi cũng trao đổi với công ty để xem lượng thông tin được cung cấp, các quyết định của hội đồng quản trị và ban điều hành có thực sự công bằng hay nghiêng về ai đó. Nếu công ty nghe rồi để đấy, chúng tôi vẫn kiên nhẫn gửi thư, nói chuyện, thời gian trôi qua, nếu họ không hành động gì và coi thường lời nói của mình thì quỹ sẽ rút vốn, mua cổ phiếu khác.

Các tổ chức theo đuổi giá trị sạch và xanh không phải đánh đổi lợi nhuận. Một số quỹ đầu tư hàng đầu Việt Nam hiện nay theo đuổi nguyên tắc đầu tư bền vững 5-6 năm nay đều là các quỹ có hiệu suất tốt nhất thị trường và các nhà đầu tư đều hài lòng.

Trách nhiệm của nhà đầu tư là hãy làm những gì có thể trong tầm tay. Trước khi quyết định thì phải tìm hiểu kỹ nơi đầu tư. Đầu tư rồi phải thường xuyên gặp gỡ để trao đổi, hiểu công ty mình đầu tư và tin nhau làm điều đúng. Nhà đầu tư sạch sẽ nâng tầm công ty mình đầu tư lên theo.

Về trách nhiệm của người điều hành doanh nghiệp, mặc dù sức ép lợi nhuận từ cổ đông, từ cạnh tranh... lớn nhưng nếu anh là người điều hành tốt, anh phải biết cân bằng các mục tiêu. Quan trọng là phải thành thực với bản thân mình, tin mình nói và làm đúng. Nếu công ty anh gây hại, xã hội trước sau gì cũng sẽ biết. Nếu công ty anh làm tốt, cộng đồng sẽ cảm nhận được chuyện đó.

Bạn là một người dân, một doanh nghiệp, hàng ngày bạn vẫn chọn chỗ thoáng đãng để ở, thức ăn sạch để ăn, cớ sao bạn lại không có trách nhiệm trong quyết định đầu tư của mình?

Đó là lý do tài chính xanh đã và đang trở thành xu thế tất yếu và rất mạnh mẽ trên toàn cầu. Cách đây vài năm, có vài trăm quỹ trên toàn cầu thì nay có vài ngàn đơn vị cam kết như thế. Những công ty không đảm bảo về trách nhiệm xã hội tối thiểu trong quản trị công ty, môi trường sẽ bị nhà đầu tư bỏ phiếu bằng chân.

Và khi nhà đầu tư chuyên nghiệp đã thoái vốn thì công ty rất khó huy động vốn thêm.

Khi có các quyết định sạch, bạn thu về những đồng tiền sạch, tầm của bạn sẽ khác.

Hồng Phúc