|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đầu tư nước ngoài - điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2018

06:55 | 26/02/2018
Chia sẻ
Theo dự đoán của các chuyên gia, trong năm 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển ngành sản xuất và GDP của Việt Nam sẽ cao hơn mức trung bình ở châu Á.

Kinh tế Việt Nam năm 2017 tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi và được trợ giúp từ sự cải thiện các điều kiện kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam đạt 6,81%, vượt các dự báo và kế hoạch đề ra và là mức cao nhất trong 10 năm qua.

Năm 2017: “gặp khó” nhưng không nản

Đầu năm 2017, hạn hán tác động tiêu cực đến nông nghiệp của Việt Nam, trong khi ngành khai thác mỏ đối mặt với chi phí sản xuất cao và giá xuất khẩu giảm.Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 1/2017 là đòn giáng mạnh đối với Việt Nam, nước phụ thuộc vào xuất khẩu.

dau tu nuoc ngoai diem sang trong buc tranh kinh te viet nam 2018
Sản xuất phụ kiện xe ô tô tại công ty TNHH Kefico Việt Nam (vốn đầu tư Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Đại An, Hải Dương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tuy nhiên, năm 2017 trở thành một năm thành công nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua, đất nước đã đạt được kết quả kỷ lục trong nhiều lĩnh vực. Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển kinh tế ổn định.

Việt Nam thu hút ngày càng nhiều dự án nước ngoài lớn. Ngành ngoại thương tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao chưa từng thấy. Một thành tựu quan trọng là Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp Việt Nam thứ 55 trong số 137 nước, và Báo cáo 2017 về mức độ dễ dàng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Việt Nam thứ 82 trong số 190 nước.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng Việt Nam xếp hạng không cao trong hầu hết các chỉ số quốc tế như Chỉ số tự do kinh tế 2017 của Heritage Foundation, theo đó, Việt Nam xếp thứ 63 trong tổng số 181 nước.Tuy nhiên, Việt Nam đã tăng 20 bậc trong 5 năm qua theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của WEF; tăng 14 bậc theo Báo cáo 2017 về mức độ dễ dàng kinh doanh của WB; và cuối cùng tăng 12 bậc lên vị trí thứ 47 trong số 127 nước theo Chỉ số sáng kiến toàn cầu do Tổ chức sở hữu thế giới công bố.

Ngay từ năm 1986, Việt Nam đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài và vẫn là thị trường thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử và các nhà máy sản xuất sợi polyester vẫn thích Việt Nam vì chi phí thấp, nhân công dồi dào và quá trình cấp phép thuận lợi. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp cho cuộc sống của người dân sung túc hơn, số người nghèo chỉ ở mức 13,5% và đây cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư.

Trong tháng 12/2017, công ty dịch vụ tài chính SSI Research cho biết: “Có thể suy luận hợp lý rằng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cao trong năm 2017 sẽ dẫn đến FDI được giải ngân cao vào năm 2018, thêm một năm nữa có mức tăng trưởng hai con số về giải ngân FDI”. SSI Research cho biết các nhà máy sản xuất của nước ngoài chủ yếu làm hàng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu đạt 155,24 tỷ USD trong năm 2017, tăng 23%.

Hầu hết đầu tư nước ngoài là từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), những nơi đều có chi phí sản xuất cao hơn Việt Nam.Các nhà đầu tư đến với Việt Nam vì lực lượng lao động trẻ, được đào tạo và sẵn sàng làm việc với mức lương tối thiểu là 172 USD/tháng. Khoảng 60% dân số Việt Nam ở độ tuổi lao động. Theo hướng dẫn của công ty TNHH PwC (Việt Nam), khởi nghiệp kinh doanh đang trở nên thuận lợi hơn và hầu hết các ngành công nghiệp đều cho phép đầu tư nước ngoài 100%.

Theo dữ liệu của SSI Research, không có gì ngạc nhiên khi Samsung Display “đầu tư bổ sung” 2,5 tỷ USD trong năm 2017. Công ty con của tập đoàn Điện tử đa quốc gia Samsung Electronics sẽ rót 6,5 tỷ USD chi phí mới vào Việt Nam. Khoản đầu tư nước ngoài lớn khác là từ công ty Polytex Far Eastern của Vùng lãnh thổ Đài Loan. Công ty này đã đăng ký xây dựng nhà máy sản xuất sợi polyester trị giá 490 triệu USD.

Ông Dustin Daugherty, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kinh doanh của công ty tư vấn Dezan Shira & Associates tại Tp. Hồ Chí Minh nói: “Bức tranh FDI trong nền kinh tế tiếp tục phát triển mạnh. Trong khi các thỏa thuận tên tuổi lớn được chú ý nhiều thì số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà đầu tư là các công ty đa quốc gia nhỏ hơn tiếp tục tăng lên. Sự quan tâm đang rất lớn. Tôi nghĩ năm 2018 sẽ bằng hoặc tốt hơn năm 2017. Chúng ta vẫn chưa đến đỉnh tăng trưởng".

Năm 2018: Chủ động đối phó với thách thức

Có nhiều yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như sức hấp dẫn của “đất nước hình chữ S” đối với các công ty đa quốc gia và các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.Dù vậy, sự phụ thuộc mạnh mẽ của Việt Nam vào thương mại và đầu tư quốc tế đòi hỏi giới chức nước này tiếp tục theo đuổi cải cách cơ cấu, cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy tốc độ tăng năng suất, xây dựng các bộ đệm trong nước và quốc tế trong tương lai.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng trong năm 2018, có ít nhất 5 thách thức liên quan mà Chính phủ Việt Nam cần giải quyết trong năm 2018.Đó là tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng và tư lợi cá nhân; cải cách khu vực ngân hàng để giảm nợ công; cải cách các doanh nghiệp quốc doanh để làm cho các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn; hoàn thiện các thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có cả khu vực tư nhân; tiếp tục chủ động theo đuổi hội nhập toàn cầu để hỗ trợ mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2020.

Đối với thách thức thứ 5, Việt Nam sẽ cần tập trung đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 10 nước thành viên khác, đồng thời đàm phán với các nước thành viên ASEAN cũng như các đối tác đối thoại của khối này một loạt thỏa thuận tự do thương mại hiện có theo khuôn khổ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).Còn theo Giáo sư Mazyrin, những lợi thế hiện nay của Việt Nam như nguồn lao động trẻ và lao động giá rẻ không thể duy trì trong một thời gian dài.

Việt Nam cần phải chuyển sang mô hình kinh tế sáng tạo, tăng năng suất lao động và hiện đại hóa nông nghiệp.Trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng khác, đó là việc đẩy mạnh tự động hóa và sử dụng công nghệ robot trong sản xuất tại các nước phương Tây, chủ yếu ở Mỹ. Kết quả là các nước này sẽ không có nhu cầu đặt cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á.

Một vấn đề nghiêm trọng hơn là quá trình biến đổi khí hậu làm tăng mực nước đại dương. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên chịu tác động mạnh của hiện tượng này. Theo đánh giá, nếu mực nước biển tăng 1-2 m, cả thung lũng sông Hồng, và đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập sâu, điều đó sẽ gây ra làn sóng di cư khổng lồ.