|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Đầu tư FDI vào nông nghiệp thành công đến 99%'

07:48 | 22/03/2017
Chia sẻ
 'Có tới 99% các dự án FDI trong ngành nông nghiệp được thực hiện thành công nhưng chỉ chiếm tỉ trọng 2,6% trong tổng đầu tư FDI. Để phát triển nông nghiệp Việt Nam cần học hỏi công nghệ từ Israel nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp', bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Ban Thư ký Đối tác phát triển bền vững (PSAV), Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, cho biết.

Israel được biết đến là một quốc gia thực sự khó khăn về tài nguyên nhưng lại là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Những điểm mạnh của ngành nông nghiệp Israel là: Hệ thống khoa học kỹ thuật tiên tiến, có khả năng đặc biệt trong việc thiết kế những hệ thống chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với cả quy mô lớn và nhỏ.

Để đạt được những thành công đó, ngành nông nghiệp của Israel đã trải qua hàng trăm năm nghiên cứu, phát triển. Tuy nhiên, Israel chỉ là một quốc gia nhỏ với diện tích đất nông nghiệp ít ỏi nên các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư ra các quốc gia khác.

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm tươi với đất đai màu mỡ và ngành nông nghiệp thịnh vượng.

Nhưng hiện nay, nông nghiệp nước ta mới dừng lại ở mức xuất khẩu nông sản thô, chăn nuôi canh tác nhỏ lẻ theo hộ gia đình và chất lượng nông sản chưa cao, khó đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường khó tính.

dau tu fdi vao nong nghiep thanh cong den 99
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Lê Quốc Doanh

"Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó nổi bật nhất là quy mô nông hộ nhỏ lẻ, sự cạnh tranh gay gắt đối với mặt hàng nông sản của các quốc gia khác và tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn cả kịch bản chúng ra dự đoán", ông Doanh nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, "Trong năm 2016, mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh cả về số lượng lẫn giá trị với kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, đạt 32,1 tỷ USD".

Hầu hết lãnh thổ Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán diễn ra gay gắt và kéo dài ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, bão, lũ lụt xảy ra với mật độ dày hơn.

Còn theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Ban Thư ký Đối tác phát triển bền vững (PSAV), Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT: "Tính đến năm 2015, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khá hạn chế, chỉ chiếm 2,6% tổng đầu tư FDI. Đồng thời, hầu hết các dự án đầu tư FDI vào nông nghiệp chỉ là quy mô vừa và nhỏ".

"Song trên thực tế, có tới 99% các dự án FDI trong ngành nông nghiệp được thực hiện thành công chứ không giống như các ngành khác còn nhiều dự án treo, dự án thất bại,...", bà Hạnh cho biết.

Để đạt được những chiến lược phát triển nông nghiệp to lớn, chúng ta cần tập trung vào những mặt hàng chiến lược như: ngành nuôi trồng thuỷ sản với 2 mặt hàng chính là cá da trơn và tôm, ngành đánh bắt thuỷ hải sản, lâm nghiệp - sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ, ngành trồng trọt ngoài gạo cần chú trọng rau củ quả, hạt điều, cafe. Đây đều là các mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm.

Ngoài ra cũng cần đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao, sáng tạo, thiết bị hiện đại. Chính vì vậy, việc học hỏi và áp dụng những công nghệ cao từ Israel sẽ giúp tăng hiệu quả và tạo sức bật cho nông nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ, những khó khăn khi sản xuất nông nghiệp trong quá trình biến đổi khí hậu chỉ có thể khắc phục bằng các công nghệ tiên tiến.

Hạ An