Đầu tư cổ phiếu dưới giá trị thực
Với hơn 800 mã chứng khoán trên hai sàn HSX và HNX, việc phát hiện cổ phiếu đang bị định giá thấp cần phải mất thời gian chọn lọc và kỹ năng phân tích, đánh giá, đưa ra chiến lược đầu tư.
Vì sao "dưới giá trị thực"?
Cổ phiếu dưới giá trị thực là cổ phiếu có mức thị giá trên thị trường đang giao dịch thấp hơn những giá trị nội tại của doanh nghiệp khi định giá. Hay nói cách khác, đó là những cổ phiếu bị thị trường định giá thấp, nhưng có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, nhưng ít được nhiều người biết tới.
Một cổ phiếu bị đánh giá thấp có thể được đánh giá bằng cách xem xét các chỉ số định giá như P/E (Price to Earning Ratio), P/B (Price-to-Book Ratio) hay phân tích các báo cáo tài chính của công ty, như báo cáo lưu chuyển dòng tiền, báo cáo kết quả kinh doanh, các chỉ số tài chính, như chỉ số về khả năng thanh khoản, khả năng hoạt động, các chỉ số đánh giá khả năng sinh lời của doanh nghiệp,... để xác định giá trị nội tại của cổ phiếu đó.
Một cổ phiếu có thể bị đánh giá thấp theo một trong hai cách.
Thứ nhất, do sự sụt giảm nhu cầu chủ yếu do nhận định của nhà đầu tư, do bị bán tháo bởi các tin đồn thất thiệt. Nếu việc giảm giá của cổ phiếu không phải do các yếu tố tài chính cơ bản của doanh nghiệp tác động mà do cung cầu của thị trường thì có thể cổ phiếu đó bị định giá thấp hơn giá trị thực.
Thứ hai, nếu các chỉ tiêu tài chính cơ bản (doanh thu, thu nhập, dự báo tăng trưởng, các chỉ số tài chính) tăng trong khi giá thị trường vẫn không đổi, cổ phiếu ít được nhiều người chú ý và biết đến.
Một cổ phiếu bị định giá thấp sẽ có khả năng tăng giá và quay trở lại mức giá phản ánh tốt hơn tình trạng tài chính và tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư tìm thấy cổ phiếu bị định giá thấp sẽ có cơ hội mua rẻ và đạt được mức lợi tức kỳ vọng trong trung và dài hạn khi cổ phiếu xác định đúng giá trị thực.
Cách nay đúng một năm, cổ phiếu của Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HoSE: HBC) có giá 16.000đ/CP. Thời điểm đó HBC công bố thông tin về doanh thu thuần quý I/2016 đạt 1.618 tỷ đồng, tăng 54% so với quý I/2015. Tỷ lệ giá vốn/doanh thu giảm nhẹ, góp phần tạo nên mức tăng 76% của lợi nhuận gộp.
Đây là yếu tố chính giúp cho lợi nhuận sau thuế của HBC tăng 68%, lên 52 tỷ đồng, mặc dù chi phí tài chính tăng 10% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 73%. Phần lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 51 tỷ đồng, tăng 54%. Tuy nhiên giá cổ phiếu vẫn giao dịch quanh mốc 16.000đ/CP, sau đó mới tăng mạnh khi được nhiều nhà đầu tư đánh giá được tiềm năng tăng trưởng.
Phương pháp tìm kiếm
Các nhà đầu tư cá nhân thường tìm đến các cổ phiếu có thị giá thấp, gần với giá trị sổ sách để kỳ vọng tăng trưởng trong ngắn hạn và giảm rủi ro, ngại đầu tư vào các cổ phiếu thị giá cao. Tuy nhiên, có rất nhiều cổ phiếu giá hiện tại và giá trị sổ sách chưa phản ánh được giá trị thực cũng như sự tăng trưởng của một công ty trong tương lai.
Vì vậy, để tìm kiếm các cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị có thể dựa vào thông tin trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Ví dụ trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, nhà đầu tư xác định được dòng tiền của doanh nghiệp và trên báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh có thể xác định được đâu là nguồn gốc của lợi nhuận, cũng như các chỉ tiêu cơ bản về khả năng sinh lời như ROA, ROE, EPS để đánh giá được chất lượng thu nhập của công ty trong tương lai.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc xác định giá trị cổ phiếu trong tương lai khi các yếu tố trên trở nên bất lợi, nhằm trả lời câu hỏi liệu đây có phải là cổ phiếu đang bị thị trường định giá thấp hay không.
Những cổ phiếu thị giá thấp, dưới mệnh giá, đang giao dịch dưới khá xa giá trị sổ sách cũng tạo cơ hội cho những nhà đầu tư khi đánh giá được tổng thể giá trị nội tại của doanh nghiệp.
Mặc dù thay đổi giá nhỏ, nhưng biến động tỷ lệ lớn, các cổ phiếu mệnh giá thấp tạo ra cơ hội lớn cho những nhà đầu tư, khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục hoặc có yếu tố đột biến, thì cổ phiếu sẽ được nhiều nhà đầu tư chú ý, được thị trường định giá lại. Vì thế, tiêu chí quan trọng nhất mà nhà đầu tư lựa chọn chính là thanh khoản lớn và thời điểm mua vào.