|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Đâu là chìa khoá giúp ngành du lịch phục hồi sau COVID-19?

07:31 | 25/09/2020
Chia sẻ
Để đối phó với một đại dịch đầy bất ngờ và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần có các sản phẩm mới và nâng cao chất lượng để kích cầu du lịch lần hai.

Trong năm 2020, cả thế giới đã phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra. Vào hồi cuối tháng 5, khi đợt dịch lần 1 dần được kiểm soát, một loạt chương trình kích cầu đã tung ra và được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Tuy nhiên, sau cú sốc bùng dịch lần hai, liệu những giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa như giảm giá hàng hóa, sản phẩm có còn nhận được sự hưởng ứng của khách hàng.

Sản phẩm mới, chất lượng là 'cứu cánh' để ngành du lịch phục hồi sau COVID-19 - Ảnh 1.

Cần thay đổi tư duy và có cách thức hành động mới để kích cầu du lịch nội địa. (Ảnh minh họa: comboholiday.vn)

Tập trung vào chất lượng sản phẩm chứ không thể mãi giảm giá

Tại buổi tọa đàm trực tuyến mang tên "Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" do Tổng cục Du lịch phối hợp với báo điện tử VnExpress tổ chức vào ngày 24/9, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch khẳng định rằng để đối phó với một đại dịch đầy bất ngờ và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế thì không thể sử dụng các công cụ thông thường như trước để giải quyết vấn đề.

"Với tình hình hiện giờ, chúng ta không thể trông chờ vào việc giảm giá sản phẩm nữa. Thay vào đó, các doanh nghiệp nên tập trung vào chất lượng dịch vụ, phải cho du khách thấy họ được phục vụ tốt, các sản phẩm đưa ra phải mới nhất hoặc được làm lại mới nhất, đưa khách đến những chỗ mới, chưa đến...", ông Bình đưa ra ý kiến.

Vào tháng 5, 6 khi dịch bệnh tạm lắng xuống, Tổng cục Du lịch đã phát động kích cầu, các bên đưa ra nhiều giải pháp nhưng trong đợt bùng dịch thứ hai, mọi hành động trước đó đã không còn phù hợp. Đợt kích cầu lần này, giá không thể thấp hơn nữa, doanh nghiệp cũng đang kiệt sức nên sẽ có nhiều khó khăn hơn.

"Trong đợt kích cầu lần hai, chúng ta không thể kì vọng lượng khách đông ào ạt trở lại như đợt một nhưng vẫn cần nỗ lực làm", ông Bình nói.

Sản phẩm mới, chất lượng là 'cứu cánh' để ngành du lịch phục hồi sau COVID-19 - Ảnh 2.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch, phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: VnExpress)

Đề xuất giải pháp phục hồi ngành du lịch, ông Bình cho rằng ngành du lịch có thể đề xuất chính phủ hỗ trợ bằng cách giảm các loại thuế như VAT, thuế thu nhập, lùi thời gian nộp thuế, cho vay tiền...

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có thể hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp bằng cách giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để họ có động lực tiếp tục hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nhân lực để chuẩn bị nguồn nhân lực tốt cho ngành trong tương lai.

Về phía doanh nghiệp, ông Bình cũng đưa ra ý kiến rằng doanh nghiệp nên tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách mới để chống đỡ trước khó khăn. Tự mình nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số để khắc phục hậu quả dịch bệnh để lại.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, phát biểu rằng đợt kích cầu lần này cần lưu ý ba vấn đề chính: thứ nhất là phải có các biện pháp an toàn để người dân giải tỏa tâm lí lo ngại khi đi du lịch trong mùa dịch.

Thứ hai, các địa điểm du lịch cần có những chính sách giảm thuế, phí, các cơ sở lưu trú, di chuyển... phải đưa ra chi phí hợp lí, chia sẻ lợi ích với nhau để khách du lịch có cơ hội đi tham quan nhiều hơn.

Thứ ba, tạo ra sức hấp dẫn cho các địa điểm du lịch bằng cách tổ chức hoạt động cùng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn để quảng bá, thu hút khách du lịch tới bằng sự mới lạ.

Đổi mới sản phẩm thế nào mới hấp dẫn?

Về sự đổi mới sản phẩm để hấp dẫn khách du lịch, ông Thủy - Giám đốc Sở du lịch tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: "Sự hấp dẫn có thể đến từ những cái tự có, như làm mới những điểm du lịch đã có.

Ví dụ tỉnh Quảng Ninh, các sở ban ngành sẽ cùng làm việc với nhau để tổ chức một loạt các sự kiện như tuần du lịch ở Bình Liêu, hay Yên Triều. Tôi cũng mong muốn thay đổi quan niệm du lịch của người dân, không cứ gì phải đầu năm đi du lịch tâm linh mà cuối năm cũng có thể đi.

Bên cạnh đó cũng tổ chức các hoạt động văn hóa trên địa bàn để tạo sự mới lạ cho khách du lịch và tung ra các sản phẩm mới của doanh nghiệp".

Sản phẩm mới, chất lượng là 'cứu cánh' để ngành du lịch phục hồi sau COVID-19 - Ảnh 3.

Cần phải tổ chức các hoạt động văn hóa trên địa bàn để tạo sự mới lạ cho khách du lịch. (Ảnh minh họa: wyndhamhalong)

Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc Kinh doanh SunWorld của Tập đoàn Sun Group, ý kiến rằng: "Chúng ta có thể làm mới sản phẩm bằng cách tạo ra sản phẩm mới hoàn toàn, hoặc làm mới lại chính những sản phẩm cũ hay liên kết với nhau để tạo ra các sản phẩm mới. Sau đó mới là vấn đề về giá sản phẩm".

Sau cú sốc thứ hai từ đại dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp đã có những thay đổi linh hoạt nhằm đối phó với khó khăn.

Đơn cử như Vingroup, ngoài việc đưa ra các mức giá hợp lí được điều chỉnh cho sản phẩm, tập đoàn gia tăng trải nghiệm của du khách ở các điểm đến được yêu thích như Nha Trang, Phú Quốc, Nam Hội An bằng sản phẩm mới, đẳng cấp được ra mắt đúng thời điểm dịch bệnh đang dần kiểm soát.

Đại diện của hãng hàng không Bamboo Airways cũng cho biết đối với tất cả các chương trình kích cầu, giá của hãng không thể thấp hơn. Để đối phó với tình hình này, thời gian qua Bamboo Airways đã có những sản phẩm mới, những đường bay mới, đặc biệt là mở bán vé bay thẳng đến Côn Đảo, góp phần kích cầu các đơn vị du lịch.

Sản phẩm mới, chất lượng là 'cứu cánh' để ngành du lịch phục hồi sau COVID-19 - Ảnh 4.

Bamboo Airways mở đường bay thẳng tới Côn Đảo. (Ảnh minh họa: Bamboo Airways)

Phía Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist, bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc văn phòng Hà Nội của Saigontourist cho hay doanh nghiệp đang tích cực đồng hành cùng với các doanh nghiệp lưu trú và hàng không để giới thiệu các sản phẩm mới.

"Chúng ta không nên quá băn khoăn về giá mà cần tập trung vào khách hàng, họ sẽ là người truyền thông tốt nhất để du lịch phát triển. Để khách an tâm, an toàn khi đi du lịch đã là một thắng lợi, mới có niềm tin để chúng ta phát triển trở lại.

Ngoài khách đi theo nhóm, nên có những điểm đến, dịch vụ chất lượng cao cho khách đi theo đoàn lớn và kích cầu bằng chính chất lượng dịch vụ của mình", bà Thu phát biểu.

Theo báo cáo quí I của ngành du lịch thế giới, doanh thu từ du lịch giảm 22%, sang quí II toàn thế giới giảm 87%, và trong 6 tháng đầu năm giảm 65%. Với tốc độ giảm rất nhanh như trên đã gây thiệt hại cho ngành du lịch thế giới con số 440 tỉ USD.

Tổ chức du lịch thế giới dự báo nếu dịch tiếp tục năm nay doanh thu toàn ngành sẽ giảm 1.000 tỉ USD, và giảm 1 tỉ khách du lịch.

Tường Vy