|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dấu hiệu gian lận thuế đối với gỗ cao su nguyên liệu xuất khẩu vào Trung Quốc

08:09 | 29/09/2018
Chia sẻ
 Đó là thông tin được doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo “Chuỗi cung cao su thiên nhiên và gỗ cao su: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững” do Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức tại TP.HCM chiều 28/9.

dau hieu gian lan thue doi voi go cao su nguyen lieu xuat khau vao trung quoc

Doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam mặc dù rất cần nguồn cung gỗ cao su nhưng không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc

Theo phản ánh của doanh nghiệp, trong năm 2017, giá nguyên liệu gỗ cao su trong nước tăng đột biến với mức tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại được doanh nghiệp khai báo lại rất thấp so với giá bán nội địa.

Cụ thể, giá nội địa bình quân của mặt hàng gỗ xẻ cao su ở mức 330 USD/m3, trong khi giá xuất khẩu bình quân chỉ ở mức 229 USD/m3, tức chênh lệch 101 USD/m3. Tương tự, chênh lệch giữa giá nội địa và giá xuất khẩu của mặt hàng gỗ bóc cao su cũng lên tới 136 USD/m3.

Nhận định về hiện tượng này, đại diện Công ty Tekcom cho rằng, để có mức giá xuất khẩu thấp “giật mình” như trên, doanh nghiệp đã dùng cách mua hoá đơn đầu vào và khai báo phế phẩm cho thành phẩm đầu ra để điều chỉnh giá bán xuống mức thấp nhất để có thể lẩn tránh thuế, do các loại gỗ xuất khẩu có mức thuế xuất khẩu từ 10-20%. Tình trạng này đã làm thất thoát thoát nguồn thu thuế của Nhà nước từ hoạt động xuất khẩu cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường nguyên liệu trong nước và ngành sản xuất, chế biến gỗ nội địa.

Trước đó, nhiều ý kiến doanh nghiệp và hiệp hội gỗ cũng đã cảnh báo về tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc thành lập nhà máy và cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở hầu hết các vùng có nguyên liệu gỗ của Việt Nam.

Nguồn số liệu tổng hợp cho thấy trong giai đoạn 2015 - 2017 các doanh nghiệp và hộ gia đình đã thanh lý 75.000 ha cao su, thu được trên 13,6 triệu m3 gỗ cao su quy tròn. Diện tích thanh lý bình quân mỗi năm là trên 25.000 ha và thu được khoảng 4,5 triệu m3 gỗ.

Trong khi đó, nhu cầu nguyên liệu gỗ cao su đối với ngành chế biến gỗ trong nước cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Trong năm 2017, nhiều thời điểm giá gỗ cao su đã tăng lên mức cao nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn không có nguyên liệu để mua do nguồn cung khan hiếm.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia Forest Trends cũng thừa nhận về tình trạng cạnh tranh mua bán gỗ cao su nguyên liệu trong thời gian qua và tình trạng này sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong tương lai. Tại một số nơi, hệ thống thương lái phát triển, thực hiện việc thu gom gỗ từ tiểu điền, sau đó bán lại cho các tư thương Trung Quốc.

Ông Quang cho hay, tư thương Trung Quốc đã mua gỗ cao su nguyên liệu với lượng trên dưới 200.000 m3/năm, điều này đã cho thấy một số tồn tại của cả ngành cao su và ngành gỗ của Việt Nam hiện nay. Cụ thể, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam mặc dù rất cần nguồn cung gỗ nguyên liệu này nhưng không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc. Các doanh nghiệp của Việt Nam thua trên sân nhà ít nhất trên 2 phương diện: kém trong việc tổ chức hệ thống thu mua và không thể cạnh tranh về giá.

Trước những hiện tượng như trên, đại diện Công ty Tekcom kiến nghị cần điều tra các công ty xuất khẩu gỗ xẻ, ván bóc về hành vi gian lận trong khai báo giá nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi và sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước cũng như lợi ích quốc gia.

Ngoài ra, cần áp thuế trên đơn giá tối thiểu (gỗ bóc 200 USD/m3, gỗ xẻ 330 USD/m3) không phân biệt loại gỗ hay phẩm cấp nhằm tránh việc doanh nghiệp lẩn tránh thuế bằng cách khai báo không đúng loại gỗ, phẩm cấp. Cùng với đó, điều chỉnh thuế suất xuất khẩu gỗ bóc bằng với gỗ xẻ và tăng thuế suất xuất khẩu cho cả hai nhóm sản phẩm này. Xa hơn, tiến đến cấm xuất khẩu gỗ xẻ, gỗ bóc tương tự như các nước Campuchia, Lào, Indonesia, Myanmar, Malaysia để bảo vệ thị trường nội địa.

Khải Kỳ