|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá mủ cao su xuống thấp, kéo dài: Người dân muốn chặt bỏ, ngành nông nghiệp khuyến khích giữ

20:42 | 16/03/2019
Chia sẻ
Giá mủ cao su xuống quá thấp khiến không đủ bù lỗ chi phí nhân công cạo mủ, nhiều hộ trồng cao su trên địa bàn tỉnh đã “treo vườn”. Nhiều chủ vườn khác còn chủ động chặt bỏ vườn cây công nghiệp này, bất chấp định hướng và những khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Giá mủ cao su xuống thấp, kéo dài: Người dân muốn chặt bỏ, ngành nông nghiệp khuyến khích giữ - Ảnh 1.

Nhiều vườn cao su tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) không được người dân cạo mủ.

Nhiều diện tích bị chặt bỏ

Thống kê mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có 14.311 ha cao su; trong đó, 2.917 ha cao su đại điền, 11.394 ha cao su tiểu điền. Đáng nói, diện tích này đã bị giảm 1.260 ha so với đầu năm 2018. Các huyện có diện tích cao su giảm mạnh nhất, gồm: Thạch Thành giảm 452,1 ha, Như Xuân giảm 330 ha, Như Thanh giảm 313,4 ha, Thường Xuân giảm 125,5 ha... Qua tìm hiểu và phân tích thực tiễn, một cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đưa ra nguyên nhân giảm của từng địa phương nói trên. Theo đó, tại huyện Thạch Thành, một số diện tích do khai thác mủ đã lâu nên sản lượng thấp, một số diện tích khác không bảo đảm mật độ cây, ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh và thu nhập nên người dân phá bỏ để trồng các loại cây khác. Tại huyện Như Xuân, có nhiều diện tích cao su trồng xen cà phê trước đây nhưng do rét đậm, rét hại những năm trước nên bị chết nhiều; mặt khác, nhiều diện tích cao su trồng trước năm 1997 có sản lượng mủ thấp. Với huyện Thường Xuân, nhiều hộ không có điều kiện kinh tế để đầu tư chăm sóc nên cao su sinh trưởng kém, đã chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác. Tương tự, trên địa bàn huyện Như Thanh, diện tích cao su giảm cũng do sản lượng mủ thấp, kém hiệu quả kinh tế nên người dân chuyển đổi sang cây trồng khác.

Đơn vị có diện tích cao su lớn nhất trên địa bàn tỉnh chính là Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa, hiện có 2.754,2 ha cao su; trong đó, hơn 1.620 ha trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (chưa đến tuổi thu hoạch mủ), còn lại là diện tích đang trong thời kỳ kinh doanh (đang thời kỳ cho thu hoạch mủ). Tuy nhiên, tính từ tháng 6 – 2017 đến nay, đã có gần 81 ha cao su của đơn vị được chuyển đổi sang trồng mía, dứa và keo. Công ty cũng mới rà soát 230,47 ha khác kém hiệu quả kinh tế báo cáo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho ý kiến chặt bỏ để trồng cây trồng khác.

Với người trồng cao su trên địa bàn tỉnh, qua khảo sát của chúng tôi, rất nhiều người muốn chặt bỏ vườn cao su để chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác. Người dân các xã Quảng Phú (Thọ Xuân), Hóa Quỳ (Như Xuân) đã tự phát chặt bỏ hàng chục héc – ta cao su trong vài năm gần đây; hàng chục xã khác trên địa bàn tỉnh cũng giảm diện tích. Hàng nghìn hộ trồng cao su vẫn duy trì một cách cầm chừng, thậm chí bỏ buông không chăm sóc.

Cần cái nhìn thấu đáo

Hiện nay, toàn tỉnh đang có 8.509,5 ha cao su trong thời kỳ cho thu hoạch, tuy nhiên, giá mủ cao su khô chỉ giao động trong khoảng từ 21 triệu đến 25 triệu đồng mỗi tấn. Cả năm 2018, toàn tỉnh cũng chỉ khai thác được khoảng 4.000 tấn mủ cao su khô, trong đó Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa thu mua cho dân được hơn 1.000 tấn, còn lại chủ vườn phải bán cho các đầu nậu thu gom bên ngoài. Có thể khẳng định, giai đoạn này đang là giai đoạn “thoái trào” của cây cao su, song theo quy luật thị trường, thời điểm khó khăn này sẽ không thể kéo dài mãi.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích: Theo Thông tư 58 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cao su là cây đa mục đích, vừa là cây nông nghiệp, vừa là cây công nghiệp, cũng là cây lâm nghiệp. Có nghĩa, ngoài giá trị để khai thác mủ, nó còn có vai trò như cây rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn, giữ gìn môi trường sinh thái; khi hết chu kỳ, cây vẫn cho thu hoạch gỗ như các cây gỗ rừng khác. Như vậy, việc mủ cao su xuống giá chỉ là thất thu một khía cạnh và cũng là nhất thời, cần có cái nhìn thấu đáo để suy xét, không nên nôn nóng vội chặt bỏ ngay.

Khi được hỏi về thực trạng việc người dân chủ động chặt bỏ vườn cao su ở nhiều nơi, vị cán bộ này thể hiện quan điểm: Tôi không kết luận việc làm ấy là đúng hay sai, bởi lẽ cần xem xét tình hình và điều kiện thực tế cụ thể. Chẳng hạn, những vườn cao su bị đổ gãy do bão, chết do sương muối... khiến mật độ quá thưa, không bảo đảm, nếu cứ bắt người dân duy trì thì không hiệu quả, cũng cần chuyển đổi, nhưng phải được sự thẩm định, cho phép. Riêng các vườn cao su được hỗ trợ theo các chương trình trồng rừng trước đây, như Dự án 661, 327 hoặc vẫn trong quy hoạch thì quan điểm của tỉnh cũng như ngành nông nghiệp là phải kiên quyết giữ.

Ngày 25–2–2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng mới có văn bản do Phó Giám đốc Sở Nguyễn Viết Thái ký, nội dung liên quan đến việc định hướng cho các địa phương về phát triển vườn cao su, cũng như đưa ra các giải pháp cho thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ để diện tích cao su bảo đảm mật độ, sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo về vai trò, hiệu quả lâu dài của cây công nghiệp này để nhân dân yên tâm duy trì chăm sóc và khai thác mủ. Riêng với diện tích cao su trồng mới theo quy hoạch nhưng sinh trưởng kém, phải đánh giá nguyên nhân, đề xuất phương án cụ thể để chuyển đổi cây trồng khác trên cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Cây công nghiệp dài ngày với nhiều năm chăm sóc, đầu tư hàng chục triệu đồng cho mỗi héc – ta, không thể vì tình hình thị trường bất lợi mà chặt bỏ - nếu không có những nguyên nhân chính đáng. Việc chỉ đạo của ngành nông nghiệp cũng như định hướng của UBND tỉnh về giữ lại cây cao su là nhất quán, người trồng cao su nên suy xét trước khi có những quyết định liên quan đến vườn cây.

Cao su vẫn là cây trồng mang tính bền vững, lâu dài

Khoảng 5 năm nay, giá mủ cao su liên tục xuống rồi duy trì ở mức thấp khiến người trồng cao su cũng như Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Tuy là thời kỳ thoái trào, nhưng chúng tôi vẫn có niềm tin về sự phát triển bền vững, lâu dài của cây cao su.

Theo phân tích tình hình thực tế, giá mủ cao su thường phụ thuộc vào giá dầu mỏ thế giới, chúng “cộng sinh” với nhau. Những năm gần đây, giá dầu mỏ thế giới xuống và giá mủ cao su cũng hạ. Gần đây, các nhà máy lọc hóa dầu trên thế giới ngày càng nhiều, sẽ sinh ra nhiều phụ phẩm được người ta dùng sản xuất cao su. Bởi, các mặt hàng sản xuất từ cao su thường sử dụng khoảng 50% cao su tự nhiên cùng 50% các sản phẩm cuối cùng của lọc hóa dầu để chế biến nên nhu cầu mủ cao su đang tăng. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng các sản phẩm sản xuất từ cao su như đệm, lốp xe... ngày càng tăng nên tương lai, giá mủ cao su sẽ tăng dần.

Vào giai đoạn này giá mủ xuống thấp, người trồng cao su có thu nhập thấp hoặc không thu hoạch, nhưng còn đó vườn cao su có thể thu hoạch gỗ khi hết chu kỳ khai thác. Đây là cây có chất lượng gỗ khá tốt, phù hợp đóng hàng gia dụng hay xuất khẩu. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mỗi năm có thu nhập hàng nghìn tỷ đồng từ gỗ cao su chính là minh chứng cho điều đó.

Để sẻ chia khó khăn với người trồng cao su, công ty chúng tôi vẫn nỗ lực thu mua mủ để chế biến và cất trữ. Theo chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, những vườn cao su đại điền phải kiên quyết giữ; một số diện tích cao su tiểu điền hợp tác trồng cùng nhân dân, nếu thực sự không hiệu quả hoặc mật độ còn quá thưa thì có thể chuyển đổi đúng quy định để trồng các cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đỗ Viết Dương

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa

Tuyên truyền cho người dân giữ vườn cao su, chờ lên giá

Xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy chúng tôi hiện có 25 ha cao su, tập trung nhiều ở các thôn Bắc Sơn, Lương Thành và Thuần Lương. Trước những năm 2012 - 2013, 52 hộ trồng cao su trong xã có thu nhập cao, trở nên khá giả nhờ thu hoạch mủ cao su. Những năm “hoàng kim” ấy, mỗi sáng, đều có người của Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa đến tận vườn thu gom mủ cao su, đưa về nhà máy ở xã Cẩm Ngọc để chế biến.

Tuy nhiên, những năm gần đây, giá mủ cao su xuống thấp, người dân ít hoặc không buồn thu hoạch. Một vài hộ thiếu kiên nhẫn đã tự phát phá đi một số diện tích cao su ở khu vực đồi Tranh để trồng cây trồng thay thế. Nhiều hộ khác cũng muốn phá bỏ vườn cao su, nhưng chúng tôi phải tuyên truyền, vận động người dân giữ lại theo chỉ đạo của huyện và ngành nông nghiệp. Theo đó, để trồng được vườn cao su đến kỳ thu hoạch phải mất nhiều năm, vốn đầu tư lớn, không nên vì giá xuống thấp ít năm đã vội phá đi, cần kiên nhẫn chờ thời điểm mủ cao su lên giá.

 Trương Đình Phong

 Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy

Vẫn duy trì vườn cao su theo chủ trương chung

Với 1,5 ha cao su trồng từ năm 1989 đến năm 1998, gia đình tôi đã bắt đầu thu hoạch mủ. Những năm sau đó, gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ vườn cao su mỗi năm. Đến năm 2011 giá mủ dần xuống và từ sau năm 2013 thì xuống thấp khiến người trồng cao su địa phương thất thu.

Thời điểm hiện tại, nếu thuê 3 nhân công cạo mủ cho một héc – ta cao su, mỗi tháng phải trả công cho họ khoảng 12 triệu đồng, nhưng bán mủ cũng chỉ thu về chưa được 1/2 số tiền thuê. Ở địa phương cũng còn vài nhà thu hoạch nhưng do nhàn rỗi, người trong nhà tự lấy công làm lãi, còn phần lớn các gia đình không tổ chức cạo mủ vì thu không đủ chi. Hàng chục vườn cao su trong thời kỳ cho mủ nhưng chủ vườn đều chấp nhận thất thu.

Tôi cũng như nhiều người trồng cao su ở đây đều có nguyện vọng chặt bỏ vườn cao su, chuyển đổi cây trồng khác. Tuy nhiên, được chính quyền tuyên truyền, chúng tôi đồng ý giữ lại theo chủ trương. Tuy không có thu nhập, nhưng ít nhất vườn cao su cũng có tác dụng thay cây rừng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương.

 Cao Văn Đường

Người trồng cao su tại thôn Thái Học, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy

Lê Đồng